Mô hình kinh tế Kỳ Vọng Đổi Đời Từ Ốc Len

Kỳ Vọng Đổi Đời Từ Ốc Len

Ngày đăng 20/07/2013

Kỳ Vọng Đổi Đời Từ Ốc Len

Huyện Phú Tân có hệ sinh thái rừng ngập mặn, được phân bố dọc ven biển với chiều dài khoảng 37 km, có 2.637 ha rừng phòng hộ, nằm trên địa phận xã Phú Tân, Tân Hải, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm. Rừng ngập mặn ven biển của huyện có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, chống sạt lở, bảo vệ môi trường và giúp cho nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

Quang cảnh cửa biển Mỹ Bình không hoang sơ như cách nay 2 năm. Khi đó, chỉ có vài chục nóc nhà lụp xụp, lộ đất đen nhầy nhụa, không điện lưới sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hoàng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho hay: “Khu này bây giờ đã thay đổi hẳn. Đường giao thông về tận khóm dân cư, khu tái định cư đang được triển khai thi công, điện thắp sáng đã đấu nối, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt. Cả ấp chỉ còn 16 hộ nghèo theo tiêu chí mới”.

Khơi nguồn từ mô hình mẫu

Thay đổi lớn nhất của Mỹ Bình là việc thí điểm thành công mô hình mẫu nuôi ốc len của mấy chục hộ dân trên tuyến đê thuộc ấp Mỹ Bình. Qua khoảng 2 năm thả nuôi thử nghiệm, hầu hết ốc len vùng này phát triển tốt. Giá ốc thương phẩm ổn định, chi phí thấp, vốn đầu tư không cao. Cũng nhờ ốc len, cư dân xứ biển Mỹ Bình đã có thể trụ vững trên vùng đất biển nhiều biến động.

Ông Tư Thành hớn hở: “Mưa này, ốc bò lên cây mắm từng đàn coi đã mắt. Nhờ thả nuôi thử nghiệm thành công mà hai cha con tui mạnh dạn thả thêm 3 tấn giống. Hiện đã thu hoạch độ phân nửa. Quy trình thu hoạch khá tốt, mỗi tháng thu hoạch khoảng 7-8 lần, mỗi lần 50 kg. Khấu trừ chi phí, mỗi tháng cũng dôi dư trên 10 triệu đồng. Với loài này, thả một lời đến ba”.

Nói đến nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ khu vực ấp Mỹ Bình phải kể đến công lao của ông Dương Minh Hiếu.

Ông Khoa cho biết thêm: “Bà con vùng này ai cũng biết anh Hiếu với nghề thu mua ốc, tôm, cua. Nhưng khoảng năm 2009, anh tìm tòi và đưa về thử nghiệm nuôi ốc len trên khu rừng của gia đình. Khi thấy thành công, nhiều hộ làm theo”.

Ông Hiếu bộc bạch: “Lúc đầu thấy bên phía Cái Đôi Vàm làm ăn hiệu quả bằng cách thả nuôi dưới tán rừng, tôi đã nảy ý định mua ốc loại nhỏ làm giống và thả thử khoảng 500 kg. Kết quả như mong đợi. Sau 3 tháng, ốc thành phẩm bán giá 80.000 đồng/kg. Lần ấy tôi lãi khoảng 20 triệu đồng. Nhờ có mối bán hàng ở Bình Dương, nên ngày nào tôi cũng thu mua và gom cung ứng theo nhu cầu khách hàng”.

Tiềm năng đất biển

Sau cơn bão số 5 năm 1997, các xóm nhà bên khu rừng phòng hộ phải di dời vào trong thân biển Tây. Trên xóm mới, bà con cần cù nuôi tôm, cua rồi tăng gia sản xuất bằng trồng hoa màu. Ông  Khoa khoe: “Chiều dài thân đê 4.000 m được bà con tận dụng trồng màu phủ kín. Mỗi năm tỉa trồng 3 vụ, những cây bắp, bí, khổ qua trở thành bầu bạn của cư dân xóm Mỹ Bình trên đường thoát nghèo”.

Khi biết được thông tin nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ thành công của ông Dương Minh Hiếu, các lão nông nơi đây mừng như mở cờ.

“Rừng phòng hộ vẫn xanh um, ngày ngày cư dân cứ vào tìm sản vật, vậy tại sao mình lại không giữ lại giống này mà nuôi, có kế hoạch khai thác hẳn hoi. Trong khi vừa bảo đảm tăng thu nhập ổn định, vừa bảo vệ rừng không bị xâm hại”, ông Lê Đức Thọ, 52 tuổi, ấp Mỹ Bình, bày tỏ.

“Ở khu vực này, những năm 1982, mỗi hộ dân được cấp tương đương 5 ha rừng. Trong đó, giữ nguyên hiện trạng 1 ha rừng phòng hộ rất xung yếu, 4 ha còn lại sản xuất bảo đảm mật độ che phủ 70% rừng, 30% nuôi trồng thuỷ sản.

Nếu nuôi ốc len, diện tích rừng mắm sẽ được giữ nghiêm ngặt theo từng khuôn hộ. Bởi ốc len chỉ sinh trưởng trong môi trường có cây rừng che phủ nhất định”, ông Nguyễn Chí Nguyện, cán bộ phụ trách nông - lâm - thuỷ sản xã Phú Tân cho biết thêm.

Từ 4 ha đất rừng sản xuất được giao khoán, vụ nuôi năm 2012, ông Tư Thành thả 3 tấn giống, đến nay thu hoạch trên 1,5 tấn ốc thịt, lượng còn lại đang cho thu hoạch tiếp.

Bước đầu thành công, nhưng để hợp thức hoá việc nuôi ốc dưới tán rừng, 19 hộ dân ấp Mỹ Bình trên tuyến rừng phòng hộ đê biển Tây cùng với UBND xã Phú Tân kiến nghị UBND huyện và Kiểm lâm huyện về việc hợp thức hoá khai thác sản vật dưới tán rừng. Phía bên kia đê, ngư dân vùng cửa biển Cái Cám, xã Tân Hải hay cửa biển Cái Đôi Vàm, thị trấn Phú Tân đã từng thử nghiệm thành công mô hình này.

Kỳ vọng đổi đời

“Ấp Mỹ Bình có 215 hộ dân sinh sống, trong đó, dọc theo tuyến đê biển Tây khoảng 60 hộ. Nhiều năm qua, tuy thu nhập từ khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven biển và dưới tán rừng có cao nhưng đời sống bộ phận cư dân ở đây chưa mấy thay đổi.

Việc thử nghiệm nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ như một động lực giúp dân Mỹ Bình phất lên cùng các công trình hạ tầng vừa được đầu tư xây dựng.

Nuôi ốc len không tác động xấu đến môi trường, hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, đầu ra ổn định. Nếu được quy hoạch, 60 hộ dân trên tuyến đê của Mỹ Bình sẽ đầu tư thả nuôi khoảng 200 ha”, ông Nguyễn Hoàng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, chia sẻ.

Năm 2008, Sở NN&PTNT Cà Mau phê duyệt dự án thí điểm mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ xung yếu cho 2 hộ dân, với 52 ha.

Bước đầu, hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại rất khả quan, bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi lý tưởng để ốc len phát triển, mức hao hụt thấp và chất lượng ốc thương phẩm cao.

Ốc len thương phẩm tại địa phương thương lái mua với giá 60.000 đồng/kg trở lên, bình quân 1 ha đất rừng nuôi ốc len, người dân thu lãi trên 15 triệu đồng.

Ngoài ốc len, người dân còn có thể nuôi thêm cá kèo, cua… Từ đó, giúp người dân sống dưới tán rừng có thu nhập ổn định, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Mặt khác, họ còn thực hiện cam kết gìn giữ và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ được giao khoán.

Thời gian gần đây khi giá ốc len thương phẩm tăng cao, người nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ có thu nhập khá, ổn định cuộc sống, ý thức về bảo vệ rừng càng được nâng cao. Những hộ dân được giao đất rừng thực hiện mô hình đều có nguyện vọng được tiếp tục canh giữ đất rừng, gắn với hoạt động sản xuất, nhằm ổn định cuộc sống.

Thực tế chứng minh, trong nhiều năm qua, việc giao khoán đất cho dân canh tác, gắn với việc giữ rừng, bảo vệ rừng là một trong những hướng đi đúng, hiệu quả, bởi dân hưởng được huê lợi từ rừng, còn rừng được người dân cam kết bảo vệ nghiêm ngặt.

Thiết nghĩ, đây sẽ là biện pháp hiệu quả nhất nhằm hạn chế tình trạng xà xẻo rừng phòng hộ vốn diễn biến gay gắt. Mặt khác, với mô hình này có thể là cứu cánh giúp cư dân ven biển xoá nghèo bền vững.


Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp Rà Soát Để Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Rà Soát Để Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây…