Tin nông nghiệp Làm giàu nhờ cây dâu xiêm

Làm giàu nhờ cây dâu xiêm

Tác giả Nguyên Đạt, ngày đăng 23/06/2018

Làm giàu nhờ cây dâu xiêm

Từ một gia đình nghèo khó, nhờ trồng dâu xiêm mà ông Nguyễn Văn Hạng (TP.Cần Thơ) trở thành triệu phú.

Ông Hạng trong vườn dâu trĩu trái. Ảnh: Nguyên Đạt

Ông Hạng (48 tuổi, ngụ ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Ái, H.Phong Điền) kể gia đình ông có 4 công đất nhưng trước đây chỉ là vườn tạp. Để có cuộc sống ổn định, ông phải làm thêm nghề hàng đáy trên sông. Tuy nhiên, khi nhà nước có chủ trương cấm hàng đáy vì gây cản trở giao thông thủy, ông quyết định cải tạo đất lập vườn trồng dâu. “Khi bỏ nghề đáy, cuộc sống trở nên khó khăn hơn vì cả gia đình chỉ trông chờ vào những công vườn tạp. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy cây dâu xiêm năng suất cao lại có giá ổn định nên quyết định chuyển hẳn sang trồng dâu cho đến nay”, ông Hạng nói.

Theo ông Hạng, ông quyết định chọn trồng cây dâu xiêm là sáng suốt, bởi Phong Điền vốn nổi tiếng với giống dâu Hạ Châu nhưng việc chuyên canh giống dâu này nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Còn với dâu xiêm, giá ổn định, nếu xử lý cho trái nghịch vụ thì hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, ông quyết định dùng toàn bộ vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề của nhà nước để mua giống, cải tạo đất trồng dâu xiêm. Vừa làm vừa tích lũy, có tiền ông lại mua giống về trồng nên bây giờ vườn dâu của ông xen kẽ cây nhỏ nhất khoảng 9 năm tuổi, cây lớn nhất khoảng 20 năm tuổi. Ngoài ra, ông Hạng còn tìm đến các ngành chức năng huyện để được hướng dẫn kỹ thuật, rồi tham quan một số vườn dâu để tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc, đặc biệt là cách xử lý cho cây ra hoa, đậu trái.

Cách đây khoảng 10 năm, một số vị trí dâu già đạt năng suất không cao, ông Hạng đốn đi để trồng xen vú sữa. Đến nay, vú sữa lớn, tán rộng và ông Hạng cũng nghiên cứu xử lý cho trái nghịch vụ để bán được giá. Nhờ đó, hiện riêng 16 gốc vú sữa cũng giúp ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, ông Hạng còn tìm hiểu, nghiên cứu làm thêm dâu giống để bán. “Nhiều năm theo cây dâu, tôi thấy giống dâu xiêm rất hiếm trong khi tại vườn có sẵn hạt, đọt dâu nên tôi đi tham quan các vườn giống để học ghép cây. Lúc đầu cũng chật vật lắm vì cây giống cũng có mùa vụ chứ đâu phải muốn làm là làm và thường chỉ thành công khoảng 30%. Sau đó, tôi tiếp tục nhờ cán bộ nông nghiệp huyện chỉ dẫn, đúc kết kinh nghiệm dần giờ tỷ lệ cây sống đạt trên 95%”, ông Hạng nói.

Mỗi năm ông Hạng xuất bán từ 8.000 - 10.000 cây dâu giống cho nông dân ĐBSCL với giá 15.000 đồng/cây. Ngoài ra, vào mùa dâu, khu vườn của ông Hạng còn là điểm tham quan của du khách gần xa. Khách đến tham quan vườn với giá 20.000 đồng/người, được ông tiếp đón nồng nhiệt, mời thưởng thức dâu, dạo ngắm vườn dâu trĩu quả, chụp ảnh lưu niệm… Theo ông Hạng, trong quá trình trồng cũng như xử lý ra hoa cho vườn dâu, ông luôn chủ động chia làm 2 đợt để không thu hoạch trùng lắp, nếu đợt này giá thấp còn đợt sau vớt lại. Ngoài ra, ông chủ yếu dùng phân hữu cơ để sản xuất theo hướng VietGAP. “Cách làm này góp phần giảm chi phí, sản phẩm an toàn cho khách đến tham quan. Như vụ dâu vừa qua tôi thu hoạch khoảng 12 tấn trái, bán với giá 22.000 đồng/kg trong khi chi phí bỏ ra chỉ khoảng 9%. Việc giảm chi phí giúp tăng lợi nhuận nhiều hơn cũng chính trên diện tích như thế”, ông Hạng chia sẻ.

Ông Nguyễn Út Em, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Phong Điền, cho biết ông Hạng rất chịu khó học hỏi rồi vận dụng kiến thức học được vào chính quá trình canh tác nhờ đó vườn dâu luôn đạt năng suất cao. “Đặc biệt, ông luôn tính toán để thu hoạch dâu không vào chính vụ nhằm tránh xuống giá, rồi trồng xen thêm loại cây ăn trái khác nên lợi nhuận luôn cao. Ông là một trong những nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hàng đầu tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nhà vườn khác, đặc biệt là tư vấn kỹ thuật rất kỹ đối với những người đến mua giống lập vườn dâu”, ông Út Em nói.


Chim trĩ 'siêu' mắn đẻ, nuôi chúng được ví như 'máy in tiền' Chim trĩ 'siêu' mắn đẻ, nuôi chúng được… Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh Một số lưu ý khi úm gia cầm…