Mô hình kinh tế Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Ngày đăng 25/08/2015

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Dù tuổi đã cao, lại là thương binh hạng 4/4 nhưng hàng ngày ông Phí Văn Chắc vẫn cùng gia đình tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.

Năm 2010, ông Chắc bắt tay vào nuôi thử nghiệm 30 đôi chim bồ câu. Sau thời gian chăm sóc và nhân giống, đến nay trong chuồng nuôi của gia đình ông luôn duy trì 150 cặp chim bồ câu sinh sản và hàng chục đôi bồ câu thương phẩm. Ngoài nuôi chim bồ câu, gia đình ông còn duy trì nuôi hàng trăm con ngan, gà, vịt thương phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Chim câu ông đang nuôi thuộc giống bồ câu Pháp, chuyên nuôi lấy thịt, mỗi năm mỗi cặp có thể đẻ từ 8 - 9 lứa, mỗi lứa đẻ 2 trứng, trọng lượng chim xuất chuồng bán lấy thịt đạt từ 350 - 400g/con, giống chim này có ưu điểm là thích ứng tốt với điều kiện địa phương.

Ông Chắc cho biết: “Qua thời gian nuôi, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tôi nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Chim bồ câu không khó nuôi bởi chúng rất ít bị bệnh, lại dễ tính, chỉ cần chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Về nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nước uống sạch. Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không đủ để cung cấp ra thị trường”.

Theo kinh nghiệm của ông Chắc, chuồng nuôi chim bồ câu phải thoáng mát thì chim mới mau lớn. Nếu là nuôi thả tự do thì chuồng nuôi yêu cầu phải có mái che mưa, nắng, có ổ cho chim mái đẻ trứng. Nếu nuôi chim để sinh sản và khai thác thịt cần có chuồng nuôi khác nhau. Chuồng nuôi phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh ồn ào. Nên chia chuồng thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim. Mỗi ô chuồng cần 2 ổ đẻ trứng và ấp trứng đặt ở trên, một ổ nuôi con đặt ở dưới. Để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Nếu nuôi chim để làm giống thì tiến hành tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 ngày tuổi, đối với chim nuôi lấy thịt là 18 ngày tuổi. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như: ngô, thóc và thức ăn công nghiệp nhằm bổ sung khoáng chất...

Ông Chắc cho biết thêm, hiện nay mặt hàng chim bồ câu thịt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới cần được quan tâm thực hiện. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, ông luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi tại địa phương và nơi khác đến học hỏi kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Ngoài ra, ông còn cung cấp, hỗ trợ con giống cho người dân các tỉnh, thành phố lân cận, tại đây cũng là đại lý thu mua, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.


Giá khoai lang tím Nhật tăng trở lại Giá khoai lang tím Nhật tăng trở lại Tỷ phú nuôi vịt trời ở Khánh Tiên (Ninh Bình) Tỷ phú nuôi vịt trời ở Khánh Tiên…