Tin nông nghiệp Làm gì có giống lúa kháng sâu bệnh triệt để

Làm gì có giống lúa kháng sâu bệnh triệt để

Tác giả Doãn Tri Tuệ, ngày đăng 24/06/2019

Làm gì có giống lúa kháng sâu bệnh triệt để

Qua theo dõi, tổng kết nhiều vụ, nhiều năm, chúng tôi thấy không có giống lúa nào kháng được bệnh đạo ôn và bạc lá, chỉ có khác là mức độ nhiễm bệnh...

Phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn.

Nếu là người kinh doanh giống cây trồng thì việc họ tuyên truyền, quảng cáo giống lúa này, giống lúa nọ… kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy nâu là những đối tượng sâu bệnh gây thiệt hại lớn trong các vụ SX, nên được người bán giống, kinh doanh giống tuyên truyền, quảng cáo mạnh với mục đích để bán được nhiều giống, doanh thu cao.

Nhưng cũng thật đáng buồn, có không ít cán bộ KHKT trong ngành nông nghiệp khi có một giống lúa mới ra đời chưa thấy xuất hiện bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá hay một loại sâu bệnh nào đó thì đã vội vàng công bố giống lúa này kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá … Đó là thực tế nhức nhối trong ngành giống hiện nay.

Tôi là người hoạt động trên 40 năm trong ngành nông nghiệp ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh, vùng đất này chủ yếu trồng lúa, miền Bắc có giống lúa gì thì ở Nghệ An và Hà Tĩnh có giống lúa đó và cũng chính vùng đất này là nơi "hội tụ" rất nhiều loại sâu bệnh đối với cây lúa, phổ biến nhất là bệnh đạo ôn, bệnh bạc và rầy nâu… Không có vụ SX nào không bị thiệt hại do các loại sâu bệnh này phá hoại.

Tôi nhớ nhất và không bao giờ quên giống lúa thuần IR1820 và giống lúa CR203. Theo Viện BVTV cho biết, giống lúa IR 1820 kháng tốt bệnh đạo ôn, giống lúa CR 203 kháng tốt rầy nâu và gần đây còn có thêm nhiều giống lúa được một số cơ sở nghiên cứu công bố là giống lúa kháng bệnh đạo ôn như TBR 279, giống lúa kháng bệnh bạc lá như BC15, Bắc Thơm 7…

Có thể đúng và chỉ đúng một hai vụ đầu chưa thấy bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu… xuất hiện phá hoại. Bởi thông thường khi một giống lúa mới đưa vào gieo cấy thì một, hai vụ đầu do sức đề kháng của giống còn mạnh hoặc diễn biến của thời tiết còn thuận lợi cho cây lúa phát triển, không thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh nên chưa thấy có loại sâu bệnh gì phá hoại. Từ sau khi đã gieo cấy sang vụ thứ 3, thứ 4 trở đi sâu bệnh trên những lúa nói trên bắt đầu xuất hiện và càng về sau này nữa giống lúa IR1820 có thể nói là giống nhiễm bệnh đạo ôn nặng nhất, rồi đến cả giống lúa CR 203 cũng không kháng nổi rầy nâu.

Ở Nghệ An hiện nay trong mỗi vụ ĐX đang gieo cấy trên 30 giống lúa thuần, đó là các giống Thiên ưu 8, NA2, NA6, TBR 225, Hương thơm 1, BC15, AC5, P6, Bắc thơm 7, Nếp 97, J02, TBR 45, Gia Lộc 105, Kim Cương 111, Khang Dân đột biến, Hương Biển 3, ADI 168, ADI 28, RVT, VS 1, SV 181, Bắc Thịnh, HN 6, Khang Dân cải tiến… và các giống lúa lai gồm Thái Xuyên 111, VT 404, Nhị ưu 986, Kinh sở ưu 1588, Nghi Hương 2308, BTE 1, C.ưu đa hệ số 1, Khải Phong 1, Hương ưu 98, GS 9, 27P31, TEJ vàng, Phú ưu 978… Điều lạ là hầu như không có giống lúa nào khi quảng cáo và kể cả ở ngoài nhãn mác bao bì đều ghi: Kháng tốt bệnh đạo ôn, chống chịu bệnh bạc lá …

Qua theo dõi, tổng kết nhiều vụ, nhiều năm, chúng tôi thấy không có giống lúa nào kháng được bệnh đạo ôn và bạc lá, chỉ có khác là mức độ nhiễm bệnh tùy thuộc vào khả năng chống chịu của mỗi giống và chịu sự ảnh hưởng của mỗi quan hệ giữa từng giống lúa đó với diễn biến của thời tiết, với việc sử dụng phân bón và độ phì nhiêu của đất. Trong đó diễn biến của thời tiết và việc sử dụng phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến mức độ diễn biến của bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá lúa.

+ Với bệnh đạo ôn: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có thể phát triển mạnh với điều kiện, thứ nhất do thời tiết âm u, sương mù nhiều, mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao làm cho lá lúa thường xuyên bị ướt. Đây là cơ hội để bào tử nấm bệnh đạo ôn nẩy mầm và phát sinh thành dịch lớn gây bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Đặc biệt với những giống lúa có bộ lá dài, góc lá rộng thì mức độ bị nhiễm bệnh nhiều hơn, nặng hơn, do ẩm độ trong quần thể lá lúa cao hơn những giống lúa có bộ lá ngắn, góc lá nhỏ hơn.

Thứ hai, là do sử dụng phân bón mất cân đối giữa đạm, lân và kali. Qua theo dõi cho thấy tỉ lệ đạm (N), lân và kali bón cho cây lúa khoảng 1 - 0,6 - 0,9 hoặc 1 - 0,7 - 1 cây lúa rất ít bị nhiễm bệnh đạo ôn. Nếu bón đạm quá nhiều, bắt buộc cây lúa phải hút nước nhiều để giải độc đạm, làm cho lá lúa càng xanh đậm, càng phình to ra, mỏng ra để chứa nước. Đây là cơ hội rất tốt để bệnh đạo ôn phát triển phá hoại nhanh, mạnh.

Thứ ba, đất càng tốt, ruộng càng hẩu, cây lúa ở đó càng dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá do hàm lượng đạm hữu cơ được tích tụ nhiều. Vì vậy ở những loại ruộng lúa này nếu cứ bón phân ngang bằng những ruộng lúa khác thì chắc chắn lúa vừa dễ bị đổ, vừa bị bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá nhiều hơn bất kỳ ruộng lúa nào.

+ Với bệnh bạc lá lúa: Bệnh bạc lá lúa những năm gần đây phát triển mạnh hơn. Qua theo dõi và tổng kết nhiều vụ, nhiều năm, chúng tôi thấy:

- Càng ngày người SX càng ít sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Lý do là vì đồng ruộng được cơ giới hóa nhiều nên rất ít nuôi trâu, bò để vừa cày kéo, vừa lấy phân bón ruộng, thậm chí rất nhiều gia đình không nuôi cả lợn. Trên đồng ruộng thâm canh cây trồng bây giờ chủ yếu là phân hóa học. Ở đâu sử dụng nhiều phân hóa học thì ở đó sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá lúa.

- Ở đâu bón phân mất cân đối, nhất là đạm bón càng nhiều lúa càng xanh đậm, lá lúa vươn dài, lá lúa mỏng dí, do cây lúa khi hút nhiều đạm vào cơ thể, đạm ở lại lá lúa, cây lúa phải "uống" thật nhiều nước để giải độc đạm, nên những ruộng lúa nào bón nhiều đạm lá lúa rất "rậm rạp".

Nếu là vụ ĐX thì những ruộng lúa này vừa bị nhiễm nặng các bệnh đạo ôn, bạc lá và khô vằn. Nếu là vụ hè thu, do vừa nắng nóng, vừa nhiệt độ không khí cao sẽ xảy ra hiện tượng khô cháy lá lúa và là khởi đầu của bệnh bạc lá lúa tràn lan. Đặc biệt trong vụ lúa này thường xuất hiện mưa dông, kèm theo gió lớn gây xô xát làm rách lá lúa và từ đây bệnh bạc lá lúa sẽ xuất hiện tràn lan là điều không thể tránh khỏi.

Vậy có giống lúa nào kháng được sâu bệnh nói chung và các bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn… nói riêng không? Câu trả lời của chúng tôi là không và chỉ có khả năng chống chịu sâu bệnh ở mức độ nào đó mà thôi. Qua theo dõi một số giống lúa mới ra đời đưa vào SX thì 1-2 vụ đầu còn có khả năng chống chịu tốt, rồi các vụ tiếp theo sau này bắt đầu nhiễm bệnh ngày càng nhiều hơn.

Cây trồng cũng như con người, thời tiết, chế độ ăn uống, khả năng tự vệ (khả năng chống chịu) quyết định mức độ chống chịu với bệnh tật. Từ đây để nói rằng, biện pháp canh tác, nhất là việc sử dụng phân bón hợp lý, bón phân cân đối vừa là biện pháp tăng năng suất cây trồng, vừa là biện pháp hạn chế, phòng chống sự xâm nhập sâu bệnh đối với cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng là biện pháp tối ưu nhất hiện nay.


Gieo lạc bằng máy chỉ 15 phút xong 1 sào Gieo lạc bằng máy chỉ 15 phút xong… Xu thế trồng lúa thông minh Xu thế trồng lúa thông minh