Thanh long Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 3

Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 3

Tác giả Phan Bi, ngày đăng 14/11/2018

Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 3

5. Làm cỏ: Trước mỗi đợt bón phân trên đất ẩm thường xuyên, có rất nhiều loại cỏ có rất khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ Paspalum,... vì vậy muốn bớt cỏ cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như cày bừa kỹ vào mùa nắng trước khi trồng, xen canh, dùng thuốc trừ cỏ kết hợp với làm cỏ thủ công sớm,...

Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây và là nơi trú ẩn của sâu bệnh. Cần làm đất kỹ trước khi trồng. Trong thời gian đầu có thể tận dụng đất bằng cách trồng xen các loại cây màu như: Lạc, đậu, đỗ… vừa tăng thu nhập vừa hạn chế cỏ dại. Ngoài ra trước mỗi đợt bón phân cần làm sạch cỏ xung quanh gốc. Có thể kết hợp làm cỏ thủ công với việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ được phép sử dụng.

6. Tủ gốc: Vừa trừ cỏ vừa giữ ẩm, nhất là ở các vùng có mùa khô kéo dài và thiếu nước tưới. Dùng rơm, cỏ khô, xơ dừa,... để tủ. Có thể tủ quanh gốc hay tủ toàn bộ liếp. Ở những vùng có cỏ nhiều, giá nhân công đắt nên áp dụng phủ bạt như trồng dưa hấu đã làm.

7. Xử lý ra hoa: Đã có một số thí nghiệm cảm ứng Thanh long ra hoa bằng hóa chất (KNO3 và một số chất khác) bước đầu đã có kết quả. Hoa ra sớm hơn so với các liếp trồng Thanh long khác trong vùng từ 1 - 1,5 tháng. Tuy nhiên, chưa đạt được cảm ứng ra hoa đồng loạt và mạnh như ở cây xoài, số hoa ra còn ít và rải rác. Thanh long có quả sớm giá bán cao gấp 5 - 8 lần so với giá lúc rộ. Trong vài năm gần đây, nhiều người trồng thanh long đã thắp đèn để thúc thanh long ra hoa trái vụ. Sự thắp đèn dựa trên cơ sở Thanh long là cây ngày dài, dùng ánh sáng đèn để cắt đêm dài. Đã có một số điều tra và thí nghiệm về vấn đề này kết quả như sau:

- Nguồn điện thắp sáng: Có thể sử dụng lưới điện quốc gia, hoặc máy phát điện riêng. Dùng điện thuộc lưới điện quốc gia có một số bấp bênh như điện áp không ổn định, đôi lúc bị cúp điện làm hỏng kế hoạch, vì muốn cắt đêm dài cần phải thắp sáng liên tục một số giờ nhất định.

- Loại bóng đèn và công suất: Dùng bóng đèn tròn, từ 75 - 100W, hiện nay đa số các vườn dùng bóng 75W. Dùng đèn ống hiệu quả kém hơn vì cây hấp thu ánh sáng đỏ (red light) và đỏ xa (far red light). Dùng bóng 60W không đủ độ sáng, số quả ra ít. Dùng bóng 200W số quả không tăng hơn bao nhiêu mà lại tốn điện.

-  Cách treo bóng: Bóng được treo giữa 2 trụ làm thành hàng, cách mặt đất từ 0,7 m tới 1,2 m. Nên câu điện để có thể thắp sáng luân phiên cho các phía của cây được hưởng ánh sáng đồng đều. Cũng có một số vườn câu một bóng điện ở giữa mỗi 4 trụ.

- Thời gian thắp sáng: Thời gian thắp đèn tốt nhất 4 giờ liên tục 10 - 15 đêm mới gây được cảm ứng ra hoa. Vào tháng hai, một số vườn chỉ thắp có 7 giờ/đêm và kéo dài chỉ từ 10 tới 12 đêm. Nhưng nếu xử lý đèn liên tục, mỗi tháng xử lý một lần thì năng suất sẽ thấp và bất ổn, 5 lần xử lý liên tục trong các tháng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 1 sẽ thu được tổng số 56 quả/trụ hay 26,3 kg/trụ/5 lần xử lý, bình quân chỉ đạt được 5,3 kg/trụ. Như vậy cần chú trọng nghiên cứu sự bón phân, nhịp độ xử lý để có hiệu quả kinh tế cao, tránh lãng phí điện.

Sau 4 - 7 ngày sau ngưng thắp đèn, nụ hoa sẽ xuất hiện. Cần khoảng 20 - 21 ngày cho hoa phát triển, 3 ngày để nở và thụ quả trong vườn, sau đó cần từ 25 đến 28 ngày để quả phát triển. Như vậy từ khi ra nụ tới khi thu hoạch mất độ 50 - 52 ngày. Khoảng thời gian này dài ngắn chút ít tùy vào điều kiện khí hậu nơi trồng. Đối với một số loài cây thuộc họ xương rồng, có loài phải mất tới 150 ngày để quả phát triển. Như vậy thời gian nuôi quả của Thanh long ở nước ta khá ngắn.

8. Phòng trừ sâu bệnh: Nhìn chung thanh long tương đối ít bị sâu bệnh phá hoại như nhiều cây ăn quả khác.

a. Côn trùng:

- Kiến: Đục khoét hom, cành non, tai lá trên trái, tổn thương vỏ

- Bọ xít: Chích hút nhựa, để lại những chấm đen trên quả-mất giá trị thương phẩm

- Ruồi vàng: Chích và đẻ trứng vào quả gây thoái hóa phần thịt

* Biện pháp phòng trừ:

- Rải Basudin 10H, Padan 4G phòng trị kiến

- Phun Trebon, Applaud, Bassa... nồng độ 0,2% phòng trị bọ xít

- Cần vệ sinh vườn, nhặt hủy những quả rụng, rãi thuốc diệt nhộng dưới đất, đặt bả và phun thuốc có chất dẫn dụ để diệt ruồi…

b. Bệnh:

- Thối đầu cành

- Đốm nâu trên cành

- Nám cành

* Biện pháp phòng trị chủ yếu là vệ sinh vườn, chống úng, chống hạn. Khi tới mức độ phải phun thì nên dùng Rovral hoặc Anvil 5SC theo khuyến cáo trên nhãn mác

9. Thu hoạch: Sau khi trái chuyển màu từ xanh qua đỏ được độ 3 ngày thì dùng liềm hay dao cắt, lựa quả đúng tiêu chuẩn cắt rồi xếp vào một cái gùi, xếp theo từng lớp có lót giấy, rơm hoặc lá chuối, sau đó vận chuyển đến nơi thu mua.

Tiêu chuẩn trái xuất khẩu: Trái có trọng lượng lớn, chuyển màu đỏ được 2 - 3 ngày, ngoại hình đẹp, vỏ không bị trầy sướt, các tai lá trên quả còn xanh tươi, không có vết chích của côn trùng, không có vết bệnh và không có bất cứ tồn dư thuốc hóa học nào trên ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn trái tiêu thụ trong nước: Thường được thu hái trễ hơn nên quả nặng, to hơn, và ngọt hơn thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Việc thu hoạch tiến hành giống như khi thu xuất khẩu nhưng không cần xử lý, đóng thùng mà mang đến nơi tiêu thụ.

Sau một năm trồng thì thanh long bắt đầu cho trái bói, các năm thứ 3, 4, 5 là những năm có năng suất cao. Từ năm thứ 6 trở đi năng suất bắt đầu giảm từ từ. Một cách tổng quát trong điều kiện thanh long ra hoa tự nhiên, năm thứ l năng suất độ 3kg quả/trụ, năm thứ 2: 10 - 15kg/trụ, năm thứ 3: 30kg/trụ, năm thứ tư 40 - 45kg/trụ, sau đó giảm từ từ tới năm thứ 12 còn độ 20 - 25kg/trụ. Việc chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi sẽ làm năng suất cao và ổn định nhiều năm.

(Bài viết có tham khảo tài liệu trên mạng internet và trên cơ sở thực tế các mô hình trồng Thanh long ruột đỏ đã triển khai tại xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, huyện Núi Thành)


Xử lý cho thanh long nghịch vụ Xử lý cho thanh long nghịch vụ Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 2 Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ -…