Làm giàu từ nuôi lươn an toàn sinh học tại Tiền Giang
Vốn là một địa phương thuần nông, những năm gần đây, nhằm tăng thu nhập và đa dạng hóa đối tượng cây trồng vật nuôi, người dân ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy đã học hỏi và thực hiện thành công mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học; điển hình trong số này có anh Nguyễn Minh Trí.
Gia đình anh Trí chỉ có diện tích canh tác là 5.000 m2 chủ yếu là sản xuất lúa do diện tích đất ít, thu nhập không đáng kể khoảng 30 triệu đồng/năm; sau khi tìm hiểu thị trường anh thấy giá lươn thịt luôn ở mức cao và ổn định nên quyết định thực hiện nuôi lươn thương phẩm.
Anh cho biết, ban đầu thiết kế 6 bể nuôi lươn, mỗi bể có diện tích 2,4x2,5x0,6 m, xây bằng xi măng có dán gạch men phía trong, có hệ thống cấp, thoát nước, giá thể là dây nilon buộc chùm thả xuống bể, duy trì mực nước nuôi 20 - 30 cm. Tổng số lươn thả là 13.200 con, tương ứng 2.200 con/bể, mật độ nuôi gần 370 con/m2. Hệ thống cấp nước có diện tích 20 m2 gồm giếng nước tầng nông có bể lọc và bể chứa nước. Thức ăn cho lươn là thức ăn hiệu Cagrill và Lái Thiêu cỡ viên 0,5 - 3 mm loại 40% đạm. Sau 12 tháng nuôi, anh Trí thu về 2 tấn lươn thịt, cỡ trên 200 g/con (tỷ lệ sống khoảng 70%). Giá bán lươn thương phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu là 180.000 đồng/kg, anh thu là 360 triệu đồng.
Qua mô hình nuôi lươn thương phẩm từ giống nhân tạo bằng thức ăn viên của mình, anh Trí cho biết nhờ nuôi lươn mà anh có cuộc sống ổn định, không chỉ dựa vào thu nhập từ cây lúa.
Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm có được trong thời gian thực hiện mô hình này; đó là:
- Mô hình có thể tận dụng diện tích trống xung quanh nhà, hệ thống lươn phải có mái che và không đất, giá thể nơi nuôi lươn là dây nilon, buộc chùm. Hệ thống cấp, thoát nước phải đầy đủ, nguồn nước không bị nhiễm phèn, không đục, nếu nguồn nước đủ ôxy thì lươn sẽ mau lớn.
- Lươn giống phải là giống nhân tạo, kích cỡ có thể từ 300 - 500 con/kg sẽ ít hao hụt hơn so với nuôi cỡ nhỏ. Sau 2 - 3 tháng nuôi, nên phân cỡ tách đàn ra nuôi riêng, vì con nhỏ không tách ra phát triển chậm do ăn ít hoặc bị con lớn ăn mất.
- Thức ăn nuôi lươn phải phù hợp từng giai đoạn phát triển nhưng có độ đạm càng cao càng tốt, tốt nhất là 40 - 44%. Mỗi ngày cho ăn 2 lần. Khẩu phần cho ăn hàng ngày vừa phải, không quá ít hay quá dư.
- Khi còn nhỏ lươn dễ bị bệnh xuất huyết đường ruột, do đó cần vệ sinh bể cẩn thận sạch sẽ; trộn thêm kháng sinh trị đường ruột cho lươn ăn.
- Thay 100% nước trước hoặc sau khi cho ăn tùy theo điều kiện. Trong quá trình thay nước nên vệ sinh đáy bể và giá thể dây nilon.
Hiện tại đầu ra sản phẩm lươn thịt rất ổn định, vì lúc nào cũng có công ty thu mua tiêu thụ sản phẩm. Anh Trí cho biết, đã tiếp tục xây thêm 18 bể mới, cộng với số bể cũ anh có 24 bể, để thả tiếp 50.000 con giống, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Có thể thấy đây là mô hình mới hiệu quả cao, không cần diện tích quá lớn để nuôi, giúp bà con vươn lên làm giàu, phù hợp với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp đô thị.
Chi phí quá trình nuôi lươn thương phẩm của anh Trí gồm: Chi phí tiền mua con lươn giống cỡ 500 - 600 con/kg là 66 triệu đồng; Thức ăn viên 60 triệu đồng; Khấu hao bể, nhà tiền chế… 12 triệu đồng; Thuốc thú y thủy sản 6 triệu đồng; Tiền điện và chi khác 12 triệu đồng. Tổng chi 156 triệu đồng. Từ mô hình này, anh lãi 204 triệu đồng/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ