Lãi lớn nhờ nuôi tôm thẻ trên ao trải bạt đáy
Nhờ đầu tư đúng hướng, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao trải bạt đáy đã giúp người nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cú liều thắng lớn
Chúng tôi tìm đến thăm “đại bản doanh” nuôi tôm công nghệ cao của ông Trịnh Đức Thuấn, chủ cơ sở tại ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đúng vào bữa cho tôm ăn. Theo thói quen, ông Thuấn kéo vó lên cẩn thận kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm rồi nhanh nhẹn vác những bao thức ăn ra phía ao đổ đầy vào các thùng chứa.
Đứng bên ao tôm, ông Thuấn vui vẻ tâm sự: “Bây giờ nuôi tôm người ta nhờ công nghệ nên chỉ cần cầm smartphone mở app, sau vài cú “gẩy tay”, hệ thống máy ở các ao tự động cho tôm ăn, hay muốn biết kích cỡ tôm cũng chỉ việc mở app chụp ảnh con tôm cho ra ngay kết quả chính xác. Thế nhưng, mặc dù nuôi tôm công nghệ cao ngay từ đầu nhưng tôi không lạm dụng công nghệ số, có những khâu cứ phải trực tiếp với con tôm, ao nuôi thì mới thấy hết được tình trạng tôm và nước ao nuôi thế nào để kịp xử lý mới yên tâm”.
Xuất thân từ một người kinh doanh buôn bán ở khu vực quận 1, TP.HCM, tình cờ trong dịp đi thăm người quen đang nuôi tôm ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, qua tìm hiểu nhận thấy nghề nuôi rất có tiềm năng khiến ông Thuấn có ý tưởng tìm hướng chuyển đổi sang “nghiệp nuôi” thủy sản. Ông Thuấn quyết tâm quay trở lại vùng này để mua đất đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, mặc dù lúc đó chân ướt chân ráo ông chưa hề biết gì về kỹ thuật nuôi tôm.
Theo lời ông Thuấn kể, thời điểm ông xuống đây, đất đai còn khá hoang hóa và rất ít người dân nuôi thủy sản. Do bản thân ông là “tay ngang” bước vào nghề nuôi nên 2 năm đầu ông phải thuê kỹ sư tư vấn và “bao tiêu” kỹ thuật theo kiểu “cùng ăn cùng ở cùng nuôi” với gia đình ông trong suốt quá trình hình thành mô hình nuôi tôm.
Theo ông Thuấn, nuôi tôm trên ao trải bạt đáy cần phải chú ý nhất về môi trường và người quản lý phải trực tiếp giám sát hàng ngày để kịp thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật. Ảnh: Minh Sáng.
Đến nay, với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ thâm canh là bước đệm vững chắc để ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ truyền thống sang nuôi tôm thâm canh trên ao lót bạt đáy thành công. Với mỗi năm 2 vụ tôm, cho ông thu lời hàng trăm triệu đồng, nếu thuận lợi thậm chí còn bỏ túi cả tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi tôm cũng không ít lần ông thất bại, nhưng qua những lần như thế giúp ông càng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ông cũng luôn mong muốn chia sẻ cho nhiều người nuôi tôm ở địa phương nhằm nhân rộng mô hình này.
“Nuôi tôm trên ao trải bạt đáy cần phải chú ý nhất về môi trường và người quản lý phải luôn trực tiếp giám sát hàng ngày để kịp thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật, ngăn chặn và xử lý được các tình huống xấu khi thời tiết hay môi trường thay đổi. Đặc biệt, không nên dùng kháng sinh trong quá trình nuôi, chỉ dùng men vi sinh để bảo đảm cho nguồn tôm sạch”, ông Thuấn chia sẻ.
Nuôi thâm canh trên ao trải bạt đáy
Năm 2016, khi TP.HCM phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông chủ nuôi tôm “tay ngang” Trịnh Đức Thuấn không ngừng tích lũy kiến thức để nâng cao hiệu quả với mô hình sản xuất của mình. Từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ao nền đất theo cách truyền thống ông Thuấn bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao trải bạt đáy. Đồng thời, ông mạnh dạn ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và năng suất tôm.
Ông chủ nuôi tôm “tay ngang” Trịnh Đức Thuấn không ngừng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả với mô hình sản xuất của mình. Ảnh: Minh Sáng.
Tổng diện tích nuôi tôm của ông Thuấn hiện khoảng 3 ha, trong đó diện tích trải bạt đáy 0,68 ha. Quy trình cải tạo ao nuôi được ông xử lý theo 3 cấp: nguồn nước cấp vào ao số 1 đáy ao là nền đất bằng hình thức lắng cơ học, có hệ thống cống chảy qua ao số 2; tại ao số 2 được xử lý diệt khuẩn bằng thuốc tím, vôi nóng; tiếp tục bơm qua ao số 3 và xử lý bằng clorin. Sau đó cấp nước vào ao nuôi với đáy ao trải bạt, đảm bảo mực nước 1 mét, kiểm tra thông số môi trường, độ kiềm, xử lý men vi sinh và khoáng chất đến khi đạt yêu cầu thì mới thả tôm.
Là một trong những nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản đầu tiên tại xã Lý Nhơn, ông Thuấn đã được địa phương khen thưởng gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2018 với mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao trải bạt đáy, khiến ông cảm thấy rất vui.
“Mô hình nuôi tôm trên ao trải bạt đáy của tôi đã được lan tỏa và cho giúp bà con thay đổi cách làm, cải tiến trang trại ao nuôi tốt hơn, cùng nhau giữ gìn môi trường để phát triển con tôm chất lượng cao đưa ra thị trường”, ông Thuấn bộc bạch.
Ông Thuấn giới thiệu về quá trình nuôi tôm công nghệ cao trên ao lót bạt đáy thành công. Ảnh: Minh Sáng.
Mô hình này giúp cho người nuôi dễ dàng khống chế về môi trường do quá trình nuôi có thay nước liên tục, vấn đề khí độc trong ao nuôi được kiểm soát tốt do có vi sinh và khoáng chất bổ sung.
Con giống tốt quyết định thành công
Theo ông Thuấn, nuôi tôm theo quy trình VietGAP là nuôi tôm sạch, con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch, lựa chọn thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hoạch và chế biến sản phẩm cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.
“Người nuôi cần phải thả được con giống tốt và xử lý kỹ nguồn nước đầu vào cũng như quản lý môi trường trong ao. Như vậy sẽ giúp con tôm luôn khoẻ mạnh và tỉ lệ thành công cao, cho hiệu quả kinh tế thấy rõ”, ông Thuấn khẳng định.
Hiện nay ông Thuấn đang đầu tư lắp đặt thêm hệ thống xử lý nước bằng điện hoá và siêu âm. Ông khuyên bà con nuôi tôm cũng nên áp dụng công nghệ cao để giúp tăng năng suất. Ảnh: Minh Sáng.
Hiện nay ông Thuấn đang đầu tư lắp đặt thêm hệ thống xử lý nước bằng điện hoá và siêu âm. Ông cũng khuyên bà con nuôi tôm nên áp dụng công nghệ cao để giúp tăng năng suất. Trước đây, ông Thuấn nuôi bình quân 2 vụ/năm, thu hoạch được khoảng 38 tấn tôm/vụ. Sau khi tham gia các khóa đào tạo, ông mạnh dạn triển khai nuôi tôm trên diện tích 6.000m2 ao trải bạt đáy, nuôi 3 vụ, thu được hơn 110 tấn tôm/năm.
Ông Đoàn Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn cho biết: “Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp nhiều hộ nuôi tôm trong xã Lý Nhơn nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung mạnh dạn thay đổi phương thức nuôi. Người dân cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống”.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp nhiều hộ nuôi tôm trong xã Lý Nhơn nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung mạnh dạn thay đổi phương thức nuôi. Ảnh: Minh Sáng.
Theo ông Bình, các mô hình nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao bước đầu cho kết quả khả quan, từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao rất lớn, từ 800 triệu đến cả tỷ đồng/5.000 m2 ao.
Ðể nghề nuôi tôm thẻ phát triển bền vững, người nuôi tôm không gặp rủi ro do thời tiết và thị trường, ngành nông nghiệp thành phố cần có chính sách đồng hành với người nuôi tôm…
- Dải áp suất và lưu lượng rộng
- Độ rung thấp, vận hành êm ái
- Trục vít 2 thùy nằm ngang
- Đơn giản, cấu trúc gọn
- Cung cấp không khí hoàn toàn sạch
- Hệ nén trục vít mạnh mẽ
- Roto được thiết kế đặc biệt
- Hoạt động liên tục, bền bỉ
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ