Tin nông nghiệp Kỹ thuật tỉa cành tạo tán chăm sóc cây ăn quả sau khi thu hoạch

Kỹ thuật tỉa cành tạo tán chăm sóc cây ăn quả sau khi thu hoạch

Tác giả KS. Trần Thị Kiều Diễm, ngày đăng 15/02/2019

Kỹ thuật tỉa cành tạo tán chăm sóc cây ăn quả sau khi thu hoạch

Hiện nay cây ăn quả là cây trồng được nhiều người dân quan tâm và sưu tầm những cây giống mới, chất lượng tốt và phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của vùng về trồng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của gia đình còn đem lại kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, sản lượng quả mỗi năm chưa cao do xuất hiện tình trạng cây cho quả cách năm như vải, nhãn, na, xoài,… quả ít, thưa thớt, quả nhỏ ở bưởi, cam, ổi,…làm năng suất thấp do nhiều nguyên nhân: bón phân không đúng cách; không cắt tỉa cành nhánh đúng kỹ thuật sau mỗi vụ thu hoạch để kích thích cây ra chồi mới. Để khắc phục cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Tỉa cành tạo tán

Tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một biện pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất cao ở vụ sau. Cây muốn có năng suất thì diện tích lá phải lớn và các lá không che lẫn nhau. Muốn vậy phải tỉa cành tạo tán phù hợp. 

Những cây mang trái tận cùng cành như nhãn, vải xoài,… cần phải cắt cuống sâu ngay sau 1-2 lá sát chùm quả mới thu hoạch đồng thời tiến hành sửa tán; không được bẻ quá đau gây hại, chột cây.

Những cây ra quả ở nách lá (như cam, bưởi, na, quýt,…) cần cắt cành nhỏ,cành bị che khuất, cành bị sâu bệnh và những cành vươn quá xa ngoài tán để kích thích ra chồi mới. Lưu ý: Cắt sát chân cành để vết thương mau lành.

Ngoài ra việc tỉa cành tạo tán còn phụ thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm lại tỉa đau 1 lần để định hình tạo tán phù hợp với sự phát triển của bộ rễ. Việc tỉa cành tạo tán còn phụ thuộc vào thời điểm sau thu hoạch: như cây vải, nhãn, xoài,.. thu hoạch tháng 6, tháng 7, tháng 8 cần cắt tỉa ngay để cây ra lộc thu thì sang năm mới cho quả.

2. Chăm sóc

Phân bón: Sau mỗi vụ quả dinh dưỡng trong cây gần như kiệt quệ, cần nhanh chóng giúp cây phục hồi bằng cách bón phân sau khi đã tỉa cành tạo tán. Mặt khác, cũng như bộ lá sau một thời gian bộ rễ cây cũng bị già đi, thương tổn và cần có tác động để kích thích bộ rễ phát triển. Để bón phân có hiệu quả cần bón xa gốc, bón theo rãnh, hình vành khăn, bóng, tán cây là tốt nhất. Trước lúc bón cần cuốc đất rồi bón rải đều phân và tiến hành xới đất để lấp phân, giúp cho đất thoáng khí, kích thích cây ra rễ mới và hút dinh dưỡng tốt hơn. Lượng phân bón tùy thuộc vào tuổi cây, tán cây và loại đất trồng để bón cho phù hợp. Chọn các loại phân hữu cơ để cây phục hồi và làm tiền đề cho vụ sau như phân chuồng hoai mục hoặc phân gà, vịt đã được xử lý kết hợp bón cho mỗi gốc cây khoảng 2,5-3 kg phân bón NPK chuyên dùng cho cây ăn quả như loại 16:16:8 + TE + 0,5-1 kg phân vi sinh.

Tưới nước: Sau khi bón phân cần tưới nước đầy đủ cây phát triển tốt và ra lộc nhanh, mập  hơn. Nếu thời tiết hanh khô nên tưới 15 – 20 lít/cây, tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát. Nếu thời tiết mưa kéo dài thì ngừng tưới.

3. Phòng trừ sâu bệnh

Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành cần vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật không để cho sâu bệnh làm nơi trú ngụ. Khi vườn cây phục hồi, nhú chồi mới cần chú ý một số loại sâu bệnh sau:

Rầy mềm, rệp sáp dùng các loại thuốc như Polytein 440 EC, Oshi,.. hoặc có thể dùng dầu khoáng để trừ rầy, rệp.

Các loại sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, sâu đục cành sử dụng các loại thuốc có khả năng lưu dẫn như: Movento 1500D, Amira 25WG, …

Nhện đỏ: làm cho lá non bị cong lại, biến dạng, cành còi cọc khô và chết. Phun trừ bằng thuốc Bihopper 270EC (thuốc trừ sâu sinh học hỗn hợp), Ortus 5SC,… Phun vào lúc chiều mát.

Bệnh hại: Sau khi bón phân, tưới nước cần chú ý bệnh thối rễ, vàng lá chảy nhựa,… do nấm gây hại. Phun phòng trừ bằng thuốc Anvill, Amistar top, Zinep,…


Khôi phục vườn cây có múi sau thu hoạch Khôi phục vườn cây có múi sau thu… Một số biện pháp phòng chống rét cho gia súc gia cầm Một số biện pháp phòng chống rét cho…