Nấm bào ngư Kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm bào ngư

Kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm bào ngư

Tác giả Nguyễn Xuân Lãm, ngày đăng 26/09/2016

Kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm bào ngư

1. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư:

a- Nguyên liệu:

- Nguyên liệu chính làm môi trường nuôi nấm là các loại phế thải nông nghiệp giàu chất cenluloz như: rơm rạ và mùn cưa thuộc loại gỗ mềm và không có tinh dầu ngăn meo nấm phát triển như gỗ cao su, xoài, so đũa, thân bắp, cùi bắp…

- Nguyên liệu sau khi qua xử lý, ủ chín, phối trộn chất dinh dưỡng, vô bịch, hấp tiệt trùng, cấy meo giống. Sau 20-25 ngày tơ nấm mọc đầy bịch phôi, lúc này bịch phôi được đem ra nhà nấm chăm sóc thu hoạch quả thể.

b- Chuẩn bị nhà nấm:

- Vật liệu: làm nhà nấm bằng tre, lá, lưới, ny lon. Có thể tận dụng sàn nhà để treo bịch phôi nấm, xung quanh nhà trồng nấm có thể bao lưới cước hoặc nylon để giữ ẩm độ, hạn chế côn trùng giúp cho nấm phát triển tốt.

- Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Các bịch phôi nấm có thể xếp đặt trên các bệ (bằng tre hay sắt) hoặc treo dưới các thanh ngang, mỗi hàng cách nhau 20-30cm, mỗi dây treo sát nhau, mỗi dây có thể treo từ 6-10 bịch phôi. Tốt nhất bố trí dàn treo theo từng khối một, mỗi khối rộng từ 1,4-1,6m, chiều dài tùy theo nhà trồng. Mỗi khối chừa các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái.

- Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng ta cần khử trùng nhà nấm bằng vôi bột cứ 100gr vôi bột/1m2 rãi đều xung quanh nền nhà nấm.

Sau khi nhà nấm chuẩn bị xong ta tiến hành đưa bịch phôi nấm vào chăm sóc.

c- Đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng và chăm sóc:

- Chọn những bịch có sợi tơ nấm mọc trắng đều bịch, sau đó tiến hành tháo nút bông phía trên miệng bịch phôi, để ngày hôm sau mới phun tưới nước.

- Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không chứa chất độc hại nấm và nên tưới bằng bình phun sương hay vòi phun thật mịn. Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm. Bình quân 2 lần/ngày, nếu khô thì từ 3-4lần/ngày. Sao cho độ ẩm môi trường không khí nơi trồng nấm đạt 80-90%. Nhiệt độ thích hợp 25-32oC, nhiệt độ tối ưu 27-28oC. Ánh sáng khuyếch tán (có thể đọc sách được) đây là điều kiện thích hợp nhất để tạo quả thể nấm phát triển.

Thu hoạch nấm:

- Sau khi tháo nút bông bịch phôi nấm khoảng từ 7-10 ngày nấm bắt đầu kết quả thể, xuất hiện nụ nấm dạng phểu chuyển sang dạng lá lục bình, ta tiến hành thu hái nấm. Thường ta thu hoạch nấm vào nhiều đợt trong ngày, khi hái nấm nên hái hết cả cụm, không nên để sót lại phần chân nấm vì nó dễ gây nhiễm, làm các lần thu hoạch kế tiếp sẽ không cho tai nấm tốt, năng suất giảm.

- Sau khi thu hoạch nấm đợt 1 thì ngưng tưới 1-2 ngày, sau đó dùng nắp nhựa đậy lại 4-5 ngày mở nắp nhựa, sau 4-5 ngày thì nấm sẽ ra đợt tiếp theo. Sau đó ta tiếp tục làm lại các bước trên.

- Mỗi bịch có thể thu hoạch 10-15 đợt, kết thúc mỗi đợt nuôi trồng trong khoảng 2-3 tháng.

Một bịch phôi nấm nặng 1-1,2kg sẽ cho khoảng 350-400gr nấm tươi trong suốt thời gian thu hoạch.

2. Kỹ thuật trồng nấm linh chi:

Khâu chuẩn bị nhà trồng giống như trồng nấm Bào ngư.

a- Đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng và chăm sóc:

- Chuyển nhẹ nhàng bịch phôi vào nhà ươm và đặt trên các giàn giá hoặc xếp thành luống. Khoảng cách giữa các túi 2-3cm. Giữa các giàn luống có lối đi để kiểm tra.

- Trong thời gian ươm không được tưới nước, hạn chế tối đa việc vận chuyển.

- Trong quá trình sợi nấm phát triển nếu thấy có túi bị nhiễm cần phải loại bỏ ngay khỏi khu vực ươm, đồng thời tìm nguyên nhân để có cách khắc phục:

+ Túi bị nhiễm bề mặt phần lớn do thao tác cấy và phòng giống bị ô nhiễm.

+ Túi bị nhiễm từng phần hoặc toàn bộ có thể do bị thủng hoặc hấp vô trùng chưa đạt yêu cầu.

Mở miệng và tưới nước:

- Kể từ ngày cấy giống đến khi mở miệng tháo nút bông (khoảng 25-30 ngày) sợi nấm đã ăn kín ¾ túi. Đặt túi nấm trên giàn, mỗi tầng của giàn chỉ nên đặt tối đa 5 bịch chiều cao, tránh chồng nhiều làm chèn ép bịch.

- Từ 7 đến 10 ngày đầu chủ yếu tiến hành tưới nước trên nền nhà, đảm bảo độ ẩm 80-90%, thông thoáng vừa phải.

- Khi quả thể nấm bắt đầu mọc từ nút thì ngoài việc tạo ẩm không khí, có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 1-3 lần (tuỳ theo điều kiện thời tiết). Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên vành mũ quả thể không còn nữa là hái được (khoảng 60 ngày tính từ ngày mở miệng).

b- Thu hái, bảo quản:

- Dùng dao hoặc kéo sắc cắt chân nấm sát bề mặt túi hoặc nhổ cả chân nấm ra khỏi túi.

- Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40-45OC.

- Độ ẩm của nấm khô dưới 13%, tỷ lệ khoảng 3kg tươi được 1 kg khô.

- Khi thu hái hết đợt 1, tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2.

- Năng suất thu hoạch đạt 6-9% tươi, tương đương 1,8-3% khô (1 tấn nấm tươi thu được từ 18 đến 30kg nấm linh chi khô). Khi kết thúc đợt nuôi trồng cần phải vệ sinh và thanh trùng nhà xưởng bằng foócmôn với nông độ 0,5-1%.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nơi bán phôi nấm, để đảm bảo, bạn nên chọn mua phôi ở những nơi có uy tín lâu năm và có nhiều người đang trồng phôi nấm của cơ sở đó.

Tại Bến Tre, bạn có thể liên hệ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ Bến Tre; số 415A đường Nguyễn Thị Định, Phú Hưng, thành phố Bến Tre; điện thoại số: 0753.814597 để được cán bộ kỹ thuật tư vấn kỹ hơn.

Thân chào và chúc bạn thành công!


Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu quả Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu… Cách Nuôi Treo Bào Ngư Trên Biển Cách Nuôi Treo Bào Ngư Trên Biển