Tỏi Kỹ thuật thâm canh, bón phân cho tỏi đạt năng suất cao

Kỹ thuật thâm canh, bón phân cho tỏi đạt năng suất cao

Tác giả TS Bùi Huy Hiền, ngày đăng 29/09/2016

Kỹ thuật thâm canh, bón phân cho tỏi đạt năng suất cao

1. Đặc điểm sinh trưởng

Phát sinh từ vùng á nhiệt đới nên cây tỏi ưa nhiệt độ mát và là cây chịu lạnh. Hạt nảy mầm cả khi nhiệt độ 2 độ C, nhưng thích hợp nhất là 18-20 độ C. Đây cũng là nhiệt độ cần thiết để cây sinh trưởng, phát triển. Để tạo củ cần nhiệt độ 20-22 độ C.

Tỏi là cây thảo, cao khoảng 60cm. Thân hành, gồm nhiều hành con (múi tỏi, tép tỏi). Lá phẳng, mỏng. Hoa trắng hoặc hồng. Cây tỏi cần thời tiết nóng và ngày dài mới hình thành củ, số giờ nắng 12-13 giờ/ngày kích thích cây hình thành củ sớm; trời mát, ngày ngắn thì đâm mầm, ra lá mạnh hơn; lúc ra củ cần ẩm, khi củ đã to cần khô ráo. Đối với các giống có nguồn gốc phía nam Trung Quốc, ánh sáng ngắn hoặc trung bình thích hợp hơn cho cây tạo củ hoặc để giống.

Tỏi có hàm lượng chất khô cao (trong củ tới 35%), bộ rễ kém phát triển (sâu 45cm, rộng 65cm), nên chế độ nước đối với cây tỏi rất khắt khe. Cây chịu hạn kém và cũng không chịu được úng. Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, cần ẩm độ ở mức 70-80% cho phát triển thân lá, 60% cho củ lớn. Lượng nước thiếu, cây phát triển kém, củ nhỏ. Ngược lại, nếu thừa nước cây dễ phát sinh các bệnh thối ướt, thối nhũn, ảnh hưởng tới quá trình bảo quản củ.

Đất trồng tỏi phải là đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu mùn. Độ pH thích hợp 6-6,5.

2. Giống tỏi

Các giống tỏi địa phương có tỏi gié, tỏi trâu, trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh duyên hải miền Trung có trồng giống tỏi nhập nội, củ to gọi là tỏi tây (nhóm alliumporrum L). Ở các vùng tỏi chuyên canh như: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang… nông dân thường trồng 2 giống tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc là tỏi trắng và tỏi tía.

* Tỏi trắng có đặc điểm lá xanh đậm, to bản, củ to. Đường kính củ đạt tới 4-4,5cm. Khi thu hoạch vỏ lụa củ màu trắng. Giống tỏi này có khả năng bảo quản kém, hay bị óp.

* Tỏi tía, lá dày, cứng, màu lá xanh nhạt. Củ chắc và cay hơn tỏi trắng. Dọc thân gần củ có màu tía. Khi thu hoạch có màu trắng ngà. Mỗi củ có 10-11 nhánh. Đường kính củ 3,5-4cm. Giống này được trồng nhiều hơn tỏi trắng.

Năng suất của 2 giống tỏi trên đạt trung bình 8-10 tấn củ khô/ha (300-400 kg/sào Bắc Bộ).

3. Kỹ thuật trồng trọt

3.1. Thời vụ

Ở đồng bằng sông Hồng, tỏi nằm trong công thức luân canh giữa 2 vụ lúa nên thời vụ thích hợp để trồng là 25.9 - 5.10, thu hoạch 30.1-5.2 vẫn đảm bảo đủ thời gian sinh trưởng và không ảnh hưởng đến thời vụ của lúa. Tuy nhiên, vì không có thời gian cho đất nghỉ nên việc làm đất phải tính toán từ chọn ruộng trồng đến chủ động chế độ nước cho lúa. Nếu để tỏi giống với thời gian sinh trưởng trên 140 ngày, tỏi phải trồng trên đất bãi ven sông, không cấy lúa xuân.

Ở khu vực miền Trung, tỏi trồng vào tháng 9-10, thu hoạch củ vào tháng 1-2.

3.2. Làm đất, trồng củ

Đất trồng tỏi chọn chân vàn cao, dễ thoát nước sau khi gặt xong lúa mùa sớm, làm đất kỹ và lên luống ngay để tránh gặp mưa muộn. Luống rộng 1,2-1,5m, rãnh 0,3m. Sau khi lên luống, rạch hàng bón phân. Mỗi luống trồng 5-6 hàng, khoảng cách hàng 20cm.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là vùng trồng tỏi nổi tiếng của nước ta, do luân canh nhiều vụ/năm nên đất nhanh hết dinh dưỡng, phải thay đất mới. Muốn sản xuất, nông dân phải bồi lên trên 1 lớp đất thịt dày khoảng 2cm. Sau khi đầm chặt lớp đất thịt, tiếp tục rải lên 1 lớp phân chuồng, sau đó phả lên 1 lớp cát được lấy từ biển cũng dày khoảng 2cm rồi mới trồng tỏi. Lớp đất thịt có nhiệm vụ nuôi bộ rễ và bổ sung cho cây tỏi một số vi lượng. Còn lớp cát đá vôi được lấy từ biển trộn lẫn san hô vỡ vụn ở trên mặt tạo độ xốp giúp cho củ tỏi phát triển, nở to.

Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc, khối lượng củ 12-15g, có 10-12 nhánh. Mỗi ha cần 1 tấn tỏi giống (37kg/sào Bắc Bộ), khoảng cách trồng mỗi nhánh 8-10cm, ấn sâu xuống đất 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau khi trồng, dùng rơm rạ băm nhỏ phủ một lớp dày 5cm để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc.

3.3. Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây tỏi

* Tính theo 1 sào Bắc Bộ là 360m2.

+ Bón lót: Phân chuồng 700-800kg (nếu đất chua bón thêm 20 kg vôi bột). NPK-S 5.10.3-8: Bón 24-26kg.

+ Bón thúc 1 sau trồng 14-21 ngày: NPK-S 12.5.10-14: bón 7-8kg.

+ Bón thúc 2 sau đợt 1 khoảng 20-25 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón 7-8kg.

+ Bón thúc 3 sau đợt 2 khoảng 15-20 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón 7-8kg.

* Tính cho 1ha:

+ Bón lót, rải đều theo hàng và trộn kỹ: Phân chuồng 15.000 -20.000kg (nếu đất chua bón thêm 500kg vôi bột). NPK-S 5.10.3-8: bón 660-720kg.

+ Bón thúc 1 sau trồng 14-21 ngày: NPK-S 12.5.10-14: bón 190-220kg.

+ Bón thúc 2 sau đợt 1 khoảng 20-25 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón 190-220kg.

+ Bón thúc 3 sau đợt 2 khoảng 15-20 ngày: NPK-S 12.5.10-14: Bón 190-220kg.

3.4. Chăm sóc

Tưới nước đều đến khi cây mọc và khi có 3-4 lá thật thì tưới nước rành, thấm lên dần. Cả thời gian sinh trưởng tưới 4-5 lần. Trước mỗi lần tưới rãnh nên kết hợp bón thúc phân NPK-S Lâm Thao 12.5.10-8.

Cây tỏi thường bị các bệnh như: Bệnh sương mai (peronospora destructor unger), bệnh than đen (urocystis cepula porost). Cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được cho phép đối với từng bệnh. Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày lúc lá đã già, gần khô.

Trình diễn bón phân NPK-S khép kín ở Ba Vì (Hà Nội): Nông dân lãi hơn 215.000đồng/sào

Vụ xuân 2014, tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao phối hợp Hội Nông dân huyện Ba Vì triển khai mô hình trình diễn bón phân NPK- S Lâm Thao khép kín cho cây lúa trên đồng đất các xã Vạn Thắng, Tản Hồng, Phú Cường.

Công thức bón phân là ruộng mô hình bón theo quy trình bón phân khép kín của công ty; ruộng đối chứng bón theo tập quán bón phân thông thường ở địa phương.

Kết quả thực hiện: Qua theo dõi cho thấy bón phân NPK có tác dụng giúp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Do phân bón ở dạng hạt chậm tan, ít bị bốc hơi, rửa trôi nên cây lúa có thể sử dụng triệt để. Mặt khác, sử dụng phân bón NPK- S Lâm Thao cây lúa khỏe, lá có màu xanh vàng ít lốp đổ và nhiễm sâu bệnh hơn.

Năng suất lúa ở ruộng mô hình đạt 260kg/sào, ở ruộng đối chứng đạt 230kg/sào (chênh lệch 30kg/sào).

Thu nhập sau khi đã trừ chi phí phân bón, giống, thuốc BVTV ở ruộng mô hình đạt 1.322.000 đồng sào, ở ruộng đối chứng là 1.107.000 đồng/sào (lãi ở ruộng mô hình cao hơn ở ruộng đối chứng là 215.000 đồng/sào).


Kỹ thuật trồng tỏi ta Kỹ thuật trồng tỏi ta Phòng Trừ Bệnh Thối Nhũn Hành, Tỏi Phòng Trừ Bệnh Thối Nhũn Hành, Tỏi