Làm Giàu Nhờ Trồng Màu
Không chỉ coi trồng lúa là nguồn thu nhập chính mà nhiều hộ nông dân trà vinh còn có thu nhập từ việc trồng màu. Cây màu cũng đã giúp nhiều hộ thoát nghèo đi lên làm giàu.
Chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn là phù hợp với mong đợi của nông dân. Thế nhưng chuyển đổi thế nào vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 90.000 ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng lúa cả năm 2013 là 235.503 ha, cho sản lượng 1,275 triệu tấn, vượt kế hoạch 11.540 tấn.
Xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang có một nửa diện tích là vùng đất cao nhiều cát, sản xuất lúa chỉ được một vụ bấp bênh, năng suất khó vượt ngưỡng năm tấn/ha. Hơn 10 năm trước, hầu hết đời sống của nông dân vùng này gặp khó khăn nghèo, đói.
Theo hướng dẫn của Nhà nước, của các hội khuyến nông, anh Thạch Sư ở ấp Huyền Ðức trồng thử nghiệm ba công (3.000 m2) bắp lai và hai công đậu phộng (lạc) dưới chân đất ruộng. Năm đó, trúng mùa, trúng giá, thu nhập từ một công màu bằng 10 lần trồng lúa.
Chỉ sau một vụ màu, anh Thạch Sư thoát khỏi cảnh nông dân nghèo. Cũng nhờ trồng màu, người nông dân này trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cầu Kè là huyện có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, thế mạnh cho sản xuất lúa và các vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả. Hộ ông Thạch Da ở ấp 3, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè có 18 công đất, trồng được ba vụ lúa năng suất cao. Nhưng, 5 năm qua ông Thạch Da dành riêng ba công đất lên liếp để trồng màu.
Ông Da nói: tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trồng màu cho nên chọn cây bí đỏ và dưa hấu tương đối dễ trồng để luân phiên trồng. Cây bí đỏ dễ trồng hơn cho nên được khoảng hai tấn/công, bán được 5.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi tám triệu đồng. Tính ra chỉ trồng ba công bí đỏ mà thu lãi bằng 15 công ruộng cùng thời điểm.
Ham thì ham lắm, nhưng trồng màu tốn rất nhiều công sức, hai vợ chồng lo cho ba công màu mà gần như ở suốt ngoài rẫy, không thể trồng nhiều hơn được nữa. Vợ chồng anh Thạch Chang ở ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú trồng màu có bài bản hơn, có mối lái bao tiêu sản phẩm đàng hoàng.
Chị Chang nói, vợ chồng tôi chỉ lên liếp hai công đất ruộng để trồng màu. Mùa nào, trồng loại màu gì cũng qua thương lái đặt hàng theo nhu cầu thị trường. Như vụ dưa gang hè thu vừa qua, khi thương lái đặt trồng, hứa bao tiêu với giá 2.500 đồng/kg, nhưng đến khi thu hoạch thì họ kèo giá xuống chỉ còn 2.300 đồng/kg; nhưng nhờ trúng mùa chỉ hai công mà thu hơn 10 tấn quả, trừ chi phí cũng còn lãi 20 triệu đồng.
Trưởng phòng Kế hoạch Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, nông dân đều biết trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa. Nhưng diện tích cây màu hằng năm của tỉnh cũng chỉ dừng lại khoảng 50.000 ha; năm tăng, năm giảm vì giá cả, vì nhu cầu thị trường.
Ngày 9-6-2014, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 928/QÐ-UBND Về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của tỉnh Trà Vinh năm 2014 - 2015.
Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện chuyển đổi 9.000 ha diện tích gieo trồng lúa trong số 235.503 ha gieo trồng lúa của năm 2013 sang các loại cây trồng hằng năm khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể chuyển 1.950 ha sang trồng bắp, 640 ha sang trồng đậu phộng, 3.334 ha sang trồng rau các loại và cây hoa, 550 ha sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, 826 ha sang trồng các loại cây khác và 1.700 ha kết hợp nuôi thủy sản.
Với mục tiêu phải bảo đảm giá trị sản xuất bình quân/ha đất thực hiện chuyển đổi đạt từ 120 triệu đồng/năm trở lên. Tăng mức thu nhập bình quân hộ gia đình tham gia thực hiện chuyển đổi trên cùng diện tích tăng 1,3 lần so với trước.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, chính sách hỗ trợ chuyển đổi theo Quyết định số 580/QÐ-TTg ngày 22-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là quá thấp, lại quá nhiêu khê trong khâu thủ tục.
Thực hiện có đạt mục tiêu chuyển hay không phụ thuộc lớn vào mức hỗ trợ của Nhà nước, mà quan trọng hơn là phải tạo được đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản này.
Câu chuyện đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân hiện nay vẫn luôn là thách thức lớn. Ngay cả các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, mía đường... cũng chưa giải quyết được.
Chỉ riêng ba vụ lúa trong năm, năm nào cũng vậy, ít nhất có một, hai vụ, lúa chín, nông dân tìm không ra thương lái, hoặc phải bán dưới mức giá thành, rồi Nhà nước phải hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân. Nhiều năm qua, tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú của tỉnh Trà Vinh, nông dân sống ở các vùng đất nhiều cát xem cây đậu phộng là cây chủ lực trong cơ cấu cây màu của mình.
Chính cây đậu phộng đã giúp nhiều hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; diện tích trồng đậu phộng từ vài trăm ha đã tăng lên 3.000 - 5.000 ha mỗi vụ. Nhưng hai năm qua, đến mùa thu hoạch, đậu rớt giá, người dân không còn thấy thương lái đi đặt cọc mua hàng tươi như trước.
Người dân phải bỏ thêm công sức phơi khô dự trữ đến hai, ba tháng sau mới bán được với giá thấp nhưng buộc phải bán và hai, ba tháng sau nữa mới nhận được tiền.
Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả cao hơn là chủ trương luôn đúng.
Tuy nhiên để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, tăng thu nhập như mong muốn không còn là việc làm đơn lẻ của người nông dân mà cần có sự điều hành đồng bộ của các cấp, các ngành, sao cho sản phẩm của nông dân làm ra tiêu thụ được, tiêu thụ hết với mức giá chấp nhận được và có lợi nhiều hơn trồng lúa. Ðây là điều được nông dân cần và mong đợi nhiều hơn việc nhận hỗ trợ của Nhà nước với các thủ tục quá phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ