Tin nông nghiệp Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển miền Trung

Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển miền Trung

Tác giả TTKNQG, ngày đăng 04/12/2017

Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển miền Trung

Vùng đất khô hạn ven biển miền Trung phần lớn là đất cát và cồn cát ven biển với diện tích khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích khô hạn thường xuyên khoảng 200.000 ha. Khó khăn của vùng này là nhiều gió mạnh, nắng nóng, ít nước mặt, đất nghèo dinh dưỡng.

Xoan chịu hạn là loài cây đa tác dụng, vừa có tác dụng chắn gió, chống sạt lở đất vừa cho gỗ, đồng thời quả và lá được dùng làm thuốc trừ sâu sinh học (Nguồn ảnh: internet)

Phương thức canh tác nông - lâm kết hợp với nhiều mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cây lâm nghiệp được trồng ở ven biển miền Trung đã thể hiện rõ tác dụng phòng hộ, bảo vệ và cải thiện môi trường, góp phần cung cấp lâm sản tại chỗ cho người dân.

Một số cây lâm nghiệp đa tác dụng gồm: cây dầu lai, cây dầu mè, cây cọc rào, cây diezen, cây chà là ăn trái, cây trôm lấy nhựa, cây xoan chịu hạn có thể chịu khô hạn, vừa có tác dụng phòng hộ vừa cho gỗ củi, đồng thời cho trái cây, nhựa cây làm thực phẩm, thuốc trừ sâu sinh học, nhiên liệu sinh học. Dưới đây, xin giới thiệu kỹ thuật trồng một số cây lâm nghiệp đa tác dụng:

1. Chuẩn bị đất trồng cây

- Phát quang: Đất mới khai hoang hoặc nương rẫy để lâu ngày cần được phát quang, đốt, dọn sạch.

- San ủi: Tạo mặt bằng thuận lợi cho canh tác, song không ủi quá sâu làm mất lớp đất mặt.

- Cày bừa: Tùy theo loài cây trồng có thể cày, bừa cho đất tơi xốp.

- Xử lý đất: Đất canh tác trước đó đã được xử lý sạch bệnh trước khi canh tác.

2. Chuẩn bị giống cây trồng

- Chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và nhu cầu thị trường.

- Chọn giống tốt, năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh.

- Nhân giống tốt: Có thể nhân giống hữu tính (từ hạt, củ) với hệ số nhân giống cao trong thời gian ngắn.

- Vận chuyển cây trồng: Cần tưới nhiều nước từ hôm trước, sử dụng khay bốc xếp cây thẳng hàng, tránh giập gãy cây, vỡ bầu cây.

3. Kỹ thuật trồng cây

- Thời vụ trồng: Trồng vào mùa mưa, với lượng mưa đủ lớn đảm bảo độ ẩm của đất.

- Mật độ, khoảng cách cây trồng: Tuỳ theo loài cây và mục đích trồng mà xác định mật độ và khoảng cách trồng cây phù hợp.

+ Với các loài cây trồng phòng hộ để chắn gió, che phủ đất có thể trồng dày (1m x 0,5m), (1m x 1m), (2m x 1m).

+ Cây trồng lấy gỗ: 3m x 2m.

+ Cây ăn quả: (5m x 4m), (5m x 5m), (6m x 5m).

- Kích thước luống: Thường rộng 1 - 1,2m và dài 5 - 10m.

- Kích thước hố: Cây ăn quả (60 - 80cm), cây lâm nghiệp (30 - 40cm). Riêng cây trồng ở nơi có tầng cát dày cần đào hố sâu 80 - 100 cm (phi lao trồng ở cồn cát).

- Trồng cây: Nên đào hố trước 1 - 2 tuần. Khi đào hố để riêng lớp đất mặt, nếu có điều kiện nên trộn phân bón lót với đất. Xé bỏ túi bầu, không làm vỡ bầu cây, đặt cây thẳng và lấp dần từng lớp, cuối cùng dùng chân dẫm chặt đất quanh gốc cây. Nên tưới ngay sau khi trồng cây.

4. Kỹ thuật chăm sóc cây trồng

- Làm cỏ, vun gốc: Cỏ quanh gốc cây với bán kính 0,5 - 1m cần được làm sạch, vun lớp đất mặt vào gốc cây. Lưu ý, vun gốc không được cuốc sâu ảnh hưởng đến rễ cây.

- Bón phân: Sử dụng phân bón hợp lý và tiết kiệm tuỳ theo thành phần dinh dưỡng có trong đất, giống cây, tuổi cây, từng thời kỳ sinh trưởng và phát dục của cây.

- Tưới nước: Phải đảm bảo nước tưới cho cây trồng trên vùng đất khô hạn, đặc biệt với cây nông nghiệp, cây ăn quả.

- Tỉa cành, tạo tán: Đối với cây ăn quả, cần quan tâm tỉa cành, tạo tán để có được bộ khung vững chắc, cành phân bố đều, đảm bảo đủ ánh sáng. Nên đốn tỉa về mùa khô để hạn chế xâm nhập của nấm.

- Hỗ trợ thụ phấn: Đối với một số loài cây ăn quả có hoa đơn tính khác gốc (chà là ăn quả, đu đủ…) hoặc một số loài cây có hoa lưỡng tính nhưng không tự thụ phấn được.

- Điều hoà sinh trưởng: Khi sử dụng chất điều hoà sinh trưởng cần nắm vững đặc tính và làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, làm thận trọng từ bước nhỏ đến bước lớn.

- Phòng trừ sâu bệnh: Chọn giống tốt, cây khoẻ, bón phân, tưới nước, đốn, tỉa hợp lý, thường xuyên chăm sóc cây trồng, kịp thời phát hiện và xác định rõ loại sâu bệnh. Khẩn trương xử lý sâu, bệnh đúng cách, đúng thuốc và đúng lúc để diệt tận gốc các loại sâu, bệnh hại cây trồng.

* Lưu ý: Những giải pháp kỹ thuật công nghệ trên được áp dụng cụ thể khi trồng từng loài cây phù hợp với đặc điểm điều kiện đất đai, khí hậu ở từng nơi.


Kỹ thuật phòng trừ bệnh thối khô quả na Kỹ thuật phòng trừ bệnh thối khô quả… Sử dụng phân lân thế nào cho hiệu quả Sử dụng phân lân thế nào cho hiệu…