Cà phê Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 4)

Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 4)

Ngày đăng 21/04/2011

Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 4)

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH VÀ CỎ DẠI

I. BỆNH HẠI

Một số loại bệnh hại cây cà phê chủ yếu thường hay gặp như sau:

 1. Bệnh gỉ sắt hay nấm vàng da cam (Hemileia vastatrix Bet. Br).

Bệnh nấm này xuất hiện ở tất cả các nơi có trồng cà phê ở Việt Nam. Triệu chứng điển hình của bệnh này là trên lá xuất hiện những vết bệnh hình tròn, trên mặt vết bệnh có một lớp bột phấn vàng màu da cam. Đó là những bào tử của nấm bệnh. Tác hại chủ yếu của nó là làm rụng lá dẫn tới hậu quả khô cành, giảm hoặc mất sản lượng. Tại miền Bắc bệnh phát sinh và phát triển vào hai vụ: Thu Đông và Xuân Hè. Bệnh nặng nhất vào các tháng 10, 11, 12 và 3, 4 trong năm. Ở miền Nam bệnh phát triển mạnh và nặng ở các tháng 10, 11, 12. Cà phê chè bị bệnh này rất nặng, cà phê vối có một tỷ lệ đáng kể. Cà phê mít bị bệnh ở mức độ trung bình.

 Biện pháp phòng trừ:

Sử dụng giống có khả năng kháng bệnh. Đối với những giống dễ mẫn cảm với bệnh thì dùng thuốc hóa học để phun phòng trừ. Các thuốc nấm thường được sử dụng là Boóc-đô 0,5 - 1%, Oxyd chlorid đồng 1% phun vào mặt dưới của lá ở giai đoạn bệnh mới phát triển và trong mùa bệnh, khoảng cách thời gian phun lần sau so với lần trước từ 3 - 4 tuần lễ. Trong mùa mưa cần sử dụng chất dính như Hafton để tăng độ bám dính của thuốc. Hiện nay một số nước đã dùng một số thuốc nội hấp có khả năng phòng và trừ được bệnh như: Sicarol, Bayleton, Anvil, Sumi-eight, nồng độ phun thuốc như sau: Bayleton 0,1%, Anvil 5SC dùng 0,2% và Sumi-eight 12,5WP dùng 0,05%. Còn Sicarol dùng từ 3 - 4 lít pha trong 600 lit nước để phun phòng trừ. Chú ý khi bệnh đã phát triển vào giai đoạn cuối của mùa bệnh thì không nên tiến hành phun thuốc phòng trừ nữa. Cần làm cỏ sạch, tỉa cành cho cây thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế sự lây lan và phát triển của bệnh.

 2. Bệnh khô cành, khô quả (Anthracnose, Die Back)Nguyên nhân sinh lý hay do nấm Colletotrichum coffeanum Noack gây nên. Bệnh thường phát triển từ đầu mùa mưa nhưng thể hiện rõ rệt khi quả non đã ở được 6 - 7 tháng tuổi. Bệnh gây hiện tượng khô cành, khô quả, khô lá thành từng vết hay thành từng mảng trên phiến lá. Khi bệnh nặng có thể làm cho cà phê bị chết khô không hồi phục lại được. Tác hại của bệnh nhiều nơi không kém gì bệnh gỉ sắt.

 Biện pháp phòng trừ:

Cần bón phân đầy đủ đặc biệt là phân đạm, kali có tác dụng hạn chế sự tác hại của bệnh. Nếu hàm lượng đạm ở trong lá có từ 4% trở lên thì cây cà phê không bị loại bệnh này gây tác hại. Khi thấy xuất hiện bệnh thì dùng các loại thuốc có gốc đồng để phun phòng trừ. Nồng độ và khoảng cách giữa hai lần phun giống như phòng trừ bệnh gỉ sắt. Vị trí phun tập trung chủ yếu vào cành và quả, nơi bị bệnh nặng cần phun từ 2 - 3 lần một vụ. Trồng cây che bóng một cách hợp lý cũng hạn chế được sự xuất hiện của bệnh. Cà phê không có cây che bóng rất dễ dàng xuất hiện bệnh khô cành, khô quả. Có thể dùng thuốc nội hấp Derosal pha 0,1%, phun 2 lần cách nhau 14 ngày, khi vừa đậu trái để phòng trừ.

 3. Bệnh nấm hồng (còn gọi là mốc hồng)

Bệnh này do nấm Corticium salmonicolor gây nên.Vị trí tác hại chủ yếu là ở trên cành, đôi khi bệnh nặng có tất cả các cành trên phía ngọn. Mầu sắc của vết bệnh có màu hồng, vết cũ có màu trắng xám vỏ cành bị nứt nẻ.

 Biện pháp phòng trừ: Chủ yếu là phát hiện kịp thời để cắt đốt những cành bị bệnh. Cần cắt sâu xuống phía dưới vết bệnh khoảng 10 cm, để khỏi sót nguồn bệnh còn lại ở trên cây. Có thể dùng thuốc Boóc-đô đặc 5% để quét lên cành bệnh, hoặc phun thuốc có gốc đồng với nồng độ 0,5 - 1% vào vùng có cây bị bệnh. Bệnh nấm hồng thường phát triển vào mùa mưa, nhất là các tháng 7, 8, 9, 10. Cần tỉa cành, tạo hình làm cho bộ tán cây thông thoáng và tạo cho lô trồng không quá ẩm ướt.

 4. Bệnh màng nhện (sợi bạc)

Bệnh này do nấm Corticium kolerega gây nên. Khác với bệnh nấm hồng triệu chứng bệnh có màu hồng như một lớp nỉ bám trên cành, còn bệnh màng nhện thì có những sợi rất mảnh bám trên cành rồi lan ra các cuống và phiến lá trông như những sợi bạc. Các lá bị bệnh khi rụng còn treo lại ở trên cành do hệ sợi nấm này giữ lại. Bệnh thường phát triển ở trong mùa mưa, những nơi ẩm ướt thiếu ánh sáng và chỉ lẻ tẻ ở một số cây. Bệnh có thể làm khô hầu hết bộ tán lá đặc biệt là ở cà phê chè. Khi thấy bệnh xuất hiện dùng các loại thuốc có gốc đồng 0,5 - 1% để phun phòng trừ. Cần chú ý điều chỉnh cây bóng mát, tỉa cành làm cho lô trồng thoáng khí không quá ẩm ướt.

 5. Bệnh lở cổ rễ

Bệnh này do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Tác hại chủ yếu của bệnh là đối với cây con trong thời kỳ vườn ương và thời kỳ kiến thiết cơ bản. Vị trí bệnh xâm nhập gây tác hại là ở phần cổ rễ (cổ rễ bị teo, khô thắt lại ngăn cản hay làm đình trệ quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi cây).

 Biện pháp phòng trừ:

Đất trước khi cho vào bầu phải làm kỹ, nhỏ, không có cục to. Không để mặt bầu khô đóng váng dễ gây những vết thương cơ giới. Vườn cần phải che kín gió. Trước khi đem cây con ra trồng cần kiểm tra kỹ để loại bỏ những cây đã bị bệnh. Những nơi đã bị bệnh nặng thì sau đó không được làm lại vườn ương ở vị trí cũ. Những cây đã bị bệnh nặng cần nhổ đem đốt, cây còn bị nhẹ hoặc ở vùng có cây bị bệnh cần dùng các loại thuốc dưới đây để tưới hay phun xử lý: TMTD (Thiuram) 0,5%, Maneb, Zineb từ 0,2 - 0,3%.

6. Bệnh rễ do tuyến trùng (Nematodes)

Một số loại tuyến trùng gây hại đối với cà phê ở Việt Nam là:

- Tuyến trùng gây vết thương: Pratylenchus coffea.

- Tuyến trùng gây nốt sần: Meloidogyne spp.

- Tuyến trùng nội sinh và nửa nội sinh là: Tylenchus và Pratylenchus v.v...

Tuyến trùng có thể gây tác hại trong thời kỳ vườn ương nhưng chủ yếu là ở trên đồng ruộng. Cây cà phê bị tuyến trùng thường sinh trưởng kém, mùa khô thường bị vàng héo, cây bị nặng có thể chết khô ngay ở trên lô trồng. Triệu chứng của tuyến trùng gây vết thương là làm cho rễ bị sưng u, có những đường nứt nẻ. Còn tuyến trùng gây nốt sần chỉ ở trên các rễ phụ có những u dạng nốt sần.

Biện pháp phòng trừ:

Những cây bị bệnh nặng nhổ đem đi đốt. Những vùng đã bị bệnh nặng cần luân canh với cây trồng khác, hoặc cải tạo đất bằng cây phân xanh ít nhất từ 2 - 3 năm sau mới trồng lại cà phê. Con đường chọn lọc giống chống bệnh dùng gốc ghép chống bệnh cũng thường được chú ý để phòng chống bệnh này. Những cây bị bệnh nhẹ tăng cường bón phân hữu cơ, có thể dùng một số loại thuốc sau đây để bơm vào đất xử lý: Nemaphos, Teracur, Nemagon, Methylbromid. Cây cúc vạn thọ cũng là cây có khả năng diệt tuyến trùng. Trồng cây này trong vùng cây bị bệnh hoặc xung quanh gốc cây cà phê để chúng tiết ra các chất diệt tuyến trùng trong đất hoặc ở vùng xung quanh bộ rễ của nó. Có thể đem băm thân và rễ cây cúc vạn thọ sau đem vùi vào gốc cà phê.

 7. Bệnh thối rễ

Một số loại nấm ở trong đất như Rhizoctonia, Fusarium... tấn công gây tác hại vào bộ rễ của cây cà phê. Triệu chứng: Trên các rễ ngang, chóp rễ, phần rễ đuôi chuột xuất hiện những vết thối mềm có màu thâm đen. Cây bị bệnh sinh trưởng cằn cỗi, lá vàng, héo, cây bị nặng sẽ bị chết.

 Biện pháp phòng trừ: Chú ý tới biện pháp thâm canh, tăng cường bón phân hữu cơ, cải thiện đặc điểm lý và hóa tính của đất đặc biệt là giảm độ chua của đất. Chưa có những loại thuốc hóa học để phòng trừ bệnh thối rễ có hiệu quả.

 8. Bệnh đốm mắt cua

Bệnh này do nấm Cercospora coffeicola gây nên. Phòng trừ chủ yếu bằng con đường thâm canh tổng hợp ở giai đoạn cà phê kiến thiết cơ bản. Những cây con còn thừa lại trong vườn ương từ năm trước do thiếu được chăm sóc, vì vậy bệnh này dễ xuất hiện và gây tác hại nặng. Nơi bị bệnh nặng có thể dùng các loại thuốc gốc kim loại đồng nồng độ từ 0,5 - 1% để phun phòng trừ.

9. Nấm muội đen (Fumagine)

Nấm này có màu đen phủ lên bề mặt của lá ngăn cản quá trình quang hợp của cây. Muốn ngăn ngừa nấm muội đen đầu tiên là phải tiến hành phòng trừ tốt các loại rệp chích hút các cành lá non. Đặc biệt là rệp vảy xanh (Coccus viridis) đã thải ra một số chất bài tiết ở trên lá, sau đó nấm muội đen mới phát triển được ở trên các chất này (đây là môi trường để cho nấm muội đen phát triển). Phòng trừ xem phần rệp vảy xanh ở phần sau.

10. Một số bệnh sinh lý

Bệnh bạc lá:

Lá bị mất diệp lục bạc trắng thường xuất hiện ở thời kỳ kiến thiết cơ bản. Nguyên nhân do trong đất thiếu một số nguyên tố, trung lượng và vi lượng đặc biệt là lưu huỳnh. Dùng các dạng phân có gốc lưu huỳnh như sunfat đạm, sunfat kali để bón cho cây. Ở NHỮNG NƠI ĐÃ XUẦT hiện bệnh bạc lá có thể dùng dung dịch sunfat đạm, sunfat kẽm pha nồng độ 0,1% để phun lên bộ tán của cây từ 1 - 2 lần/vụ cách nhau hai tuần lễ vào đầu mùa mưa.

 - Bệnh rụt cổ:

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do thiếu kẽm ở trong đất. Những cây bị bệnh có triệu chứng phân cành đốt ở phía trên ngọn bị rụt lại không phát triển được, lá nhỏ, dài và dòn dễ bẻ gẫy, phiến lá có màu vàng xanh, thiếu diệp lục so với các lá khỏe phát triển bình thường. Có thể dùng muối sunfat kẽm pha nồng độ từ 0,2 - 0,3% để phun lên toàn bộ tán lá.

II. SÂU HẠI

Một số loại sâu hại chủ yếu cần chú ý để phòng trừ như sau:

1. Rệp vảy xanh: (Coccus viridis) và rệp vảy nâu (Saissetialhemisph-aerica).

Cần phát triển những cây, vùng bị rệp tác hại ở lá, đọt, cành non để phun thuốc diệt trừ kịp thời, tránh cho sự lây lan từ cây này sang cây khác. Dùng các loại thuốc có hiệu lực diệt rệp cao là: Methyl Parathion, Roger, BI-58, Tinox... phun trực tiếp vào nơi có rệp chích hút với nồng độ 0,1 - 0,2%. Lần phun thứ hai cách lần phun thứ nhất từ 7 - 10 NGÀY. Ở những nơi trên cây bị rệp hại có kiến thì dùng 666 bột thấm nước rắc một lớp mỏng vòng xung quanh gốc cây để diệt kiến là vật trung gian đem rệp con từ cây này sang cây khác. Cần kiểm tra kỹ trong vườn ương trước khi đưa cây con đi trồng mới. Nếu có rệp phải phun thuốc phòng trừ ngay từ trong vườn ương.

2. Mọt đục quả: (Stephanoderes hampei)

Nói chung khi quả bước vào giai đoạn chín thì mọt đục lỗ từ núm quả chui vào bên trong đẻ trứng sau đó phá hại hạt. Dùng các loại thuốc như: Dieldrin, Eldrin pha nồng độ từ 0,25 - 1% hoặc DDT sữa để phun phòng trừ vào giai đoạn quả chuyển từ xanh sang chín đối với những vùng có mọt tác hại. Lần phun thuốc sau cách lần phun trước 3 - 4 tuần. Hiện nay có nhiều nước đã dùng loại thuốc mới là Thiodan với liều lượng từ 3 - 4 lít thuốc pha trong 600 lít nước để phun phòng trừ mọt đục quả đưa lại hiệu quả rất tốt.

Biện pháp phòng trừ quan trọng có ý nghĩa kinh tế và để làm, cần được làm tốt đó là: Cà phê chín đến đâu cần thu hoạch kịp thời không để kéo dài. Sau vụ thu hoạch cần tận thu hết cả những quả khô còn sót lại ở trên cây. Lượm sạch những quả rụng còn nằm ở dưới đất. Quả khô ở trên cây. Quả khô hoặc quả rụng còn sót lại ở trên cây là nơi để mọt tiếp tục chuyển sang phá hại ở những năm sau.

 3. Mọt đục cành (Xyleborus mortati)

Loại mọt này phá hại chủ yếu trên cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, trước khi bước vào thời kỳ kinh doanh. Cần phát hiện kịp thời để cắt đốt những cành đã bị mọt (cành, lá đã có triệu chứng vàng, héo, khô) chú ý cắt cành sâu xuống phía dưới để tránh trường hợp còn sót ổ mọt ở phần cành còn lại. Sự tác hại của mọt mạnh nhất ở các tháng khô hạn, tuy vậy ngay từ cuối mùa mưa đầu mùa khô đã có thể xuất hiện lẻ tẻ các cành bị mọt (tuy ít nhưng phải phát hiện cắt đốt kịp thời), nếu làm chậm nguồn mọt sẽ bay ra tiếp tục phá hại những cây hay những lô ở xung quanh. Có thể dùng các loại thuốc và nồng độ như đối với mọt đục quả để phun phòng trừ mọt đục cành vào những vùng bị nặng.

4. Sâu đỏ hay sâu hồng (Zeuzea coffea)

Sâu này thường đục vào thân hay cành cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Mỗi cây hay cành chỉ có một con sâu non đục vào trong, khi sâu non đầy sức có màu đỏ hay hồng, khi phát hiện thấy cây bị sâu cần bẻ, chẻ diệt sâu kịp thời, phần gốc cây còn lại sẽ phát sinh các thân mới thay thế thân cũ.

 5. Sâu đục thân mình trắng thường gọi là sâu Bore (Xylotrechus quadripes Chev.):

Sâu này chỉ phá hoại ở cà phê chè. Triệu chứng cây bị hại: Trên thân có những đường lằn (gờ) nổi lên theo đường vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục khi thành trùng đã chui ra, đọt lá xanh đậm, phiến lá biến dạng. Cây bị nặng lá vàng héo rồi chết.

Ở miền Bắc sâu này gây tác hại nghiêm trọng mang tính chất hủy diệt đối với các vườn cà phê nếu thiếu các biện pháp phòng trừ tích cực. Ở miền Nam, sâu này cũng xuất hiện và gây tác hại như ở Đak Lak, Lâm Đồng... Người ta còn gọi là sâu của vùng châu Á. Tại châu Mỹ và châu Phi chưa thấy xuất hiện loại sâu này. Trên cơ sở điều tra nắm chắc các lứa phát sinh của sâu trong một năm, đặc biệt là giai đoạn sâu trưởng thành bay ra đẻ chứng rộ, các tập tính của sâu để quyết định các biện pháp phòng trừ thích hợp. Biện pháp hóa học có hiệu quả rất tốt: Dùng hỗn hợp thuốc 666 nồng độ 6% hay 12% bột thấm nước với đất sét, phân trâu bò, nước, quậy đều thành một dịch lỏng quét lên thân cây từ gốc lên ngọn, ở nơi sâu phá hại nặng còn quét lên cả các cành lớn theo tỷ lệ pha chế như sau:

Thuốc 666  6%             1 - 2 phần.

Phân trâu bò tươi           5 phần.

Đất sét                         10 phần.

Nước lã                       15 phần.

(phân trâu bò là chất phù trợ bám dính)

Tại miền Bắc một năm quét 2 lần:

Lần thứ nhất:               vào tháng 4 - 5.

Lần thứ hai:                 vào tháng 10 - 11.

Có thể dùng Boremua để phun lên thân cây với nồng độ 4% để diệt trứng và sâu non mới nở còn nằm ở phần vỏ. Biện pháp cơ giới là cắt đốt kịp thời những cây bị sâu nặng để diệt nguồn sâu ở bên trong kể cả những cây bị chết khô ở trên lỗ (sâu này có khả năng hoàn thành vòng đời trong cây cà phê đã khô). Trồng cây bóng mát cũng là một trong những biện pháp có tác dụng hạn chế tỷ lệ và mức độ bị hại của cây bị sâu. Sử dụng giống thấp cây như Catimor hoặc tạo hình để cây cà phê có bộ tán che kín thân cũng hạn chế được tác hại của sâu.

6. Sâu gặm vỏ: (Dihamus cervinus)

Đây là loại sâu thuộc bộ cánh cứng, họ xén tóc, đẻ trứng ở phần gốc đặc biệt là thời kỳ cây ở tuổi kiến thiết cơ bản. Triệu chứng: Phần vỏ và phần gỗ ở dưới gốc bị sâu gặm, thường có đường tròn theo chu vi thân. Cây bị hại lá biến vàng, nếu nặng thì héo chết. Cần điều tra để biết được thời kỳ đẻ trứng của sâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Dùng thuốc 666 trộn với phân bò, đất sét để quét lên bảo vệ phần gốc của cây. Có thể dùng băng nylon cuốn xung quanh gốc để bảo vệ. Loại sâu hại này mới chỉ xuất hiện ở vùng Tây Bắc.

 7. Rệp sáp: (Pseudococcus spp.)

Một số loại rệp gây tác hại ở vùng cuống quả và vùng rễ của cà phê. Rệp sáp có hình dạng bầu dục, trên thân có phủ một lớp sáp trắng xám mịn. Nếu rệp sáp gây tác hại ở vùng cuống quả sẽ làm cho quả phát triển chậm, quả nhỏ, nếu bị nặng sẽ dẫn tới chùm quả bị khô hoặc làm chết cả cành. Nếu rệp sáp tấn công vào bộ rễ sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, yếu, nếu bị nặng có khả năng làm cho cây bị chết. Trong sản xuất cần có định kỳ kiểm tra phần cổ rễ ở dưới mặt đất (đào sâu xung quanh cổ rễ sâu 10 cm) để phát hiện kịp thời sự xâm nhập gây tác hại của rệp. Khi thấy có rệp sáp xuất hiện cần dùng các loại thuốc như Methyl parathion, Tinox BI-58 pha với nồng độ 0,1% - 0,2% để phun phòng trừ hoặc tưới gốc cây bị bệnh. Các loại thuốc mới có hiệu lực phòng trừ rệp sáp tốt là: Suppracid 40 BC 1,5%, Dimecron 100DD 1,5 - 2%, Carbicron 1% (có thêm 1%o dầu lửa làm chất thấm dẫn).

Thuốc hạt, bột xử lý rắc ở gốc: Basudin 3H, Sevidol 6H, Karphos 2%, Sunithion 5W.P, Oncol 25W.P, lượng dùng từ 10 - 30 g/gốc. Phương pháp xử lý: Đào xung quanh phần dưới cổ rễ có độ sâu 10 cm, tưới thuốc ngay, sau lấp đất lại. Đối với thuốc bột cũng xử lý vào vị trí như đối với thuốc nước (nếu làm không đồng thời thì kiến sẽ tha rệp đi nơi khác nên việc xử lý ít tác dụng).

III. PHÒNG TRỪ CỎ DẠI

Đối tượng cỏ dại gây tác hại lớn nhất đối với vườn cà phê đặc biệt trong thời kỳ kiến thiết cơ bản là cỏ tranh (Imperata cylindrica).

Để diệt trừ loại cỏ này phải áp dụng một loạt các biện pháp tổng hợp như: cơ giới, canh tác, hóa học. Điều cơ bản là đất trước khi trồng cà phê phải được khai hoang kỹ để diệt trừ nguồn cỏ tranh ngay từ đầu (cày sâu, bừa kỹ, lượm sạch thân ngầm của cỏ tranh). Sau khi trồng mới phải tiến hành trồng cây che phủ đất bằng các cây phân xanh, đậu đỗ, dùng cày bừa để diệt tiếp thân ngầm ở giữa các hàng cà phê. Ở trên hàng hay ở xung quanh hố cà phê dùng cuốc để đào, nhổ trong mùa mưa để diệt thân ngầm. Nguyên tắc chung là diệt liên tục bằng biện pháp cơ giới, canh tác và thủ công như đã trình bày ở trên. Khi cần thiết có thể áp dụng biện pháp phòng trừ bằng thuốc hóa học. Dùng thuốc Dalapon (omyden) với lượng thuốc từ 10 - 15 kg pha trong 600 lít nước để phun lên cỏ tranh ở giai đoạn cỏ còn non mới cao từ 20 - 25 cm. Sau khi phun nếu cỏ tranh còn tái sinh thì tiếp tục phun lần thứ 2 với nồng độ thuốc như trên. Chú ý khi phun không để giọt thuốc bắn vào làm cháy lá cà phê.

Nơi có nhiều cỏ gấu (Cyperus rotundus)

Ngoài biện pháp canh tác như cày bừa, rồi trồng xen che phủ đất cây đậu đỗ còn có thể dùng thuốc 2,4-D với liều lượng từ 3 - 4 kg pha trong 600 lít nước để phun diệt trừ vào lúc cỏ còn non (chưa ra hoa).

Đối với một số cỏ khác như: cỏ thẹn (mimosa), cỏ mỹ (grass johnson), cỏ bạc hà. v.v ... thì dùng máy phát diệt cỏ một vài lần trong mùa mưa. Vào cuối mùa mưa đầu mùa khô cần làm cỏ trắng ở trên hàng sau đó lấy nguyên liệu tại chỗ để tủ gốc giữ ẩm.


Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 3) Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến… Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến Cà Phê (Phần 5) Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Và Chế Biến…