Khổ qua (Mướp đắng) Kỹ thuật trồng khổ qua an toàn

Kỹ thuật trồng khổ qua an toàn

Tác giả Nguyễn Thị Hoàng Trang, ngày đăng 26/09/2016

Kỹ thuật trồng khổ qua an toàn

1. Chọn và xử lý giống:

Hiện nay trên thị trường phổ biến các loại hạt giống lai F1 do nhiều công ty giống rau trong và ngoài nước cung ứng với chất lượng và mẫu mã khá tốt. Hạt giống trước khi trồng cần phải được xử lý tốt bằng cách ngâm trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh trong 2 – 3 giờ và vớt ra cho vào khăn ấm ủ trong 2 ngày. Sau 2 ngày, thấy hạt nứt nanh thì đem gieo vào bầu đất.

Bầu đất cần được để trong nhà ươm tránh mưa, tưới giữ ẩm cho bầu đất 2 lần/ngày và chăm sóc trong 7 ngày có thể mang cây con ra ruộng trồng.

2. Chuẩn bị đất trồng:

Khổ qua có thể phát triển tốt trên các vùng đất thịt nhẹ có độ ẩm, khả năng thoát nước tốt. Tuy nhiên, khổ qua được trồng tốt nhất vào mùa khô sẽ đạt năng suất cao, tránh được các bệnh gây hại như: sâu ăn lá, bệnh sương mai, phấn trắng, chết cây con do ngập úng.

Trước khi trồng, đất cần được cày bừa kỹ, phơi ải từ 7 – 10 ngày, nhặt sạch cỏ dại và bón vôi từ 800 - 1.000kg/ha rải đều trên mặt ruộng.

Làm liếp: Liếp cao 20 – 30cm, rộng 1.200 cm, rãnh từ 30 – 40cm.

Xử lý đất: Bón lót 300 – 400 kg hữu cơ vi sinh Nasa Smart/ha và phun thuốc trừ nấm Viben – C50WP trên mặt liếp rồi phủ bạt. Bạt loại 90cm, mặt đen của bạt nằm phía dưới, lắp đất 2 đầu và dùng ghim giữ bạt hai bên nhằm để cố định và đục lỗ trồng, khoảng cách giữa 2 lỗ trồng là 30cm.

3. Trồng và chăm sóc cây con:

Cây con cần được tưới nước trước khi mang ra trồng trên liếp, nên xới đất lên để tạo độ xốp cho đất. Mỗi lỗ đặt 1 cây con và phủ lớp đất mỏng lên trên bầu cây con.

Trong 3 – 4 ngày đầu, nên tưới nước cho khổ qua bằng hệ thống tưới phun và tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tưới vào lúc nắng nóng sẽ bị cháy lá cây con.

Sau 3 – 4 ngày tiến hành làm giàn cho khổ qua. Dùng tre hoặc tầm vông làm trụ, khoảng cách giữa hai trụ khoảng 3m và cao 2m. Sau đó, dùng dây cước căng làm giàn và bỏ chà cho khổ qua leo. Để khổ qua leo và sinh trưởng tốt, nông dân cần hỗ trợ vắt ngọn lên giàn để khổ qua leo lên giàn tốt.

4. Bón phân:

Trong quá trình xử lý đất, nông dân đã bón lót vôi và hữu cơ vi sinh Nasa Smart cho cây. Do đó cần phải tưới nước thường xuyên cho cây sinh trưởng tốt trong giai đoạn đầu.

Bón thúc 1: khi cây được 3 -4 lá, bón 100-150 kg Năm Sao Total Effects 20-20-15+TE /ha.

Bón thúc 2: khi khổ qua có tua bón 150 – 200kg/ha Năm Sao Total Effects 20-20-15+TE dạng một hạt màu tím.

Bón thúc 3: khi khổ qua có hoa cái, bón 150 – 180kg/ha phân bón Năm Sao chuyên dùng cho rau củ 15-9-17+TE.

Xen kẽ giữa các lần thu hoạch, bà con có thể dùng phân bón Năm Sao chuyên dùng cho rau củ 15-9-17+TE để hòa nước và tưới cho cây.

Cách bón:

Cách 1: nông dân nên bón cách gốc 10 – 15cm, phủ lớp đất mỏng và tưới nước.

Cách 2: nông dân có thể dùng cây nhọn đục lỗ cách gốc 10cm, sâu 8cm, phân bón được hòa vào nước với nồng độ loãng và tưới vào lỗ được đục. Tưới phân bón bằng cách này giúp cây dễ dàng hấp thu và tránh thất thoát phân bón do bay hơi hay đất giữ lại.

5. Phòng trừ các sâu bệnh thường gặp:

Đối với sâu như: dòi đục quà, sâu xanh, dòi đục lá phải chú ý phòng trừ sớm bằng các loại thuốc như: Sherpa 20 EC, Sumicidin 10EC, Cyperan 25EC, Mimic 20F, Baythroid 50Ec, Confidor 100SL… Thời gian cách ly tối thiểu 07 ngày.

Đối với bệnh như: bệnh phấn trắng, chết cây con phòng trừ bằng các loại thuốc như Anvil 5SC, Score 250EC, Aliette.

6. Thu hoạch:

Quả được thu hoạch sau khi thụ phấn 7 – 10 ngày, thu hoạch 2 ngày/lần. Thời gian thu hoạch kéo dài 1 – 2 tháng và nên dùng dao cắt nhẹ tay khi hái quả.

Cần tỉa bỏ quả bị sâu hại và quả nhỏ trong quá trình chăm sóc và thu hoạch.


Để mướp đắng cho nhiều trái Để mướp đắng cho nhiều trái Kỹ thuật trồng cây khổ qua Kỹ thuật trồng cây khổ qua