Làm giàu từ trồng khoai lang Nhật
Thuê đất trồng khoai lang Nhật, anh Phạm Xuân Bình ở tỉnh Đắk Lắk thu tiền tỉ chỉ trong một vụ.
Ở thôn 4 thuộc xã Ea Tar (H.Cư Mgar, Đắk Lắk), anh Bình (37 tuổi) nổi tiếng là người chăm chỉ lao động, nhạy bén trong làm ăn. Hơn 10 năm trước, khi mới lập gia đình, trong tay không có nhiều vốn liếng, anh Bình khởi nghiệp bằng việc ươm cây giống để bán. Thị trường tiêu thụ mở rộng ra nhiều xã lân cận, nhu cầu cây giống tăng lên làm cho quy mô cơ sở ươm giống Phúc Bình của anh ngày càng lớn. Mỗi năm, anh cung cấp hàng vạn cây giống cà phê, tiêu, cao su, cùng các loại cây ăn trái đặc sản như bơ, sầu riêng… cho người dân trong vùng.
Qua những lần đưa cây giống đi bán, anh Bình tích lũy thêm kinh nghiệm làm nông của nhiều nơi; qua đó so sánh, đánh giá hiệu quả kinh tế các loại cây trồng trên từng vùng đất. Từ đó, anh nhận thấy trồng khoai lang Nhật Bản theo hướng hàng hóa là cách thu lợi cao chỉ trong thời gian ngắn.
Cuối năm ngoái, anh Bình nhận sang nhượng 3 ha đất vườn cao su thanh lý của một hộ trên địa bàn xã. Để cải tạo đất, đầu năm nay anh đưa vào trồng giống khoai lang Nhật. Không ngờ đất trồng cao su đã lâu nhưng vẫn còn màu mỡ, vụ đầu anh thu hơn 15 tấn khoai/ha. Đến vụ thu đông, anh Bình tìm gặp các hộ có đất cao su, cà phê già cỗi phá bỏ chờ tái canh để thuê lại với giá 10 - 12 triệu đồng/ha cho mỗi vụ trồng cây ngắn ngày. Tổng cộng diện tích đất thuê và đất nhà 43 ha được anh Bình đưa vào trồng khoai lang Nhật.
Tất nhiên, một mình anh không thể bỏ công cày cuốc trên diện tích đất “khủng” như thế. Ở mỗi công đoạn làm đất, đánh luống, bỏ phân, xuống giống, chăm sóc, làm cỏ cho khoai, anh đều thuê máy móc, nhân công. Lúc cao điểm, anh Bình thuê đến 70 lao động để làm cho kịp thời vụ. Theo anh Bình, trồng khoai lang Nhật dường như không khó vì đây là cây trồng ngắn ngày (4 - 5 tháng), phù hợp với hầu hết các vùng thổ nhưỡng, không quá kén chọn đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản. Giống khoai được anh đặt mua từ 2 doanh nghiệp ở Lâm Đồng. Đây cũng là những đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm khoai củ theo giá thị trường khi đến vụ thu hoạch.
“Trước khi trồng khoai, đất được bón lót phân chuồng đầy đủ, nhưng nhờ học hỏi kinh nghiệm nơi khác nên nhìn qua màu lá khoai là tôi biết mình nên bón thúc loại phân gì để khoai có đủ dinh dưỡng, phát triển tốt”, anh Bình chia sẻ. Anh cũng cho biết sau vụ thu đông sẽ tiếp tục thuê đất trồng tiếp vụ khoai đông xuân. Theo tính toán của anh, dù trồng khoai có tưới, chi phí cao nhưng vẫn có lãi hơn là để đất trống trong nhiều tháng mùa khô.
Hiện nay, diện tích khoai lang Nhật của anh Bình bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năng suất ruộng khoai được đánh giá đạt bình quân 18 tấn củ/ha, với giá khoai hiện tại 11 triệu đồng/tấn thì doanh thu ước gần 200 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí thuê đất và sản xuất gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cùng công chăm sóc, thu hoạch khoai khoảng 110 triệu đồng/ha. Như vậy, trừ đi chi phí đầu tư, vụ này anh Bình ước tính lợi nhuận hơn 3,5 tỉ đồng trên 43 ha khoai lang.
Ông Y Thôn Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Tar, nhận định trồng khoai lang hàng hóa với diện tích lớn của anh Phạm Xuân Bình là mô hình đầu tiên trong xã, được nhiều nông dân đánh giá cao. “Trước đây, người dân Ea Tar chỉ trồng khoai xen canh hoặc trên các mảnh rẫy nhỏ dùng để ăn hoặc lấy rau chăn nuôi. Nay nhận thấy cách trồng khoai quy mô lớn, dễ làm giàu của anh Bình, nhiều người trong xã cũng bắt đầu làm theo”, ông Y Thôn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ