Cà phê Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 3)

Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 3)

Ngày đăng 21/04/2011

Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 3)

1. Chọn lọc giống

Sử dụng các loại giống đã được nhà nước công nhận do cơ sở được phân công sản xuất cung cấp giống. Tiêu chuẩn vườn chọn làm vườn giống, cây chọn làm giống, quả giống đã được Bộ Nông nghiệp ban hành theo tiêu chuẩn cấp ngành. Nguyên tắc chung là sử dụng các vườn tốt có năng suất cao, cây tốt và quả tốt để chế biến làm giống.Trong tương lai việc sử dụng giống bằng con đường vô tính (giâm cành) sẽ thay thế dần việc sử dụng giống bằng hạt đối với cà phê vối (hữu tính). Phương pháp nhân giống vô tính dựa trên cơ sở bình tuyển, chọn lọc những cây mẹ xuất sắc có ở trong sản xuất đặc biệt là sản lượng cao và ổn định qua 3 - 4 năm theo dõi, kỹ thuật nhân giống vô tính không phức tạp, các cơ sở sản xuất có thể làm được, sẽ có quy trình hướng dẫn riêng về phương pháp sản xuất cành giâm bằng con đường vô tính.

2. Chế biến và bảo quản hạt giống

Chọn quả giống đã chín hoàn toàn để hái đem về chế biến trong vòng 24 giờ. Trong khi chờ đợi cần rải mỏng dày từ 8 - 10 cm. Sau khi xát tươi đem ủ từ 10 - 12 giờ rồi đem đãi thật sạch nhớt. Khi phơi cần rải mỏng từ 2 - 3 cm, ở trong bóng mát, thoáng gió, hoặc nắng nhẹ. Có thể phơi trên nong, cót để cho dễ thoát nước và dễ vận chuyển từ nơi nắng vào nơi mát. Thường xuyên đảo từ 1 - 2 giờ một lần để hạt giống khô đều, ít nứt nẻ. Khi độ ẩm ở trong hạt còn từ 20 - 30%, trung bình 25%, cắn hạt thấy còn dẻo là đã đủ độ ẩm để cung cấp làm giống. Thời gian bảo quản không nên quá hai tháng. Hạt giống càng để lâu càng mất sức nẩy mầm. Trong khi bảo quản cần rải hạt giống có độ dày từ 5 - 7 cm, hàng ngày có cào đảo để chống hiện tượng hạt giống bị thối mốc. Chú ý đặt trên giá cao ráo, không rải trực tiếp trên nền xi măng hay nền gạch không để trong kho có mái lợp bằng tôn kẽm, cần chọn nơi thoáng mát để bảo quản hạt giống. Hạt giống được đem bảo quản ở kho lạnh sẽ kéo dài được sức nẩy mầm.

3. Xử lý hạt giống

Hòa với nước vôi theo tỷ lệ: 0,5 kg vôi bột tốt trong 20 lít nước (2,5%) sau đó chỉ gạn lấy phần nước vôi trong đem đun nóng 60oC rồi cho hạt giống vào ngâm từ 20 - 24 giờ (hạt quá khô có thể ngâm 26 giờ). Sau đó đem đãi thật kỹ cho hết lớp nhớt bám ở vỏ hạt bằng nước lã sạch tùy theo số lượng hạt giống nhiều hay ít mà có hai các ủ sau đây:

+ Ủ hạt giống trong luống chìm: Chiều rộng luống từ 1 - 12 m, chiều sâu luống từ 0,6 - 0,8 m, cho các lớp nguyên liệu sau đây kể từ đáy luống trở lên:

* Lớp lá cây phân xanh tươi:              20 - 25 cm.

* Phân chuồng độn rác chưa hoai:      20 - 25 cm.

* Lớp vôi bột mỏng:                         0,5kg/m2.

* Lớp rơm rạ sạch:                           10 cm.

* Lớp bao tải sạch.

* Lớp hạt giống: giai đoạn đầu dày 10 - 15 cm, giai đoạn sau khi nẩy mầm chỉ dày 5 - 7 cm.

* Lớp bao tải sạch đậy phủ lên trên lớp hạt giống.

* Lớp rơm, cỏ khô, sạch đậy kín trên mặt luống dày 20 - 30 cm, có thể kết lại thành tấm liếp phủ kín trên mặt luống (để giữ nhiệt).

Xung quanh luống và phía trên mái luống phải được che kín gió. Ban trưa trời nắng to cần dỡ mái lợp luống để nhiệt độ của mặt luống ủ hạt giống được tăng thêm. Những ngày giá rét có thể đốt lửa ở gần luống ủ hạt để tăng thêm nhiệt độ (chú ý chống cháy). Khi kiểm tra thấy hạt giống thiếu ẩm cần đun nước nóng 600C để tưới vào lớp hạt giống ủ. Nếu ủ trong luống thường thì sau 7 - 10 ngày hạt giống đã lác đác nảy mầm, tốt nhất là khi hạt giống mới nhú mầm (nứt nanh) thì lựa ra đem gieo vào bầu ngay, không để mầm dài quá 3 mm. Nếu để mầm quá dài khi gieo đuôi rễ có thể bị gãy tạo ra bộ rễ biến dạng hay thiếu rễ cọc, chỉ có những rễ phụ hoặc làm cho rễ đuôi chuột bị cong.

+ Ủ hạt giống trong thúng: Nếu lượng hạt giống chỉ có một vài cân thì sau khi làm xong phải xử lý hạt giống sẽ đem ủ ở trong thúng. Cách làm như sau:

Dùng rơm, rạ sạch lót vào đáy và thành thúng, sau đó lót trên bề mặt của lớp rơm rạ một chiếc bao tải sạch. Đưa hạt giống vào ủ ở trong thúng, phía trên mặt lớp hạt giống cũng được đậy kín bằng một chiếc bao tải sạch và trên miệng thúng được phủ thêm một số bao tải hay một lớp rơm dày. Thúng ủ hạt này có thể để ở trong nhà bếp để giữ nhiệt hoặc trưa nắng có thể đem ra phơi để tăng nhiệt cho quá trình nẩy mầm. Hàng ngày cần kiểm tra nếu thấy hạt giống thiếu ẩm thì dùng nước nóng 60oC để tưới cho khối hạt giống.

Kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy. Nếu đem bóc vỏ phần vỏ trấu của hạt giống thì thời gian nảy mầm sẽ nhanh chóng hơn được vài ngày.

 4. Kỹ thuật gieo hạt

Hạt đặt sâu từ 1 - 1,5 cm so với mặt đất, đặt hạt nằm úp (phía mặt phẳng của hạt nằm phía dưới, phía mặt khum cong ở phía trên). Dưới đây là quá trình nảy mầm, ra rễ, bung lá sò và phát triển cây con (hình 4 và 5).

Nếu để rễ mầm quá dài mới đem gieo hoặc đặt hạt không đúng hướng sẽ dễ dàng làm cho bộ rễ bị biến dạng. Rễ bị biến dạng còn có các nguyên nhân khác là: Đất ở trong bầu làm chưa kỹ, còn nhiều cục to, phân trộn không đều, bầu đất để quá khô không được tưới nước khi gieo hạt. Nếu cây con có bộ rễ bị biến dạng như các hình b, c, d ở trên mà đem trồng thì sau đó cây sinh trưởng kém, lá dễ bị úa vàng bởi vì bộ rễ không có khả năng đâm sâu xuống các tầng đất ở dưới để hút nước vào các thời kỳ khô hạn.

5. Thời vụ trồng

Nguyên tắc chung của thời vụ trồng thích hợp là vào đầu mùa mưa khi đất đã đảm bảo được độ ẩm. Thời vụ trồng đối với các tỉnh ở Tây Nguyên phù hợp nhất là trong tháng 6. Nếu năm mưa sớm cây con đã đủ tiêu chuẩn trồng thì có thể trồng vào tháng 5. Những năm mưa muộn có thể trồng sau tháng 7. Những vùng có chế độ mưa chấm dứt vào cuối năm thì có thể trồng muộn hơn. Trong kinh tế vườn có thể trồng muộn vào cuối mùa mưa nếu trong mùa khô có đủ nước tưới và có tủ gốc dày.

6. Tủ gốc giữ ẩm

Đây là một biện pháp hết sức quan trọng đối với những vùng có mùa khô hạn. Ngay sau khi trồng mới có thể tiến hành tủ gốc ngay để đề phòng các tiểu hạn, song bước vào thời kỳ cuối mùa mưa, đầu mùa khô còn phải tiến hành tủ gốc giữ ẩm. Ngoài vai trò giữ ẩm ra nó còn có nhiều tác dụng khác: tăng thêm chất hữu cơ cho cây cà phê làm thuận lợi quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng khoáng điều hòa đựơc nhiệt độ và độ ẩm trong đất, chống cỏ dại xung quanh gốc cà phê đặc biệt là cỏ tranh. Vào cuối mùa mưa cần làm cỏ sạch gốc, trên hàng, giữa hàng để lấy nguyên liệu hữu cơ đó cùng các loại cây phân xanh, đậu đỗ trồng xen trong lô, cùng với việc lấy thêm các nguyên liệu tủ gốc khác ở bên ngoài đem vào như rơm, rạ, cây phân xanh v.v... Để tiến hành tủ gốc cho vườn cà phê, cần tủ một lớp dày từ 20 - 30 cm, đường kính của thảm tủ rộng ra ngoài bộ tán của cà phê từ 20 - 30 cm, lớp nguyên liệu cần tủ cách gốc cà phê chừng 10 cm để chống mối làm hại cây. Trên bề mặt lớp tủ cần đắp lên một lớp đất mỏng để tăng thêm khả năng giữ ẩm, chống cháy và chống gió làm bay mất rác tủ. Tủ gốc tốt cũng góp phần tạo ra bồn tưới nước cho cà phê trong mùa khô. Ở những nơi có điều kiện có thể dùng nguyên liệu để tủ thành băng cả hàng cà phê hoặc có thể phủ cả toàn bộ điện tích kể cả giữa hai hàng cà phê. Cỏ voi cũng là nguyên liệu tủ gốc tốt, tăng hàm lượng ka-li cho đất.

7. Cây trồng xen che phủ bảo vệ cải tạo đất trong vườn cà phê ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản các vườn cà phê cần trồng những cây trồng xen sau đây để bảo vệ, cải tạo, nâng cao độ phì của đất. Các cây trồng có thể sử dụng như sau: Đậu phụng, đậu tương, đậu hồng đáo, đậu mèo ngồi, các loại đậu đỗ khác, đậu lông, thẹn không gai, Flemingia congusta, muồng hoa vàng v.v... Cây trồng xen có thể trồng vào đầu mùa mưa ở giai đoạn trước khi trồng cà phê hoặc: trồng vào cùng giai đoạn với lúc trồng cà phê. Trong mùa mưa có thể trồng được 2 vụ, cây trồng xen hoặc nếu là cây phân xanh có thể cắt vài lần trong mùa mưa để tăng thêm sinh khối chất xanh trên cùng một đơn vị diện tích. Cây, cành, lá của cây trồng xen ở vụ 2 sẽ dùng làm nguyên liệu tủ gốc vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Gieo cây phân xanh, đậu đỗ trồng xen thành băng nằm giữa hai hàng cà phê hoặc trên hàng giữa 2 cây cà phê.

Thường khoảng cách giữa cây cà phê và cây trồng xen rộng từ 60 - 80 cm.

Chú ý xử lý cây trồng xen để không cho che phủ, leo cuốn lên cây cà phê. Nơi thiếu phân chuồng có thể dùng thân lá cây trồng xen để ép xanh. Đào hố hình vành khăn vào vùng xung quanh mép tán của cây cà phê có độ sâu từ 30 - 40 cm, và chiều rộng từ 30 - 40 cm, sao cho thân lá cây trồng xen vào trong hố rồi lấp đất kín lại.

8. Che túp

Tác dụng của che túp là để chống gió, chống rét, chống hạn. Ở những nơi sau thời gian trồng mới thường có tiểu hạn thì phải tiến hành che túp. Trong mùa mưa không cần phải che túp, song trong mùa khô và mùa đông thì che túp có tác dụng chống gió, chống hạn chống rét. Có thể dùng túp che kín xung quanh cây cà phê hoặc làm các tấm chắn đặt vào phía hướng gió chính thổi tới. Cần chú ý tới độ cao, để không làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây cà phê nằm trong túp. Ở những nơi đã trồng được các cây phân xanh để che gió, che bóng tạm thời, có đai rừng chắn gió, có tủ gốc tốt thì không nhất thiết phải che túp.

9. Cây che bóng và đai rừng chắn gió

Cây che bóng có mấy tác dụng sau đây:

* Điều tiết ánh sáng cho phù hợp với yêu cầu sinh lý của các giống cà phê.

* Điều hòa nhiệt độ, ẩm độ trong không khí.

* Giảm lượng bốc hơi từ trong đất.

* Bảo vệ cấu tượng của đất, nâng cao độ phì của đất (qua bộ lá cây che bóng mát là họ đậu rụng xuống đất).

* Hạn chế sinh trưởng của cỏ dại.

* Vườn cây cho năng suất bền, ổn định, khắc phục hiện tượng sản lượng năm cao năm thấp.

 a) Cây che bóng, che gió tạm thời:

Cần trồng xung quanh gốc cà phê (vòng tròn) hay trồng thành một vòng cung ở phía hướng gió chính, trồng ở trên hàng vào khoảng cách giữa hai cây cà phê hoặc trồng thành băng ở giữa hai hàng cà phê bằng các cây phân xanh có thân đứng cao như muồng hoa vàng. Giữa hai gốc cà phê ở trên hàng có thể dùng cây cốt khí hoặc đậu săng. Khoảng cách từ gốc cây che gió, che bóng tạm thời đến gốc cây cà phê ít nhất phải xa từ 70 - 80 cm. Trồng gần sát hố cà phê sẽ gây hiện tượng tranh chấp dinh dưỡng và tranh chấp nước giữa cây che bóng, che gió tạm thời với cây cà phê. Cần chú ý xử lý cây che bóng, che gió tạm thời khi thấy chúng đã bắt đầu giao tán với cây cà phê. Khi rong tỉa cây che bóng, che gió tạm thời sẽ lấy nguyên liệu cành, lá đó để tủ gốc hoặc ép xanh góp phần làm tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng cà phê.

b) Cây che bóng lâu dài:

Cây che bóng lâu dài gồm hai tầng: cây tầng thấp và cây tầng cao. Ở Tây Nguyên thường dùng cây keo dậu gồm 2 chủng leucaena glauca (thường gọi là cây táo nhơn hay bồ kết dại) và Leucaena leucocephala (thường gọi là keo Cu-ba). Cây bóng mát tầng cao thường dùng cây muồng đen (Cassia seamia) một số nơi như ở Lâm Đồng còn dùng cây keo tây. Cây bóng mát có tầng thấp trồng với khoảng cách như sau:

Cà phê vối trồng với khoảng cách: 6 x 7,5 m

Cà phê chè dạng cây lùn trồng với khoảng cách: 5 x 6 m

Các loại cà phê chè khác: 6 x 6 m

Chú ý trồng cây bóng mát ở trên hàng nằm giữa khoảng cách của 2 hố cà phê.

Cây bóng mát tầng cao kết hợp với hàng cây che gió có khoảng cách giữa các hàng là 24 m (cứ 9 hàng cà phê thì trồng hàng cây che bóng tầng cao). Khoảng cách giữa các cây trên hàng là 7,5 m, cây bóng mát trồng vào giữa vị trí của 2 cây cà phê. Tại miền Bắc còn trồng cây trẩu (Aleurites montana) và cây đậu chàm (Indigofera) để làm cây che bóng. Cần rong tỉa cây bóng mát kịp thời để bộ tán của cây bóng mát không trùm trực tiếp lên tán cà phê đặc biệt là trong mùa mưa. Trong thời kỳ cà phê ở tuổi kinh doanh thì bộ tán của cây che bóng phải cao cách bộ tán của cây cà phê trên 5 - 7 m.

c) Đai rừng chắn gió:

Xung quanh vùng trồng cà phê cần trồng các hệ đai rừng chắn gió chính. Đai rừng này cần thẳng góc với hướng gió chính hoặc chếch một góc 600. Đai rừng chính rộng 9 m, ở giữa trồng 3 hàng muồng đen, hàng cách hàng 1,5 m, và cây cách cây 2 m (trồng nanh sấu). Hai bên mép đai rừng có thể trồng thêm 2 hàng cây ăn quả như mít, nhãn, xoài tạo thành những hành cây chắn gió ở tầng thấp. Tại miền Bắc có kinh nghiệm trồng cây bạch đàn và Đài Loan tương tự để làm đai rừng chắn gió. Tùy theo từng nơi còn có thể sử dụng cây chàm bông vàng để làm đai rừng chắn gió cũng cho kết quả tốt. Tại các vùng chuyên canh tập trung có diện tích lớn thì cứ 500 m lại xây dựng một đai rừng chính. Ngoài tác dụng che gió, đai rừng còn có tác dụng điều hòa sự bốc hơi và tăng nhiệt độ vào mùa đông ở trong lô trồng. Các đai rừng phụ trồng xen kẽ ở các đường lô hoặc giữa hai khoảnh, có thể trồng cây muồng đen, tràm bông vàng hay cây mít ở trong các đai rừng phụ.

10. Tưới nước

Trong mùa khô hạn khi thấy cây cà phê có hiện tượng thiếu nước thì cần phải tiến hành cung cấp nước kịp thời. Hai hình thức chủ yếu để cung cấp nước cho cây cà phê đó là: tưới trực tiếp vào gốc và tưới phun mưa.

a) Tưới gốc:

Tiến hành tưới gốc cho cây cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản trên cơ sở tủ gốc, và trồng cây che gió, che bóng tạm thời. Mỗi gốc tưới từ 40 - 60 lít nước/lần tưới. Khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 20 - 30 ngày. Nếu không có tủ gốc, thiếu cây che gió, che bóng tạm thời thì khoảng cách giữa 2 lần tưới sẽ ngắn hơn. Khi cà phê đã bắt đầu vào giai đoạn ra hoa thì lượng nước tưới ở trên không còn đủ nữa. Tối thiểu một lần tưới là 100 lít trở lên, thời gian giữa 2 lần tưới sẽ ngắn hơn. Tuy có tưới nước nhưng lượng nước tưới nếu không đủ sẽ dễ dàng làm cho cây chết trong mùa khô, hoặc làm chết khô các cặp cành cơ bản trong vụ ra hoa bói vì thời kỳ ra hoa cây đòi hỏi rất nhiều nước. Cà phê kinh doanh nếu làm được bồn tốt cũng có thể tưới gốc, song lượng nước tưới cho một gốc phải đạt từ 150 - 200 lít/gốc. Ở những nơi có điều kiện về địa hình và nguồn nước dồi dào thì có thể tiến hành tưới thấm theo rãnh.

 b) Tưới phun nước:

Cà phê ở vụ ra hoa bói rộ (thường sau khi trồng 16 - 18 tháng) và khi chuyển vào thời kỳ kinh doanh thì cần áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa. Đối với các vùng khô hạn, sau khi các mầm hoa đã phân hóa và phát triển khá hoàn chỉnh (hoa đã ở dạng mỏ sẻ nhỏ có màu xanh hoặc xám xanh) thì tiến hành tưới lần đầu với lượng nước từ 700 - 800 m3/ha. Các lần sau tưới từ 500 - 600 m3/ha. Khoảng cách giữa các lần tưới tùy thuộc vào mức độ che phủ, chắn gió và loại đất mà biến động từ 15 - 20 ngày. Thông thường trong một mùa khô ở Tây Nguyên cần có số lần tưới từ 3 - 6 lần. Lượng nước tưới cần cho một ha trong một vụ tưới thông thường cần từ 3.200 - 3.800 m3. Tưới phun mưa sẽ tạo được tiểu khí hậu trong lô, tăng độ ẩm không khí, vì vậy rất thuận lợi cho quá trình nở hoa của cà phê.

11. Tạo hình

Tạo hình sửa cành cho cà phê là một trong những biện pháp kỹ thuật hết sức quan trọng. Có thể đặt vị trí của tạo hình sửa cành chỉ đứng sau phân bón và nước tưới. Tạo hình sửa cành tốt sẽ tạo ra một bộ tán cà phê cân đối, mang nhiều cành quả, sử dụng hợp lý được không gian để tạo ra mô hình cho năng suất cao và ổn định giữa các năm. Coi biện pháp tạo hình cho cà phê là một kỹ thuật có mang tính nghệ thuật cao như nghệ thuật tạo hình cho cây cảnh. Vì vậy, phải tác động vào đúng chỗ, đúng thời gian, đúng với hiện trạng của từng cành, từng cây trên cơ sở dựa vào quy luật ra cành ra hoa của cây cà phê để tác động thì mới đưa lại kết quả như ý muốn. Các nội dung tạo hình sẽ được trình bày ở dưới đây tập trung vào cây cà phê vối và cà phê chè.

12. Cưa đốn phục hồi

Các vườn cà phê sau một thời gian kinh doanh dài đã già cỗi, năng suất thấp xét thấy không còn cho hiệu quả kinh tế nữa thì tiến hành cưa đốn phục hồi để làm trẻ lại chuyển sang chu kỳ kinh tế mới.

a) Thời vụ cưa:

Tiến hành cưa phục hồi vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Nếu cưa quá sớm vào trong mùa khô có thể làm cây chết. Nếu cưa muộn quá vào trong mùa mưa sẽ hạn chế thời gian phát sinh và phát triển của các chồi vượt, không tận dụng được đầy đủ điều kiện thuận lợi của mùa mưa để nuôi các thân mới trên gốc đã cưa. Ở Tây Nguyên thời gian cưa vào khoảng trong tháng 4, những năm có mưa sớm thì có thể cưa sớm hơn.

 b) Độ cao cưa:

Gốc cây giữ lại sau khi cưa còn từ 20 - 25 cm, đối với các vườn cà phê cưa lần đầu. Nếu cưa lần thứ hai thì gốc giữ lại từ 30 - 35 cm.

 c) Số thân giữ lại trên một gốc:

Sau khi cưa từ 2 - 3 tháng, sẽ phát sinh trên gốc nhiều chồi vượt. Những lần đầu chọn lọc giữ lại từ 5 - 6 chồi mọc khỏe phân bố đều ở xung quanh gốc. Sau khi các chồi vượt mọc cao từ 30 - 40 cm thì chọn lọc lần cuối cùng để giữ lại mỗi gốc từ 3 - 4 thân tốt nhất (hình 24).

Chú ý sau khi cưa cần tiến hành kéo cây ra khỏi lô trồng, dọn dẹp vệ sinh, rong tỉa cây bóng mát. Cày bừa phay một lớp mỏng dày 10 cm để phá bỏ và cải tạo các lớp rễ nằm trên tầng mặt. Vào đầu mùa mưa cần gieo cây phân xanh đậu đỗ để che phủ, bảo vệ, cải tạo nâng cao độ phì của đất. Đối với những cây bị bệnh gỉ sắt nặng ở trong lô chưa đến tuổi phải cưa đốn phục hồi, thì có thể tiến hành cưa đốn cục bộ những cây này, sau chọn những chồi vượt của những cây mẹ có năng suất cao, không bị bệnh để ghép vào thay thế

13. Phân bón

Cà phê là một loại cây trồng có yêu cầu thâm canh cao, phân bón là một trong những yếu tố được xếp vào thứ tự hàng đầu. Trồng cà phê nếu không đảm bảo lượng phân hữu cơ và vô cơ sẽ dẫn tới không có hiệu quả kinh tế. Bón đúng lúc, đủ lượng cần thiết sẽ tránh được lãng phí do rửa trôi, bốc hơi và đưa lại năng suất cao. Vì vậy, khi muốn trồng cà phê phải lo giải quyết vấn đề phân bón.

 a) Lượng phân bón:

- Trồng mới: Mỗi hố bón từ 10 - 20 kg phân chuồng tốt, nếu thiếu phân chuồng phải có từ 10 - 20 kg phân hữu cơ đem trộn lẫn với 0,3 kg phân lân nung chảy hay super lân đem lấp ủ ở trong hố trước khi trồng cà phê từ 1 - 2 tháng. Sau khi trồng mới, cây sẽ bén rễ phát triển tốt, vài giai đoạn làm cỏ, tủ gốc giữ ẩm trước giai đoạn kết thúc mùa mưa nên bón cho mỗi gốc 25 g đạm Sunfat và 25 g sunfat kali (xới trộn vào trong tầng đất mặt trong lòng hố cà phê). Hai dạng phân trên sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu lưu huỳnh ở trong đất gây nên hiện tượng bạc lá cà phê. Chất hữu cơ đối với cà phê có tầm quan trọng đặc biệt, vì thế nếu lượng phân chuồng không đủ thì phải tìm mọi biện pháp để cung cấp nguồn chất hữu cơ cho lô trồng cà phê để lấy nguyên liệu tủ gốc và ép xanh. Tủ gốc tốt cũng là một biện pháp tích cực để duy trì và tăng thêm chất hữu cơ cho từng hố cà phê. Quá trình phân giải và chuyển hóa chất hữu cơ ở trong đất trồng cà phê cũng làm tăng quá trình chuyển hóa từ lân khó tiêu sang lân dễ tiêu có lợi cho yêu cầu dinh dưỡng khoáng của cây cà phê đặc biệt là thời kỳ kiến thiết cơ bản


Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 2) Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến… Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 4) Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến…