Tin thủy sản Kỹ thuật ương nuôi giống cá chép V1

Kỹ thuật ương nuôi giống cá chép V1

Tác giả KS.Nguyễn Thị Hằng, ngày đăng 27/03/2019

Kỹ thuật ương nuôi giống cá chép V1

1. Các giai đoạn ương nuôi giống cá Chép V1

Căn cứ vào đặc điểm sinh học của cá bột, cá hương, cá giống ta có thể chia làm 2 giai đoạn ương nuôi như sau:

-  Giai đoạn 1: Ương từ cá bột lên cá hương, cá đạt kích cỡ 2 - 3cm (25  -  30 ngày tuổi);

-  Giai đoạn 2: Ương từ cá hương lên cá giống, cá đạt kích cỡ 4 - 6 cm (45 - 60 ngày tuổi). 

2. Kỹ thuật ương nuôi cá giống

2.1. Kỹ thuật ương nuôi cá giống từ giai đoạn cá bột lên cá hương 

- Điều kiện ao ương: Ao ương cá chép nên sử dụng những ao đã thuần thục (ao đã sử dụng vài năm), diện tích ao 300 – 600 m2 là thích hợp, độ sâu 0,8 – 1,0 m, pH 6,5 – 8,0 lớp bùn dầy 20 cm.

- Chuẩn bi ao ương: Tháo cạn ao, dọn sạch cỏ trong ao và bờ ao, bịt các lỗ rò rỉ, nếu bờ ao lồi lõm thì lấy bùn trát kín bờ ao để không có chỗ cho ếch nhái, rắn trú ngụ, dùng vôi bột hoặc vôi nước té đều bờ ao và đáy ao để khử trùng và diệt cá tạp, địch hại. Bón lót cho ao bằng phân chuồng 30 – 35 kg/100m2, phân nên rắc đều khắp ao, bừa kỹ và phơi nắng 3 ngày sau đó lấy nước vào ao qua lớp lưới chắn dày để đề phòng cá tạp vào ao. Sau khi lấy nước vào ao 3 ngày thì có thể thả cá bột.

- Thả cá: Mật độ cá thả từ 100 – 150 con/m2, nên thả cá xuống ao vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, không thả cá lúc trời sắp mưa to. Khi chuyển cá bột từ cơ sở khác đến ao ương nên để cả túi cá trong nước ao, chờ 5 - 7 phút rồi tắm cho cá bằng nước muối 2% trong vòng 5 - 10 phút sau đó tiến hành mở túi, cho nước ao vào từ từ để cá quen dần với môi trường mới, sau đó thả cá ra.

- Cho cá ăn

Thức ăn tự nhiên: Có thể sử dụng phân chuồng đã ủ với lượng 15 - 20kg/100m2/tuần hoặc phân xanh với lượng từ 10 - 15kg/100m2/tuần bằng cách phân chuồng rải đều quanh ao, phân xanh buộc từng bó nhấn chìm dưới nước ở góc ao.

Thức ăn tổng hợp: Nên sử dụng loại thức ăn có hàm lượng đạm tổng số từ 30 – 40%. Trong 10 ngày đầu, thức ăn phải được nấu chín thành cháo, pha loãng bằng nước rải đều quanh ao. Những ngày sau cho cá ăn thức ăn dạng bột khô. Mỗi ngày cho cá ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Lượng thức ăn mỗi ngày áp dụng như sau: Tuần thứ nhất cho ăn từ 0,2 - 0,4kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ hai từ 0,4 - 0,5kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ ba trở đi cho ăn từ 0,5 - 1,0kg/1vạn cá/ngày. 

- Thu hoạch: Nên thu cá hương sau 25 – 30 ngày nuôi, trước khi thu hoạch 1 tuần nên luyện cá; ngày đầu khua đục 1/4 ao, ngày thứ hai khua đục 1/2 ao, ngày thứ ba khua đục 3/4 ao và tiếp tục cho cá các ngày còn lại. Chú ý: chỉ luyện cá sau 8 giờ sáng và mỗi lần luyện từ 15 – 20 phút.

Sau khi cá đã được luyện mới tiến hành thu hoạch, chọn những ngày trời mát, không mưa, dùng lưới kéo tương đối triệt để rồi mới tát cạn, không kéo quá 2 lần lưới trong 1 ngày, các thao tác xúc, chuyển cá phải thật nhẹ nhàng, cá sau khi thu phải giữ trong giai hoặc bể ít nhất 3 giờ thì mới vận chuyển đi xa được.

Trung bình tỷ lệ sống của cá đạt 30 – 35%, chiều dài 2 – 3cm.

2.2. Kỹ thuật ương nuôi cá giống từ giai đoạn cá hương lên cá giống

Ao ương cá giống có thể tận dụng luôn ao ương cá bột lên hương, tuy nhiên cần thả với mật độ thưa từ  10 – 15 con/m2  hoặc có thể sử dụng ao có diện tích lớn hơn, các điều kiện khác giống như ao ương cá hương.

Giai đoạn này cho cá ăn bằng thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm tổng số từ 20 – 30% hoặc các loại tinh bột. Mỗi ngày cho cá ăn hai lần vào lúc sáng sớm và chiều mát, lượng thức ăn hàng ngày áp dụng như sau: Tuần thứ nhất cho ăn từ 1,0 - 2,0kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ hai từ 3,0 - 4,0kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ ba từ 4,0 - 5,0kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ tư từ 5,0 - 6,0kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ năm từ 6,0 - 7,0kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ sáu từ 7,0 - 8,5kg/1vạn cá/ngày, tuần thứ bảy từ 8,5 - 10kg/1vạn cá/ngày.

- Thu hoạch cá giống sau 45 – 60 ngày ương, cá đạt chiều dài 4 – 6cm. Kỹ thuật thu cá giống cũng giống như thu cá hương, tỷ lệ sống của cá giống đạt 60 – 70%.

3. Một số bệnh thường gặp trên giống cá Chép

3.1. Bệnh nấm thủy mi

- Tác nhân và dấu hiệu của bệnh: Gây bệnh là một số loài thuộc các giống: Leptolegnia, Saprolegnia và Achlya; Họ Saprolegniaceae; Bộ Saprolegniales. Khi cá bị bệnh trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước.

- Biện pháp phòng và trị bệnh

Phòng bệnh: Tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp gồm vệ sinh ao ương sau mỗi vụ sản xuất và trước khi đưa vào vụ nuôi mới; ương nuôi cá với mật độ phù hợp; cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn tươi sống phải được khử trùng; dùng Chlorine để sát trùng, diệt ký chủ của kí sinh trùng; tránh gây sốc, tránh xây xát trong quá trình san thưa, chuyển ao hoặc phân cỡ cá.

Trị bệnh: Đối với cá bệnh, có thể sử dụng hóa chất Methylen 2 - 3ppm để tắm cho cá 2lần/ngày, mỗi lần từ 10  -  15 phút và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

3.2. Bệnh kênh mang

-  Tác nhân và biểu hiện của bệnh: Tác nhân chính gây ra là ấu trùng sán lá Centrocestus formosanus và thích bào tử trùng Myxobolus sp. Khi cá chép bị kênh mang thường bơi lờ đờ ở tầng mặt gần bờ, không có phản ứng với tiếng động; cá có hiện tượng nắp mang hở, không khép kín; cá chết nổi lên bờ và chết nhiều ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi.

-  Biện pháp phòng và trị bệnh

Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như trên

Điều trị: Chuyển cá sang ao khác là tốt nhất (nếu có thể) hoặc tiến hành thay nước và bón vôi khử trùng. Sau đó sử dụng thuốc Praziquantel bằng cách cho cá ăn 3  -  5 ngày với liều lượng thuốc 50  -  75mg/kg thức ăn và cho cá ăn 10  -  15% trọng lượng cơ thể. Lưu ý khi trộn thuốc Praziquantel vào thức ăn cần có chất bám dính để thuốc không tan vào nước trước khi vào cơ thể cá bằng cách Có thể dùng bột gạo nếp khi trộn thuốc vào thức ăn để điều trị cho cá.


Hướng dẫn bệnh cá - Nhiễm trùng huyết Rickettsia Hướng dẫn bệnh cá - Nhiễm trùng huyết… Nuôi tôm hùm trên bờ Nuôi tôm hùm trên bờ