Nuôi trâu Kỹ thuật vỗ béo trâu giai đoạn trước khi giết thịt

Kỹ thuật vỗ béo trâu giai đoạn trước khi giết thịt

Tác giả BSTY. Bùi Thị Chuyên, ngày đăng 20/05/2022

Kỹ thuật vỗ béo trâu giai đoạn trước khi giết thịt

Để nuôi vỗ béo trâu hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số yêu cầu kỹ thuật sau:

1. Chọn trâu nuôi vỗ béo

Các giống trâu nội, trâu lai, trâu nhập khẩu không sử dụng để sinh sản, không sử dụng để cày kéo ở các lứa tuổi khác nhau cần vỗ béo trước khi giết thịt.

2. Quản lý trâu nuôi vỗ béo

* Quản lý trâu đưa vào vỗ béo

- Khi vỗ béo, nên chia trâu thành các nhóm cùng giới tính, độ tuổi và khối lượng ở trong cùng ô chuồng. Khẩu phần thức ăn thay đổi dần để trâu làm quen với thức ăn vỗ béo.

- Trâu cần được nhốt ở những nơi khô ráo, sạch sẽ.

- Tách riêng những trâu đực chưa thiến để tiến hành thiến trước khi đưa vào vỗ béo, đối với trâu cái cần có biện pháp can thiệp để ức chế động dục trong quá trình vỗ béo.

* Quản lý trâu trong thời gian vỗ béo

- Xác định khối lượng trâu và lượng thức ăn thu nhận: Khối lượng của từng cá thể phải được xác định trước khi đưa vào vỗ béo. Hàng tháng, trâu được cân (cân điện tử) hoặc đo để xác định khối lượng tăng nhằm điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp.

Cách xác định khối lượng chính xác nhất là dùng cân. Trong thực tế điều này khó thực hiện. Sau đây là phương pháp xác định khối lượng bằng việc đo một số chiều và tính theo công thức (với sai số 5% và chỉ áp dụng cho trâu từ 2 tuổi trở lên).

Khối lượng (kg) = 90 x VN x VN x DTC

Trong đó:

VN: là vòng ngực của trâu, là chu vi mặt cắt đằng sau xương bả vai (tính bằng mét).

DTC: là độ dài thân chéo, là chiều dài được đo từ mỏm xương bả vai đến điểm tận cùng của xương ngồi (tính bằng mét).

- Hàng ngày, quan sát trâu nhằm phát hiện những con có biểu hiện không bình thường để có biện pháp can thiệp kịp thời;

- Nước uống cho trâu phải cung cấp đầy đủ đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh;

- Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

3. Nuôi dưỡng

- Các loại thức ăn chính nuôi trâu thịt, trâu vỗ béo: Thức ăn thô xanh (chiếm tỷ lệ 55 – 60% vật chất khô trong khẩu phần), thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp (chiếm 40 – 45% vật chất khô trong khẩu phần), thức ăn bổ sung...

- Thức ăn thô xanh được cho ăn tự do theo nhu cầu, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung được cho ăn theo tỷ lệ cân đối để đáp ứng tiêu chuẩn ăn cho trâu vỗ béo. Tốt nhất là cho trâu ăn tự do ở dạng hỗn hợp hoàn chỉnh.

- Một số công thức phối trộn thức ăn tinh hỗn hợp cho trâu:

4. Chuồng trại và quản lý chất thải

Chuồng trại: Chuồng nuôi cần đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và những quy định về đối xử nhân đạo đối với vật nuôi; chuồng nuôi phải có diện tích phù hợp với số lượng trâu và giai đoạn vỗ béo.

Quản lý chất thải: Chất thải trong quá trình nuôi vỗ béo được xử lý bằng các biện pháp phù hợp như ủ phân, BIOGAS, đệm lót sinh học…

5. Vệ sinh thú y

- Trâu trước khi đưa vào vỗ béo cần được tẩy nội, ngoại ký sinh trùng; đối với những con bị bệnh cần điều trị khỏi mới đưa vào vỗ béo.

- Chuồng trại phải được tiêu độc, khử trùng và vệ sinh trước, trong và sau khi nuôi vỗ béo.

6. Thời gian vỗ béo

Trung bình 50 - 90 ngày, dự kiến tăng trọng: 700 - 900g/con/ngày đối với trâu nội, từ 1.100 - 1.400 gam/con/ngày đối với trâu lai 50% máu ngoại, từ 1.400 - 1.600 gam/con/ngày đối với trâu ngoại.

7. Ghi chép

Phải có sổ ghi chép các thông tin cần thiết trong quá trình nuôi vỗ béo trâu:

- Thời gian bắt đầu vỗ béo, thời gian kết thúc vỗ béo.

- Giống trâu, trọng lượng trâu trước khi vỗ béo, sau khi vỗ béo 1, 2, 3 tháng và trọng lượng xuất bán.

- Các thông tin về nhập, sử dụng thức ăn, vắc xin, thuốc thú y...

- Các chi phí, các nguồn thu…


Nghiên cứu chăn nuôi trâu hướng thịt hàng hóa Nghiên cứu chăn nuôi trâu hướng thịt hàng…