Đậu bắp Kỹ thuật trồng Đậu bắp Hibiscus esculentus L.

Kỹ thuật trồng Đậu bắp Hibiscus esculentus L.

Tác giả Minh Lê, ngày đăng 27/09/2016

Kỹ thuật trồng Đậu bắp Hibiscus esculentus L.

Đậu bắp có lá dài và rộng khoảng 10 - 20 cm, xẻ thùy chân vịt với 5 - 7 thùy. Hoa đường kính 4 - 8 cm, với 5 cánh hoa màu trắng hay vàng, thường có các đốm đỏ hay tía tại phần gốc mỗi cánh hoa. Quả là dạng quả nang dài tới 20 cm, chứa nhiều hạt.

Quả được thu hoạch khi còn non và ăn như là một loại rau. Lá cũng được ăn sống trong các món xà lách. Hạt đậu bắp cũng được dùng để uống và được ví như cà phê không caffeine. Đậu bắp cũng được trồng để lấy dầu làm dầu ăn, hàm lượng dầu trong hạt đậu bắp là 40%. Dầu đậu bắp có màu vàng lục, có hương vị dễ chịu và có nhiều chất béo chưa no như acid béo oleic và linoleic. Đậu bắp còn được xem như mỹ phẩm giúp đẹp da, mượt tóc, giữ vẻ trẻ trung cho đôi mắt, tăng cường sức khỏe do có nhiều vitamin A, vitamin C, calci, kali, magne.

1. Thời vụ:

Ở ĐBSCL, đậu bắp được trồng 2 vụ là vụ Đông Xuân (tháng 10 - 11 dương lịch) và vụ Hè Thu (tháng 4 - 5 dương lịch)

2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu bắp:

a. Làm đất:

- Đậu bắp ưa loại đất cát pha, thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình, pH từ 5,5 - 6,8. Những vùng đất cồn ven sông tiền, sông Hậu rất thích hợp cho việc trồng đậu bắp.

- Đất phải bằng phẳng, dễ tưới và tiêu nước. Trước khi xuống giống đất cần được làm sạch cỏ và xới nhỏ.

- Dùng dây kéo thẳng từ đầu đến cuối ruộng để chia luống, bề ngang luống rộng 1,0 - 1,2 m, cao 25 - 30 cm, giúp cho việc chăm sóc, thu hoạch dễ dàng.

b. Chuẩn bị hạt giống:

Hạt giống cần được ngâm bằng nước ấm và ủ cho hạt nứt nanh mới đem trồng. Trước khi trồng cần trộn hạt giống với thuốc hạt Basudin để chống côn trùng hại cây con.

c. Mật độ, khoảng cách:

Hạt được gieo theo 2 hàng, khoảng cách 70 - 80cm, cây cách cây 50 cm. Mỗi hốc gieo 2 hạt, sau khi cây mọc đều thì tỉa bỏ 1 cây, giữ lại cây to khoẻ. Trước khi gieo nên tưới nước sơ qua trên mặt luống cho đất ẩm sau đó gieo hạt giúp hạt nhanh nảy mầm, sau đó tưới thường xuyên trong 3 - 4 ngày cho cây mọc đều.

d. Bón phân:

Lượng phân bón cho 1 ha là phân chuồng hoai mục 15 - 20 tấn (hoặc phân hữu cơ sinh học lượng phân hữu cơ sinh học bằng 30% lượng phân chuồng); super lân 300 kg; urê 150 kg; kali clorua 100 kg. Trong trường hợp đất bị nhiễm phèn thì bón thêm 1 tấn vôi bột trước khi xới đất.

* Cách bón:

- Vôi, phân chuồng, phân lân: bón lót toàn bộ trước khi xới đất.

- Đạm, kali bón thúc làm 5 lần:

+ Đợt 1: khi cây có 4 - 5 lá.

+ Đợt 2 khi cây bắt đầu có nụ hoa.

+ Đợt 3 khi thu xong quả đợt 1.

+ Đợt 4 và 5 bón sau 2 lần hái quả, mỗi đợt bón 20% trong tổng số phân.

(Lưu ý: Khi bón rải phân đều theo hang và tưới ngay sau khi bón phân).

e. Phòng trừ cỏ dại và sâu, bệnh:

- Cỏ dại: sau khi gieo hạt xong, sử dụng thuốc trừ cỏ Dual 720 EC để diệt cỏ, lượng thuốc sử dụng là 1,2- 1,4 l/ha. Pha 60 - 70 ml thuốc cho bình 16 lít và phun 2 bình cho 1.000 m2, phun vào thời điểm 1 ngày sau khi trồng, chú ý phun thuốc ngay sau khi tưới nước khi đất còn đủ ẩm.

- Trừ sâu: các loại sâu phổ biến trên đậu bắp là sâu đục quả, rệp đỏ. Trừ sâu đục quả bằng các loại thuốc như Sherpa 20 EC, Cyperan 25 EC, Sumicidin 10 EC,.... Quan sát trên ruộng thấy sâu đục quả xuất hiện thì phun thuốc ngay trước khi chúng đục chui vào trong quả. Có thể trừ rệp đỏ bằng thuốc Karate, Shepa 20 EC,....

- Trừ bệnh thán thư: trên đậu bắp thường bị bệnh than thư, phòng trừ bằng các loại thuốc Benlat 10 WP, Score 250 EC, Ridomil MZ 72 WWP, Derosal 50 SC,....

- Trừ bệnh gỉ sắt (Ugomyces sp): Phòng trừ bằng thuốc Anvil 5 SC, Rovral 50 WWP, Score 250 EC,... Lưu ý: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh cần theo hướng dẫn trên vỏ bao của từng loại thuốc, thời gian cách ly ít nhất là 10 ngày.

f. Thu hoạch:

Sau khi hoa nở từ 7 - 8 ngày là thu hoạch quả được, để lâu hơn quả sẽ già. Trong quá trình thu hoạch loại bỏ những quả bị sâu. Đậu bắp chăm sóc tốt sẽ cho năng suất quả tươi rất cao, từ 20 - 25 tấn/ha.


Kỹ thuật trồng Cây đậu bắp Kỹ thuật trồng Cây đậu bắp Đậu Bắp Sao Trắng Đậu Bắp Sao Trắng