Cam Kỹ thuật trồng cam sành trái vụ cho thu nhập cao

Kỹ thuật trồng cam sành trái vụ cho thu nhập cao

Tác giả Bích Phượng (tổng hợp), ngày đăng 25/07/2019

Kỹ thuật trồng cam sành trái vụ cho thu nhập cao

Cam sành lại loại cây ăn trái khá phổ biến ở nước ta và được đông đảo người dùng ưa chuộng. Chính vì vậy, nếu có kỹ thuật trồng cam sành trái vụ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ thuật trồng cam sành trái vụ đơn giản, bà con có thể dễ dàng áp dụng

Cam sành là loại quả trái dạng tròn dẹp, màu vàng sậm, thịt trái nhiều nước, dẻo, hương vị chua ngọt, trọng lượng trung bình 275 gram/ trái. Vì thế cam sành rất được người dân ưa chuộng. Ngày nay, với kỹ thuật trồng cam sành trái vụ đơn giản, rất nhiều bà con đã áp dụng thành công và có được nguồn thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần mùa vụ chính.

Chu kỳ khai thác 10 – 15 năm. Cam sành trái vụ phù hợp ăn tươi, chế biến và tiêu thụ nội địa. Chọn cây giống ghép, đảm bảo tiêu chuẩn trồng và đúng giống, qui cách 60-80 cm, cây xanh tốt, không vàng lá, sâu bệnh.

Xử lý ra hoa trái vụ

Với cây từ 3 năm tuổi trở lên, giai đoạn chuẩn bị cho trái cần bón phân với lượng 200g/gốc với thành phần N-P-K theo công thức: 10-60-10. Trên đọt non phun MKP (Mono Potassium Phosphate), thành phần 0-52-34 cho lá già đồng loạt, pha với nồng độ 1% - 1,2% (100-120 g/10 l nước).

Sau 3-5 ngày khảo sát xem tình trạng lá, nếu chưa đủ già nên phun lại lần 2 với lượng như trên để lá già đồng loạt. Sau khi tưới 3 ngày thì cắt nước (không tưới nước) sau khi cắt nước 1 tuần lễ, hoa bắt đầu rụng, khoảng 2 tuần sau, hoa rụng gần hết (chỉ còn khoảng 10%). Số còn lại sẽ tiếp tục đậu trái, chờ cho trái này lớn cỡ đầu ngón tay.

Khoảng 20 ngày sau khi lá đủ già, phun bổ sung sản phẩm Multi-K (13-0-46) với lượng 150g/10 l nước. Sau khi cắt nước khoảng 20- 25 ngày, lá cam bắt đầu héo và buổi trưa và chiều, đến nước này, tưới nước trở lại khoảng 3 ngày 1 lần và tiếp tục chăm sóc bình thường.

Ðến khoảng tháng 3 âm lịch, tiến hành cắt nước khoảng 2 tuần. Vào tuần thứ 2 sau khi cắt nước, lá cam bắt đầu có triệu chứng héo (nhiều nhất là buổi trưa và chiều). Tưới nước trở lại và bón cho cây một đợt phân NPK, loại có tỉ lệ Kali cao (tốt nhất là loại 20 :20 : 15) với lượng 1 bao cho 1 công vườn, tức 100 m2 (trồng với khoảng cách 1, 3-1,4 mét / 1 cây, cây 2, 3 năm tuổi, không tính diện tích mương).

Bón bằng cách rải đều phân lên mặt luống, sau đó tưới nước cho phân tan và ngấm dần xuống đất. Tiếp tục tưới nước hàng ngày giữ ẩm cho cây cho đến khi cây ra tược, ra hoa (vào khoảng đầu tháng tư âm lịch). Sau khi cây ra hoa, tưới nước khoảng 3 ngày / lần. Vào mùa mưa, chỉ tưới khi nào đất khô và không đảm bảo độ ẩm cho cây.

Dùng các loại thuốc chống rụng trái được khuyến cáo (như VITĐQ 40...). Ngoài ra, để cho trái sáng đẹp và không bị da lu, da cám nên phòng tránh nhện đỏ, nhện vàng bằng các loại thuốc an toàn được khuyến cáo.

Tuyển chọn trái để tăng giá trị kinh tế, thường xuyên bỏ trái sẹo, ghẻ và chừa số trái vừa phải tương xứng với số lá (khoảng 100 lá xanh tốt/trái). Làm cách này, cây sẽ cho thu hoạch trái vào tháng giêng âm lịch, là thời điểm cam sành thường có giá cao. Bình quân 1 công thu hoạch khoáng, 7 tấn trái, đem lại rất nhiều lợi cho người nông dân.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Cam sành cũng như cây có múi khác được trồng ở ĐBSCL, được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng cách có vai trò quan trọng để duy trì vườn cây lâu dài. Phân bón bổ sung Calcium Nitrate. Trên cây cam sành qua nhiều năm nếu thiếu Calcium sẽ gây sự thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái.

Có kỹ thuật trồng cam sành cùng với việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sẽ đạt hiệu quả mong muốn

Mặt khác do hiện tượng đối kháng các nguyên tố hóa học, chất Calcium trong đất cũng càng ngày càng thiếu hơn. Bón thêm 200-250g/gốc sau mỗi đợt chăm sóc. Ở giai đoạn lá non của cam sành là thời điểm phá hại của sâu vẽ bùa, sử dụng dầu khoáng SK 99 phun khi cây cho lá non, sẽ hạn chế loại sâu này phá hại. Nếu phun trễ khi sâu đã đục vào bên trong rất khó phòng trị. Sản phẩm này có tính an toàn cao, thời gian cách ly ngắn.

Sau khi đậu trái: Để chống bù lạch và nhện gây hiện tượng ghẻ trái nên sử dụng hỗn hợp dầu khoáng SK 99 và nhóm thuốc Cypermetryl pha với lượng: 1/2 lượng thuốc khuyến cáo + 25cc SK99/bình 8 l nước. Đây là biện pháp được rất nhiều nhà vườn trồng cây có múi sử dụng.

Ngừa thối rễ: Bệnh thối rễ và nứt thân chảy mũ trên cây cam, quýt do nấm bệnh Phythopthora SP gây ra rất nguy hiểm, nhiều nhà vườn đã sử dụng gốc Fosetyl Aluminium và Metalaxyl, mancozeb cho hiệu quả cao, có thể sử dụng Alpine 80WDG hay Mexyl MZ 72WP phun ngừa trong mùa mưa và mùa lũ. Ngừa rầy chổng cánh: Thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của rầy chổng cánh và các loại rầy, rệp khác để sử dụng các loại thuốc hóa học khi cần thiết.


Lạ lẫm giống cam đào trên đất sen hồng Lạ lẫm giống cam đào trên đất sen… Kỹ thuật chăm sóc vườn Cam bù, Cam chanh thời kỳ quả non Kỹ thuật chăm sóc vườn Cam bù, Cam…