Mô hình kinh tế Làm Giàu Trên Đất Khó

Làm Giàu Trên Đất Khó

Ngày đăng 14/06/2013

Làm Giàu Trên Đất Khó

Xóm 5 Kim Tân, xã Kim Sơn (Định Hoá) có 62 hộ thì có gần một nửa thuộc diện nghèo và cận nghèo, 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu đất và nước sản xuất. Việc làm giàu trên chính mảnh đất khó này lâu nay vẫn được xem như một kỳ tích và người làm lên kỳ tích đó chính là gia đình anh Lường Xuân Quý với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi.

Về miền Kim Tân của xã Kim Sơn nói chuyện làm ăn, cái tên Lường Xuân Quý ở xóm 5 được mọi người nhắc đến với sự cảm phục và nể trọng. Anh Lý Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ở đây, địa hình đồi núi, nước sinh hoạt và sản xuất đều khó, trong khi người dân sống chủ yếu bằng việc trồng lúa nước nên cái đói, cái nghèo vẫn bám riết lấy họ. Xóm có tới 14 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Mô hình tổng hợp trồng rừng, chăn vịt và trồng lúa của vợ chồng anh Lường ví dụ điển hình nhất cho việc người nông dân có thể làm giàu trên đất khó để chúng tôi tuyên truyền, vận động hội viên thi đua phát triển kinh tế.

Ngôi nhà xây vững chãi của gia đình anh Quý ngay lối rẽ vào xóm, con trai anh cho biết: “Bố mẹ em chỉ về nhà ăn cơm thôi, thời gian còn lại đều ở bên lán”. Cái lán mà con trai anh nói được dựng ngay ngắn theo kiểu nhà sàn cách đó chừng vài trăm mét, bao quanh là bạt ngàn rừng keo xanh tốt và 2 cái ao xây ăm ắp vịt. Anh kể về hành trình lập nghiệp của mình. Sinh năm 1960, lớn lên trong cảnh thiếu thốn chung của cả làng, cả xã.

Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng kẽo kẹt với chiếc xe đạp có mặt ở khắp các chợ của Thái Nguyên để bán măng và chè khô. Năm 1985, anh chị quyết định làm ăn lớn hơn bằng việc thuê một chiếc ô tô để buôn măng tươi từ Thái Nguyên về các tỉnh Hà Nam, Hà Tây. Cứ thế 2 người như con thoi không ngừng nghỉ với vòng xoay của công việc, thời gian nghỉ ngơi duy nhất của vợ chồng anh là lúc đổ hàng xong ngồi trên xe tải trở về.

Dần dần măng ít đi nên anh bàn với vợ, nghỉ chạy chợ để làm kinh tế tại nhà. Nhưng chỉ trông vào mẫu lúa với vài sào ngô thì chỉ đủ ăn mà thôi, phải làm gì đây? Câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm trí anh. Trong những năm tháng đi buôn chuyến trước kia, anh thấy ở xuôi người ta nuôi rất nhiều vịt, ý tưởng họ làm được chẳng lẽ mình không làm được loé lên trong đầu anh. Năm 2008 anh quyết định tận dụng diện tích đất hiếm hoi có mạch nước từ suối Hưng chảy vào, đầu tư 30 triệu đồng thuê máy múc đào ao. Lứa vịt đầu tiên anh thả gần 200 con.

Cùng với đó, anh chị tập chung chăm sóc, tỉa thưa 4ha keo đã trồng từ hơn chục năm trước. Những đồi cây to anh khai thác trước, luân phiên mỗi năm khai thác trắng từ 0,5 đến 1ha, đem lại nguồn thu không nhỏ. Khai thác đến đâu, anh chị lại tiến hành trồng mới ngay đến đó.

Nhờ trời phú cho sức khoẻ, anh chị làm việc quần quật không kể nắng mưa. Hết ruộng, rừng lại đến chuồng trại. Không phụ công người, lứa vịt đầu tiên lớn nhanh, sau 4 tháng đã bắt đầu đẻ trứng, anh mua gối thêm 200 con vịt nữa và gây thêm 2 con lợn nái. Lợn con đẻ ra anh để nuôi thành lợn thương phẩm, mỗi lứa xuất bán hàng tấn lợn. Để tự cung cấp một phần thức ăn cho chăn nuôi, anh còn trồng thêm 0,5ha sắn và 3 sào ngô.

Tiếng về vợ chồng anh nông dân làm kinh tế giỏi Lường Xuân Quý chẳng mấy chốc đã lan rộng khắp vùng. Năm 2010, anh được UBND huyện tặng Giấy khen ghi nhận thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2009-2010”; năm 2012, cũng trong phong trào này anh nhận được Bằng khen của UBND tỉnh.

Nhưng việc chăn nuôi không phải khi nào cũng thuận lợi. Tôi hỏi: Đã có khi nào anh gặp thất bại chưa? Anh trầm ngâm:

- Có chứ, thất bại nặng nề là khác. Đó là cuối năm 2012, ở xã có dịch tụ huyết trùng, vì thiếu kinh nghiệm nên tôi đã mất trắng nửa cơ nghiệp.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Hoàng Thị Moong vợ anh lúc này mới lên tiếng: Lúc đó, trong có 1 tuần mà vợ chồng tôi phải chôn gần 500 con vịt, trắng chuồng. Mỗi ngày gánh vài gánh vịt đi chôn, vừa chôn vừa khóc. Chồng tôi động viên vợ “thua keo này ta bày keo khác” nhưng tôi biết anh ấy cũng khổ tâm lắm. Chỉ trong 1 tuần mà anh ấy gầy dộc đi, chiều nào cũng thẫn thờ ngồi nhìn cái ao không.

Mấy tháng sau, đàn vịt được gây dựng lại, anh tự trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức về dịch bệnh của loại gia cầm này vì theo anh, phòng được dịch bệnh là khâu khó nhất trong chăn nuôi, cũng là khâu then chốt quyết định sự thành bại. Hiện nay, đàn vịt của anh có gần 500 con với hơn 200 con đẻ trứng mỗi ngày.

Từ rừng và chăn nuôi, bình quân, mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu về khoảng trên 200 triệu đồng tiền lãi. Mặc dù luôn bận rộn, nhưng hễ có ai có nhu cầu giúp đỡ hay chia sẻ kinh nghiệm làm ăn thì bất cứ lúc nào, anh chị đều sẵn lòng giúp đỡ. Ông Hoàng Văn Khoa cùng xóm nhận xét: “Ai chứ vợ chồng chú Quý thì không chê được vào đâu. Cái nết làm thì khó ai theo kịp. Mặc dù bận thế nhưng việc của làng, của xóm chưa lần nào chú ấy vắng mặt. Chú ấy là Trưởng thôn tận tuỵ lắm, trong các buổi họp chú ấy đều động viên, khích lệ bà con mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện của mình và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm làm ăn khi mọi người có nhu cầu”.

Ra về, tôi tâm đắc với chia sẻ của anh: Quê mình nghèo quá nên muốn làm cái gì đó để góp phần thay đổi quê hương. Tôi nghĩ, làm giàu chân chính thì ở đâu cũng quý, nhưng làm giàu được ở ngay chính quê mình, và lại giúp đỡ được bà con còn nghèo khó của làng bản mình thì càng đáng quý biết bao. Đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất để những người nông dân như anh Quý, chị Moong hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc.


Hiệu Quả Bước Đầu Của “Cánh Đồng Một Giống” Hiệu Quả Bước Đầu Của “Cánh Đồng Một… Xuất Khẩu Gạo Đạt Trên 1,2 Tỷ USD Tính Từ Đầu Năm Xuất Khẩu Gạo Đạt Trên 1,2 Tỷ USD…