Lạ lùng dược liệu bán giá bèo cho Trung Quốc
Những loại cây dược liệu mà bà con săn tìm là lông cu ly, huyết đằng (cây máu chó), đinh lăng rừng, cây rươi... Điều đặc biệt là những loại dược liệu này được bán với giá rất rẻ: Lông cu ly chỉ 2.000 đồng/kg, nghĩa là 5 kg loại cây này mới đổi được một cái bánh mỳ ba tê. Huyết đằng giá 3.000 đồng/kg, còn cây rươi giá 3.500 đồng/kg...
Theo mô tả của báo chí, thì trên những tuyến đường như đường NT18 nối từ quốc lộ 14 vào cửa khẩu Bờ Y, lông cu ly được chất thành đống như đống rạ, và được thái lát trải phơi kéo dài hàng trăm mét. Một thương lái tên Hoàng cho biết, bình quân mỗi ngày ông mua được 10 tấn loại cây này. Sau khi thái lát phơi khô, ông mang bán cho thương lái Trung Quốc với giá 14.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là trong khi người dân ào ạt đổ vào rừng săn lùng dược liệu thì chính quyền và các cơ quan chức năng không biết. Trả lời báo chí, rất nhiều cán bộ có trách nhiệm ở những địa phương trên đều lắc đầu vì chưa nắm được thông tin.
Chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam lùng mua dược liệu, không phải đây là lần đầu. Trước đó, ở một số vùng như Lạng Sơn, thương lái Trung Quốc cũng ráo riết lùng mua cây hoàng đằng (một loại thực vật quý thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ), và các loại nấm lim, nấm cheo, rễ sim...
Tại Nghệ An, họ cũng lùng mua cây kim mao cẩu tích (một loại dược liệu dùng để chữa đau lưng, gân xương nhức mỏi), cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi... Nhưng loại dược liệu này chủ yếu sống trong khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.
Rừng Việt Nam là một “kho” dược liệu vô cùng phong phú và quý giá. Ngay từ thế kỷ thứ XIV, danh y Tuệ Tĩnh đã chủ trương “Nam dược trị Nam nhân (cây thuốc Việt Nam dùng chữa bệnh cho người Việt Nam)”, và cụ đã rất thành công với phương châm này.
Đến nay, phương châm đó vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề là bảo vệ và khai thác nguồn dược liệu quý giá đó như thế nào, để trị bệnh và nâng cao sức khỏe của người dân? Việc săn lùng bừa bãi rồi bán với giá rẻ mạt như trên, mà không có sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền, đã khiến không ít nguồn dược liệu quý bị cạn kiệt, gây mất cân bằng sinh thái.
Một điều rất nghịch lý, như ông Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An Trương Văn Hiền đã chỉ ra, là người Trung Quốc mua dược liệu thô của ta với giá vô cùng rẻ mạt, nhưng sau khi mang về nước chế biến, họ lại nhập trở lại Việt Nam với giá cắt cổ, trong khi những dược liệu nhập lại từ Trung Quốc đó lại không được cam kết đảm bảo một cách chắc chắn, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng, vì chúng ta không được trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình chế biến của họ.
Dược liệu thô mang sang Trung Quốc, chỉ sau quá trình chế biến, đã tăng giá hàng chục lần. Mà việc chế biến đó, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Tại sao không làm?
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ