Tin nông nghiệp Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp bằng cách nào?

Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp bằng cách nào?

Tác giả Hoàng Oanh, ngày đăng 11/10/2017

Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp bằng cách nào?

Chất thải cũng có thể giúp hái ra tiền. Những câu chuyện thực về phát triển kinh doanh từ các chất thải nông nghiệp dưới đây đã từng khiến nhiều người thốt lên: “Ồ, thì ra còn có thể làm như vây!”.

Sinh viên Bách Khoa làm tấm cách nhiệt từ bã mía, xơ dừa

Tham gia cuộc thi “Holcim Prize 2013 – Tôn vinh tài năng sáng tạo trẻ”, nhóm ba sinh viên đại học Bách khoa Đà Nẵng là Đoàn Nguyễn Vân Hiếu, Trương Thế Minh và Tạ Bảo Long đã mang đến ý tưởng “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp”.

Ý tưởng này đến với họ một cách ngẫu nhiên khi cả ba đang uống nước mía trước cổng trường, và thấy một lượng lớn bã mía bị đổ vào sọt rác rất lãng phí. Điều đó thôi thúc các bạn xây dựng một ý tưởng tận dụng nguồn phế phẩm này.

Sau một năm nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm đã biến ý tưởng thành thực tế và những tấm panel cách nhiệt làm từ các phế phẩm như bã mía, xơ dừa, rơm rạ… ra đời. Các nguyên liệu này, sau khi được nghiền nhỏ sẽ được trộn với keo kết dính và được đưa vào máy ép thành tấm, sau đó đem phơi khô là ra thành phẩm. Nhờ có chất keo kết dính đặc biệt mà các tấm panel này, ngoài khả năng chống nóng còn có tác dụng chống cháy, chống mối mọt.

Với nguyên vật liệu là chất thải đơn giản, dễ kiếm, cùng công nghệ sản xuất đơn giản, mỗi tấm panel 1m2 loại dày 20mm chỉ có giá 175.000 đồng, rẻ bằng một nửa giá của trần thạch cao hay trần nhôm. Quan trọng hơn, sản phẩm này rất thân thiện với môi trường, góp phần sử dụng hiệu quả các loại phế phẩm nông nghiệp đồng thời quá trình sản xuất không gây ra ô nhiễm như các chất liệu chống nóng khác.

Ý tưởng này của nhóm đã xuất sắc đạt giải đã nhận giải Bảo vệ môi trường trong cuộc thi “Holcim Prize 2013 – Tôn vinh tài năng sáng tạo trẻ”, cuộc thi dành cho sinh viên nhằm tôn vinh các ý tưởng đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Dùng phế phẩm nông nghiệp để nuôi trùn quế

Anh chàng cử nhân đại học Nông Lâm TP HCM Nguyễn Văn Sang lại khởi nghiệp bằng con đường nuôi trùn quế. Khi Sang còn đang theo học trong trường đại học, phong trào nuôi trùn quế đã phát triển ở Củ Chi quê anh để làm thức ăn cho tôm, cá và lấy phân trùn làm phân bón.

Với tư duy của sinh viên Nông Lâm, Sang rất hứng thú với con trùn bởi khả năng xử lý gọn gàng các loại chất thải nông nghiệp, biến chúng thành loại phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Ra trường, chàng cử nhân ôm ấp tham vọng mở một công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm từ trùn quế, vừa để làm giàu cho bản thân và gia đình, vừa để đảm bảo đầu ra cho những người nuôi trùn quế tại địa phương.

Sang bắt đầu nghiên cứu thêm các sử dụng nhiều mô hình kinh doanh trùn quế của nước ngoài và phát hiện ra rất nhiều lợi ích khác của con trùn mà bà con nông dân hiện vẫn chưa tận dụng được.

Tháng 10/2014, Công ty cổ phần Trùn quế Củ chi ra đời. Sang tận dụng khoảng trống 1000 mét vuông dưới tán cao su để nuôi trùn, đồng thời sử dụng các nguồn chất thải nông nghiệp sẵn có của trang trại gia đình và địa phương như phân bò, cỏ, rơm rạ, lá rụng, vỏ trái cây… để làm thức ăn cho trùn. Từ trùn quế, Sang xử lý và sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như phân trùn cho cây công nghiệp, cây công nghiệp, rau sạch và phong lan; dịch trùn quế để bón lá và bón gốc cho cây; trùn đông lạnh và trùn sấy khô làm thức ăn cho gia súc, tôm cá.

Một số sản phẩm như phân bón Vermis, Smin hay thức ăn bổ sung cho tôm Swa và Tomgo đã được bà con nông dân đón nhận nhiệt tình và phản hồi tốt về chất lượng. Hiện tại, mỗi tháng, công ty bán được khoảng 100 tấn phân bón, thu về hơn 100 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động.

Thức ăn chăn nuôi từ phế phẩm nông nghiệp được “xuất ngoại”

Ông Hồ Văn Sáu, một lão nông chính hiệu tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, đã khẳng định được điều đó khi phát triển thành công ý tưởng sản xuất thức ăn cho bò sữa từ các phế phẩm nông nghiệp.

Ông Sáu chia sẻ, ý tưởng này đến với ông khi ông nhận ra sự bất cập của nguồn thức ăn gia súc trong năm. Trong khi 6 tháng mùa mưa thì thức ăn cho trâu bò thừa mứa đến mức bà con phải vất đi rất nhiều nguồn thức ăn như thân cây ngô, lõi ngô, vỏ lạc vỏ đậu, rơm rạ… bởi không thể dùng hết mà cũng không dự trữ lâu được vì chúng rất nhanh thối, hỏng.

Trong khi đó, 6 tháng mùa khô lại hoàn toàn ngược lại, nguồn thức ăn khan hiếm khiến các loại gia súc gầy đi trông thấy. Sự bất cân bằng này khiến ông Sáu nảy ra ý phải làm thế nào đó để giữ lượng thức ăn thừa của mùa mưa để sử dụng vào mùa khô. Từ đó ông bắt đầu tìm tòi cách xử lý các phế phẩm nông nghiệp để chúng vẫn giữ được chất dinh dưỡng cho gia súc, đồng thời có thể bảo quản lâu hơn.

Ban đầu, ông Sáu sử dụng vỏ dứa để ủ chua thức ăn gia súc, sau đó ông biết dùng men để thay thế và áp dụng cách này cho đến tận bây giờ.

Bằng cách làm đơn giản này, hiện tại thức ăn chăn nuôi của ông Sáu không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn vươn tới một số thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông cho biết, trung bình mỗi tháng ông xuất khẩu 3.000 tấn thức ăn cho bò sữa sang các thị trường này, mỗi tấn có giá 115 USD. Nhẩm tính nhanh, chỉ riêng mảng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng ông thu về khoảng 345.000 USD, tương đương với hơn 7,5 tỷ đồng.


Xuất khẩu rau quả ước đạt 2,64 tỷ USD Xuất khẩu rau quả ước đạt 2,64 tỷ… Than sinh học và phân bón thế hệ mới Biffa Biochar Than sinh học và phân bón thế hệ…