Làm Giàu Từ Trồng Tre Vàng Sọc Xanh
Cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Trị, những năm gần đây, nông dân ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà phát triển khá mạnh mô hình trồng tre lấy măng.
Tuy nhiên, khác với các nơi khác chủ yếu trồng các loại tre như tre bát độ, tre điền trúc, tre gai… thì ở đây người dân lại trồng cây tre vàng sọc xanh, giống tre lâu nay được biết đến như một loại tre trồng làm hàng rào, làm cảnh. Đây là cây trồng được đánh giá có nhiều ưu điểm ở quy mô làm kinh tế gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Sang là một trong những hộ trồng tre đầu tiên và hiện có diện tích tre nhiều nhất ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn tre ông Sang vừa cho biết: “Sau khi xuất ngũ, trở về quê với hai bàn tay trắng, nhận thấy quê mình đất đai hoang hóa nhiều, tôi đã làm đơn xin địa phương khai hoang vùng đồi Tân Vĩnh để làm kinh tế. Bất kể nắng mưa, ngày nào tôi cũng đều đặn vác cuốc, rựa phát hoang cỏ tranh, tháo gỡ bom mìn còn sót lại.
Do đã trải qua quân ngũ nên việc tháo gỡ bom đạn đối với tôi là chuyện bình thường. Mất gần một năm, tôi mới khai hoang xong gần 3ha đất đồi. Lúc đầu tôi chọn trồng cây khoai lang, sắn và các loại cây ăn trái nhưng do đất đồi cằn cỗi cộng với khí hậu không phù hợp nên trồng cây nào là chết cây ấy, cây nào sống được thì cũng còi cọc...”.
Ông Sang cho biết thêm, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, ông không nản chí mà tìm tòi chuyển sang loại cây trồng khác. Nhận thấy cây tre vàng sọc xanh trước nay chủ yếu được trồng để chống xói mòn cho đất, làm hàng rào hoặc làm cảnh rất dễ trồng, cho măng nhiều lại có thể ăn được nên ông nảy ra ý tưởng đưa giống tre này lên trồng ở vùng đồi mà mình đã khai hoang. Ban đầu ông đưa 50 gốc tre vàng sọc xanh lên trồng thử nghiệm.
Lần này cây tre không chê đất cằn mà nhanh chóng phát triển và cho măng sau một thời gian ngắn. Thấy tre dễ trồng lại có đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác nên từ 50 gốc tre ban đầu, đến nay gia đình ông đã có hơn 500 gốc tre lấy măng.
Hiện vườn tre 1 ha của gia đình ông cho thu hoạch quanh năm. Cứ 3 ngày ông lại thu hoạch 1 lần, bình quân mỗi tháng vườn tre cho thu hoạch hơn 3 tạ măng tươi, với giá bán khoảng 25.000đ/kg đã mang lại thu nhập cho gia đình ông không dưới 90 triệu đồng một năm.
Theo ông Sang đặc điểm tre vàng sọc xanh là loại cây rất dễ sống, bất chấp hạn hán hay đất đai cằn cỗi vẫn cho măng quanh năm. Trong khi đó công chăm sóc và vốn đầu tư không đáng kể. Vùng đồi này là đất xấu, trước đây đã trồng nhiều loại cây nhưng đều không hiệu quả.
Thế nhưng khi trồng loại cây tre lấy măng này thì thấy chúng phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, không chỉ đáp ứng nguồn thực phẩm cho gia đình mà còn đem lại một khoản thu nhập khá lớn. Đầu ra cho cây măng hiện nay rất thuận lợi, thu hoạch được bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. So với trồng các các loại tre lấy măng khác như tre bát độ, tre điền trúc… chỉ cho thu hoạch được 6 tháng thì cây tre vàng sọc xanh này lại cho thu hoạch măng quanh năm.
Cách trồng cũng đơn giản. Ban đầu đào hố rồi bỏ cây xuống, sau đó chỉ cần vun gốc, sau khoảng 1,5 năm là bắt đầu thu hoạch măng. Bình quân mỗi gốc tre 1 năm cho thu hoạch từ 20 – 25 kg măng. Để tre phát triển tốt, cho măng nhiều thì cần phải vun gốc cho cây. Hàng năm vào mùa mưa phải tỉa thưa bớt tre để tái tạo cây mới. Ngoài ra cần phải bón thêm phân chuồng hoai mục để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Không dừng lại ở đó, tận dụng khe nước chảy qua ông đã đào 2 ao cá với diện tích 1ha thả các loại cá như cá trắm, mè, rô phi… Hiện nay mỗi năm 2 ao cá này đem về cho gia đình thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thuyết, cán bộ khuyến nông phường Đông Lương, không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế gia đình, ông Sang còn dành nhiều thời gian hướng dẫn và hỗ trợ cây giống cho bà con trong khu phố cùng phát triển kinh tế. Vì vậy từ 1 ha trồng tre lấy măng của gia đình, đến nay đã được nhân rộng ra toàn phường với tổng diện tích gần 20 ha, trong đó có hơn 15 ha trồng tre vàng sọc xanh. Có thể nói đây là mô hình mang lại hiệu quả khá cao.
Để cây tre vàng sọc xanh tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới UBND phường sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông Khuyến ngư thành phố Đông Hà tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích người dân đẩy mạnh các biện pháp thâm canh nhằm tăng sản lượng, tăng thu nhập. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tìm các đầu mối thu mua ổn định, để bà con có thể yên tâm phát triển sản xuất.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=58&modid=380&ItemID=88675
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ