Mô hình kinh tế Lại Chạy Theo Lúa IR 50404

Lại Chạy Theo Lúa IR 50404

Ngày đăng 22/03/2013

Lại Chạy Theo Lúa IR 50404

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch khoảng 50% diện tích lúa Đông xuân 2012-2013 và đang khẩn trương dọn đất để sạ lại vụ lúa Hè thu 2013. Trước thực tế lúa thơm, lúa chất lượng cao khó tiêu thụ, nhiều bà con đang có xu thế quay trở lại với giống lúa IR 50404.

Trao đổi với những nông dân trồng lúa hạt dài mới thấy có nhiều điểm nghịch lý. Đó là, hiện nhiều thương lái mua lúa hạt dài, chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu đang được khuyến khích gieo sạ với giá cào bằng hoặc chỉ cao hơn lúa IR 50404 từ 100-200 đồng/kg. Với giá như vậy, nhiều người dân cho rằng, trồng lúa phẩm cấp thấp “sướng” hơn lúa chất lượng cao, vì với giống IR 50404 không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón, dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh. Lúa IR 50404 tuy giá thấp hơn lúa chất lượng cao nhưng bù lại năng suất lại cao hơn từ 150-200 kg/công, từ đó lợi nhuận thu được cũng cao hơn và điều quan trọng là dễ tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Thâu, nông dân ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Chi phí sản xuất lúa hạt dài cao hơn so với lúa IR 50404, nhưng mua kiểu này chẳng khác nào khuyến khích nông dân quay lại trồng giống lúa IR 50404”.

Mấy ngày nay, giá lúa trên thị trường có chiều hướng tăng từ 200-300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài thương lái thu mua tại ruộng có giá 4.500-4.600 đồng/kg, lúa IR 50404 thì 4.400-4.450 đồng/kg. Theo tính toán của nhiều nông dân, nếu trồng lúa IR 50404 thì nhẹ chi phí, năng suất khá cao, khoảng 6-7 tấn/ha, cá biệt có một số hộ đạt 9-10 tấn/ha, trừ chi phí còn lợi nhuận 1-1,2 triệu đồng/công, vụ Hè thu thì lời 300.000-500.000 đồng/công. Ngoài ra, đây còn là loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85-90 ngày), thích nghi rộng với nhiều vùng đất, phù hợp bố trí trồng 3 vụ lúa trong năm. Từ những lợi thế trên khiến nhiều bà con lựa chọn giống IR 50404 để canh tác.

Mặc dù có nhiều lợi thế, song đây chỉ là giống lúa có phẩm cấp gạo thấp, giá cả thị trường bấp bênh. Một thực tế phải nhìn nhận rằng, do phẩm cấp gạo thấp nên hầu hết người dân tuy trồng giống IR 50404 nhưng lại mua gạo khác để ăn. Ông Thâu cho biết thêm: “Làm ra bao nhiêu là tôi bán hết bấy nhiêu, sau đó mua gạo khác để ăn, vì giống IR 50404 khô cơm, chỉ thích hợp cho việc làm bún và một số loại bánh. Nông dân cũng muốn chuyển sang trồng lúa thơm, lúa hạt dài theo khuyến cáo, nhưng thực tế giá lúa thường và lúa chất lượng cao không chênh lệch bao nhiêu, trong khi lúa IR 50404 năng suất cao, dễ chăm sóc thì nông dân mới có lãi chút ít”.

Thời gian qua, tuy ngành nông nghiệp tỉnh đã quyết liệt trong việc khuyến cáo nông dân giảm tỷ lệ sản xuất giống lúa IR 50404, song chuyện cào bằng giá mua lúa này với các giống khác đang tạo nên hiệu ứng ngược. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể cho rằng, chuyện giá lúa IR 50404 không chênh lệch mấy so với một số giống lúa dài khác không biết được kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn một điều là sau này có đưa ra cảnh báo hạn chế trồng giống lúa IR 50404 thì người dân sẽ không nghe !

Hiện nay, không chỉ có người dân bên ngoài mà ngay cả bà con nằm trong khu vực cánh đồng mẫu lớn cũng bắt đầu quay lại với giống lúa IR 50404 sau một vụ mùa lúa thơm không mấy khả quan. Vụ lúa Đông xuân vừa qua, gia đình ông Trần Văn Hùng Em, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy có 6 công đất nằm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông cùng nhiều bà con nơi đây được ngành nông nghiệp khuyến cáo sạ một số loại giống lúa thơm chất lượng để hợp đồng bán cho các công ty nhằm đảm bảo thị trường đầu ra và giá cả ổn định. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy không đến mà đổi lại là việc tiêu thụ khó khăn, nguồn lợi nhuận thấp. Ông Hùng Em chia sẻ: “Vụ Đông xuân mọi năm, tôi làm giống lúa IR 50404 năng suất đạt khoảng 1,2 tấn/công, riêng năm nay vào cánh đồng mẫu được khuyến cáo nên chuyển sang giống OM 4900, năng suất chưa đến 1 tấn/công, giá bán chỉ bằng với giống lúa thường, nhưng phải năn nỉ thương lái mới mua. Do vậy, vụ Hè thu năm nay có rất nhiều bà con ở khu vực này quay lại trồng giống lúa IR 50404”.

Vụ lúa Hè thu 2013, Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ khoảng 76.000ha, đến thời điểm này nông dân đã xuống giống được hơn 10.000ha, trong đó giống IR 50404 chiếm diện tích khá cao (hơn 40%). Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng giống lúa IR 50404 có phẩm cấp gạo thấp, thay thế bằng các giống lúa mới cấp xác nhận, có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn và mặn như: OM 4218, OM 6976, OM 4377, OM 5451… Tuy vậy, với giá cả và thị trường như hiện nay, các khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh rất khó trở thành hiện thực. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nông dân tiếp tục sử dụng giống lúa IR 50404 sản xuất đại trà trong vụ Hè thu, khả năng tái diễn lúa tồn đọng là rất lớn…


Nuôi Lợn Rừng Thu 600 Triệu Đồng/năm Nuôi Lợn Rừng Thu 600 Triệu Đồng/năm Ngậm Ngùi Vụ Tôm Trái Vụ Ngậm Ngùi Vụ Tôm Trái Vụ