Sầu riêng Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Tác giả Phương Anh, ngày đăng 28/09/2018

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Thời gian gần đây, sầu riêng ở Sóc Trăng đã và đang trở thành cây trồng được nhiều người quan tâm vì giá liên tục tăng cao. Cũng chính vì thế, không ít người đã tận dụng diện tích trồng xen hoặc phá bỏ diện tích cây trồng đang có để “ăn theo” phong trào trồng cây sầu riêng.

Cách trồng cây sầu riêng phải trên mô cao, gần nguồn nước; độ cao và bề rộng mặt mô tùy điều kiện đất trồng.

Hiện nay, phong trào trồng sầu riêng - được mệnh danh là “cây tiền tỉ” - đang “nở rộ” ở các địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách. Tuy nhiên, nếu không nắm vững kỹ thuật trồng và cách chăm sóc thì nguy cơ cây sầu riêng trở thành cây “sầu chung” của nhiều người. Cây sầu riêng có thể sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất thịt, có thoát nước tốt, gần nguồn nước, đất không bị ảnh hưởng mặn. Các giống sầu riêng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và trồng phổ biến hiện nay, gồm: Monthong, Ri 6, cơm vàng sữa hạt lép (sầu riêng Chín Hóa).

Do là loại cây thân gỗ mọc thẳng nên sầu riêng có bộ tán rộng, là một trong những cây ăn quả nhiệt đới ưa sáng nên cần phải trồng thưa để vườn cây luôn được thông thoáng thì mới có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Khoảng cách trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ 8 - 10m/cây. Anh Sáu - một trong những hộ trồng sầu riêng hiệu quả ở xã Xuân Hòa (Kế Sách) chia sẻ: “Cách trồng cây sầu riêng phải trên mô cao, độ cao và bề rộng mặt mô tùy điều kiện đất trồng. Đào hố trên mô đã đắp, hố có đường kính khoảng 0,6m và sâu cũng 0,6m. Đất trồng cây cần có độ tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng và có độ pH. Nên bón lót phân chuồng hoai, NPK cho một hố trồng. Trộn đều phân và ủ hoai trong vòng 10 - 15 ngày trước khi trồng. Đặc biệt cần che mát cây con trong thời gian đầu và chú ý không nên che quá 50% ánh sáng mặt trời”.

Còn theo anh Cương - hộ trồng sầu riêng ở xã Ba Trinh cho biết: “Khi trồng nên thêm hoặc bớt đất ở hố sao cho khi đặt cây xuống mặt mô ngang bằng với phần trên của bầu. Dùng tay bóp chặt bầu rồi mới tiến hành cắt đáy bầu và rạch túi bầu để túi bầu không bị vỡ, sau khi rạch đáy bầu cần chú ý quan sát bộ rễ cây có bị cong hoặc xoắn rễ không để thay thế bằng những cây tốt hơn”. 

Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn thành công với cây sầu riêng thì khi tiến hành đưa cây xuống hố trồng nên từ từ lấp đất, nén chặt phần đất xung quanh bầu nhưng không nén sát vào gốc cây. Lấp đất cho cây con ngang mặt bầu rồi tưới nước cho cây. Sử dụng cọc cắm chéo 60 độ so với mặt đất rồi cố định cây vào cọc. Sau khi trồng xong thì phải nhớ tưới giữ ẩm cho cây. Ở những tuần lễ đầu mới trồng, nếu mưa nhiều thì chú ý công tác thoát nước để tránh tình trạng cây bị ngập úng…

Sâu hại chính trên cây sầu riêng đó là: sâu đục trái, rầy phấn, nhện đỏ, rệp sáp và bệnh hại chủ yếu là bệnh xì mủ chảy nhựa, bệnh này thường xảy ra trong mùa mưa và dễ dàng gây hại trong các vườn trồng dày có tán lá rậm rạp, chăm sóc kém, nấm bệnh còn tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt và trên lá sầu riêng nhất là các lá non ở các cành. Để cây sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất cao thì khi mới bắt đầu trồng, nhà vườn nên tiến hành tỉa cành, tạo dáng giúp cho cây được thoáng, cành lá nhận được nhiều ánh sáng để quang hợp và hạn chế được sâu bệnh. Giúp cho cây khỏi phải nuôi những cành “ăn hại”, tốn hao chất dinh dưỡng mà không có lợi. Song song đó cần phải bón phân cho sầu riêng và cần chú ý bón nhiều lần trong một năm với lượng phân tăng dần từ khi cây còn nhỏ cho đến khi cây cho trái ổn định. Hàng năm nên bón cho cây sầu riêng phân hữu cơ, phân vô cơ (tùy thuộc vào tính chất của đất) và có thể bón bổ sung thêm tro bếp.

Nếu trồng đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt thì cây sầu riêng sẽ mang lại những mùa vụ bội thu.

Tùy theo từng loại giống mà sầu riêng cho trái sau từ 3 - 4 năm trồng. Khi cây trưởng thành thường ra rất nhiều hoa và ra nhiều đợt, do đó cần tỉa thưa hoa. Tùy thuộc vào ý định về thời điểm thu hoạch trái mà nhà vườn chọn để lại hoa ra ở đợt nào. Không nên giữ lại tất cả các hoa, bởi vì hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng có thể làm hoa rụng và hoa phát triển không bình thường ảnh hưởng đến viêc thụ phấn và đậu trái. Khi hoa nở, nên giúp cây thụ phấn thêm bằng tay vào khoảng 20 giờ trở đi để việc thụ phấn được tốt nhằm tạo trái sầu riêng đầy đặn, không bị lép do thụ phấn không hoàn toàn. Đến khi cây ra trái thì cần tăng lượng phân kali. Lúc này có thể sử dụng phân NPK (14:14:24) và bón cho mỗi cây từ 4 - 6kg, chia ra 3 lần để bón trong một năm.

Sầu riêng trồng bằng cây ghép cho trái sớm hơn (khoảng 3 - 4 năm sau khi trồng) còn nếu trồng bằng hạt thì lâu hơn (khoảng 6 - 7 năm). Sầu riêng từ khi ra hoa đến khi thu hoạch được trung bình vào khoảng 4 tháng (sớm hơn hay muộn hơn tùy theo giống). Sầu riêng trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục trong vòng vài chục năm. Nếu áp dụng đúng các kỹ thuật và cách chăm sóc nêu trên thì hy vọng bà con nhà vườn sẽ có những mùa vụ bội thu.


Cây sầu riêng cần phân hữu cơ loại nào? Cây sầu riêng cần phân hữu cơ loại… Chống thối và sượng trái trên sầu riêng Chống thối và sượng trái trên sầu riêng