Tin nông nghiệp Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp - Phần 1

Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp - Phần 1

Tác giả TTKNQN, ngày đăng 12/01/2018

Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp - Phần 1

1. Giới thiệu một số giống đậu phụng mới:

1.1 Giống đậu phụng LDH01:

- Giống LDH01 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chọn lọc từ quần thể giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên đang sản xuất đại trà ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

- Đặc điểm giống đậu phụng LDH01: Thời gian sinh trưởng vụ đông xuân 95 - 100 ngày, vụ hè thu 90 - 95 ngày. Tỷ lệ quả 3 hạt đạt 55 - 60%. Khối lượng 100 quả 157g (lớn hơn giống sẻ Tây Nguyên khoảng 40g). Nhiễm nhẹ đối với bệnh chết ẻo (héo xanh) và bệnh đốm lá. Năng suất trong điều kiện thâm canh đạt 35 - 40 tạ/ha.

1.2 Giống đậu phụng L23:

- Giống L23 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ - Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc từ tập đoàn nhập nội của Trung Quốc năm 2001.

- Giống L23 có thời gian sinh trưởng 95 - 105 ngày. Khối lượng 100 quả 140 - 150g, tiềm năng năng suất 40 - 45 tạ/ha. L23 là giống chịu thâm canh cao. Chiều cao thân chính 35 - 50cm.

1.3 Giống đậu phụng TB25:

- Giống TB25 do Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo từ tập đoàn giống nhập nội, tiến hành công tác chọn lọc theo phương pháp chọn lọc quần thể.

- Giống TB25 có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ đông xuân 95 - 110 ngày, vụ hè thu 85 - 90 ngày.

- Năng suất vụ đông xuân đạt 40 - 45 tạ/ha, vụ hè thu đạt 25 - 30 tạ/ha. Khối lượng 100 quả đạt 150 - 160g, tỷ lệ quả 3 - 4 hạt đạt 60 - 70%.

2. Thời vụ:

- Vụ đông xuân: Gieo trồng từ ngày 25.12 đến 15.1 dương lịch.

- Vụ hè thu: Bố trí gieo hạt giữa tháng 4 hoặc cuối tháng 5 dương lịch để tránh đậu ra hoa, đâm tia gặp tiết Mang chủng. Trên chân đất lúa chuyển đổi, áp dụng theo thời vụ sản xuất lúa do Sở NN&PTNT ban hành từng vụ.

3. Chọn đất và làm đất:

3.1. Chọn đất: Chọn đất từ thịt trung bình đến cát pha, tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt, không bị ngập úng.

3.2. Kỹ thuật làm đất: Đất cày sâu, bừa kỹ và làm sạch cỏ dại. Sau khi làm đất, tiến hành lên luống rộng 1,2 - 1,4m, rãnh rộng 20 - 25cm, chiều cao luống 20 - 25cm (tùy chân đất mà lên luống phù hợp, thuận lợi tưới tiêu).

4. Hạt giống và mật độ gieo hạt:

4.1. Hạt giống tốt:

- Cần chọn giống thuần, sạch bệnh, có sức sống cao, hạt đồng đều, tỷ lệ nảy mầm 90 - 95%.

- Trước khi gieo, nên phơi lại dưới nắng nhẹ 3 - 4 giờ.

- Gieo lúc có mưa nhỏ, đất ẩm; nếu đất khô nên tưới vào rãnh để hạt dễ nảy mầm. Gieo hạt cách xa phân bón lót 3 - 4 cm, nếu để hạt tiếp xúc với phân thì hạt sẽ bị thối, không nảy mầm. Độ sâu khi lấp hạt từ 2 - 3cm (đất khô thì lấp sâu, đất ẩm thì lấp nông hơn).

* Lưu ý: Nếu gặp trời mưa liên tục, cần ngâm ủ hạt đậu nức nanh, nảy mầm đem gieo.

4.2. Lượng giống:

Khoảng 200kg đậu phụng giống vỏ/ha.

4.3. Mật độ và khoảng cách gieo hạt:

- Mật độ: 33-40 cây/m2

- Khoảng cách: 30cm x 10cm x 1 cây/hốc hoặc  20cm x 20cm x 2 cây/hốc.

- Độ sâu lấp hạt: Tùy theo điều kiện thời tiết đất đai cụ thể của từng vùng mà bố trí gieo hạt cho hợp lý, độ sâu gieo hạt 3 - 5cm.


Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp - Phần 2 Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp… Dưa kiểng tí hon sẽ có mặt trên thị trường dịp tết Dưa kiểng tí hon sẽ có mặt trên…