Làm giàu từ đặc sản cá chua vùng lòng hồ sông Đà
Món đặc sản cá chua được nhiều người ưa thích và mang thu nhập ngày một khấm khá, ổn định cho bà còn ở vùng lòng hồ sông Đà.
Món cá chua được làm từ nhiều loại cá có sẵn ở vùng lòng hồ sông Đà.
Sông Đà là nơi có nguồn thủy sản dồi dào và phong phú, với lợi thế đó, bà con nơi đây đã khai thác và chế biến thành các sản phẩm đặc sản của vùng lòng hồ. Đặc biệt hơn là món cá chua của gia đình ông Đinh Văn Tường, ở bản Mùng, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La – một trong những đặc sản của vùng lòng hồ sông Đà đã để lại nhiều ấn tượng cho bà con địa phương cũng như du khách thập phương.
Cũng như bao người dân vùng lòng hồ, gia đình ông Tường sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Nhưng thấy chỉ bán cá tươi thì rất phí, ông quyết định tìm tòi học hỏi để có thể chế biến ra thêm những sản phẩm từ cá, năm 2016 ông bắt đầu làm thử món cá chua.
Ban đầu ông Tường chỉ làm để phục vụ gia đình, bà con lối xóm. Sau 2 năm kiên trì, món cá chua của ông ngày càng được nhiều người ưa thích và đã lan rộng ra nhiều tỉnh như: Phú Thọ, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh.... Từ đó thu nhập của gia đình ngày một khấm khá và ổn định hơn.
“Ngày xưa thường đi đánh cá thì về tự làm, đầu tiên lấy chục cân xong về mổ, làm, cảm thấy mang ra bán khách hàng thích ăn và thích lấy thì bắt đầu gia đình mới làm. Làm ra bao nhiêu thì hết bấy nhiêu, hôm mùng 2/9 là hết sạch không còn tí hàng nào để bán” - ông Tường chia sẻ.
Món cá chua được làm từ nhiều loại cá có sẵn ở vùng lòng hồ sông Đà như: Cá mương, cá ngão, cá trắm, cá thiểu. Tuy là một món ăn đơn giản, dân giã như vậy, nhưng để làm ra được sản phẩm hoàn thiện thì phải rất tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian.
Cá nguyên liệu được rửa sạch rồi ngâm nước muối từ 3 - 5 lần.
Bước đầu là phần chọn nguyên liệu, để món cá chua được chất lượng tốt nhất thì phải chọn những loại cá có vẩy, tươi ngon; sau đó mang đi đánh vẩy, rửa sạch rồi ngâm nước muối từ 3 - 5 lần đến khi nước ướp của cá từ màu đỏ chuyển sang màu trắng nhạt vớt ra để ép hết nước cho khô, cá càng khô thì sẽ để được lâu ngày. Sau khi đã làm sạch và ép khô, cá sẽ được trộn đều với gia vị chủ yếu là hành khô, giềng. Bước cuối cùng là cho cá vào trong hộp để ngâm, để hoàn thiện, mang ra sử dụng và xuất bán thì phải ngâm từ 2 - 3 tháng cho gia vị ngấm đều và đủ độ chua của cá.
Ông Đinh Văn Tường và sản phẩm cá chua sông Đà.
Khi ăn, món cá chua có vị rất đặc trưng chua chua, mặn mặn, bùi bùi, tùy theo khẩu vị của từng người có thể cho thêm chút hạt tiêu, thêm ớt, thêm đường để ăn ngon hơn. Cá chua ngon nhất là ăn kèm với các loại rau thơm, rau sống, quả sung non, ngoài ra còn có thể ăn trực tiếp với cơm, làm đồ nhắm để nhâm nhi vài chén rượu.
“Tôi thấy món cá chua này rất đặc biệt, nó có vị đậm đà và rất là bùi, ông chồng nhà tôi và họ hàng rất thích ăn nên là tháng nào tôi cũng phải mua 1 đến 2 lọ về để gia đình dùng dần” - chị Hoàng Thị Thắm ở thành Phố Sơn La nói.
Khi đến với Tân Phong, du khách đừng quên thưởng thức món đặc sản cá chua Sông Đà. Vì khi đã thưởng thức một lần, các bạn sẽ muốn quay trở lại và thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ