Mô hình kinh tế Làm giàu từ vườn cây ăn trái

Làm giàu từ vườn cây ăn trái

Ngày đăng 11/07/2015

Làm giàu từ vườn cây ăn trái

Là người khởi xướng phong trào trồng cây ăn trái phát triển kinh tế gia đình và có thâm niên trồng cam lâu nhất ở ấp (hơn 10 năm), ông Ba Giang hiểu khá rõ về đặc tính của loại cây ăn trái này. Theo ông, cây cam rất phù hợp với vùng đất Cà Mau nói chung, huyện U Minh nói riêng. Khí hậu, đất đai ở vùng đất này thích hợp để cây cam phát triển tốt, ít bị bệnh. So với các tỉnh vùng trên như Vĩnh Long, Sóc Trăng, cây cam ở đây cũng có một số lợi thế. Thời gian cam cho thu hoạch đến khi tàn ở vùng đất này khoảng 10 năm, còn ở các tỉnh vùng trên chỉ khoảng 4 - 5 năm. Chất lượng trái cam cũng ngon hơn dù mẫu mã không đẹp bằng.

Lúc đầu ông Ba Giang trồng “thử nghiệm” 1.000 gốc cam sành trên đất bờ bao, với diện tích 1 ha. Mấy năm đầu, trung bình sản lượng trái cho thu hoạch từ 15 - 20 tấn. Thời điểm đó, giá cam chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng đem lại thu nhập gần 120 triệu đồng. Do chưa nắm vững kỹ thuật trồng cam nên thời gian sau cam bị bệnh vàng lá, ông Ba phải tỉa bỏ dần, chỉ còn lại 300 gốc. Vụ cam năm rồi cho thu hoạch 9 tấn, với giá các thương lái mua xô tại vườn 13.000 đồng/kg, thu nhập trên 110 triệu đồng.

“Lấy ngắn nuôi dài”, khi cam mới 1 - 2 năm tuổi, gốc còn nhỏ, ông Ba Giang trồng xen canh các loại rau màu ngắn ngày dưới các gốc cam. Thu nhập từ rau màu sẽ dùng để trả chi phí phân, thuốc cho việc trồng cây ăn trái.

“Hiệu quả kinh tế của trồng cây ăn trái so với làm ruộng cao hơn gấp 3 - 4 lần. Nếu 1 công tầm lớn làm ruộng thu nhập chỉ 5 triệu đồng thì trồng cây ăn trái phải từ 15 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc chăm sóc cũng nhàn hơn. Cây ăn trái là mô hình phát triển kinh tế chủ lực của gia đình. Dự định sang năm tới sẽ cho cơ giới vào cải tạo lại 1 ha đất bờ bao, tiếp tục trồng thêm 6.000 gốc cam nữa”, ông Ba Giang chia sẻ.

Chị Phạm Thị Liên, ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, trồng cam cách đây 4 năm. Nhận thấy cây ăn trái đem lại nguồn thu nhập khá cao, vợ chồng chị quyết định mua 600 gốc cam mật ở tỉnh Bến Tre về trồng trên đất vườn và đất trống trước nhà. Vườn cam nhà chị cũng cho thu hoạch được 2 năm, thu nhập trên 180 triệu đồng. Ðể tăng thêm thu nhập, cũng như ông Ba Giang, khi gốc cam còn nhỏ, chị Liên trồng xen canh dưa gang, cà pháo.

Chị Liên bộc bạch: “So với các loại cây trồng khác, trồng cam đem lại hiệu quả khá cao. Nhàn lắm, không cần phải làm cỏ, chi phí ít, đầu ra dễ dàng, xe tải vô thu mua tại nhà, không cần đem đi bán”.

Không chỉ linh hoạt trong việc lựa chọn giống cây trồng, nông dân còn nhạy bén trong việc tìm kiếm nguồn tiêu thụ. Trước đây, khi chưa tìm được chỗ tiêu thụ, ông Ba Giang phải đem từng thùng cam đến chợ bán. Không lâu sau, ông liên hệ được với các vựa ở Cà Mau, thế là bao nhiêu tấn cam đều được tiêu thụ dễ dàng. 2 năm gần đây ông còn “bắt mối” với vựa ở tỉnh Vĩnh Long. Do thời điểm vườn cam nhà ông cho thu hoạch đúng vào lúc cam ở các tỉnh vùng trên gần “đứt vụ” nên cam có giá cao.

Anh Huỳnh Ngọc Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hiện tại, diện tích vườn cây ăn trái ở địa phương trên 10 ha. Tập trung nhiều ở ấp 1, ấp 2 và ấp 3. So với các năm trước, diện tích tăng lên 3 ha. Hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn trái mang lại khá cao. Ngoài ra, bà con còn tận dụng diện tích đất trồng xen canh các loại rau màu tăng thêm thu nhập. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động bà con cải tại vườn tạp trồng các loại cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo”.

Cây ăn trái giúp không ít nông dân vươn lên khá, giàu. Ðể mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, các ngành liên quan, chính quyền địa phương cần mở các lớp tập huấn, hội thảo, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận kỹ thuật, tìm nguồn cây giống chất lượng cũng như giúp bà con định hướng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.


Chôm chôm được mùa, giá giảm mạnh Chôm chôm được mùa, giá giảm mạnh Áp dụng thành công mô hình trồng chanh tứ mùa tại Tiên Yên (Quảng Ninh) Áp dụng thành công mô hình trồng chanh…