Tin thủy sản Làm lồng nuôi cá bằng vật liệu ống nhựa HDPE

Làm lồng nuôi cá bằng vật liệu ống nhựa HDPE

Tác giả Nguyễn Hoa, ngày đăng 30/11/2017

Làm lồng nuôi cá bằng vật liệu ống nhựa HDPE

Dự án “Phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu đảm bảo sóng gió và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017” mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở các vùng biển Quảng Ninh. Dự án do Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai thí điểm cho 30 hộ dân ở 2 huyện Đầm Hà và Vân Đồn.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (bên phải) kiểm tra lồng nuôi cá bằng vật liệu ống nhựa HDPE. 

Gia đình ông Nguyễn Sỹ Bình, thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn là một trong những hộ dân được mời tham gia Dự án. Ông Bình đã tự mày mò nghiên cứu, thiết kế lồng bè nuôi cá và hàu bằng vật liệu ống nhựa HDPE theo đúng mục đích, nhu cầu sản xuất của mình. Ông chia sẻ: Từ những năm 1998, tôi đã được biết đến vật liệu ống nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản khi làm nhân viên của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ tại Vân Đồn. Sau khi Công ty giải thể, tôi đã tiếp quản diện tích nuôi trồng thủy sản mà họ thuê trước đây, đồng thời mua bè nuôi cá bằng nhựa HDPE.

Tuy nhiên, khung lồng bằng nhựa HDPE của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ để lại khó có thể ứng dụng với điều kiện canh tác theo hộ cá thể. Do đó, ông Bình đã bắt đầu tự mày mò nghiên cứu, thiết kế lồng bè nuôi cá phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ gia đình. Đặc biệt hơn, từ năm 2016, gia đình ông Bình đã được Chi cục Thủy sản tỉnh mời tham gia Dự án “Phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu đảm bảo sóng gió và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017”. Ông Nguyễn Sỹ Bình phấn khởi nói: Khi được Chi cục Thủy sản tỉnh giới thiệu về ống nhựa HDPE, tôi mừng vì cùng chung ý tưởng với mình, nên tôi đang huy động vốn của gia đình để mở rộng mô hình nuôi cá lồng bè bằng ống nhựa HDPE.

Được biết, nhựa HDPE có ưu điểm là độ kín nước và kín hơi cao; có tuổi thọ lớn khi sử dụng; có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; có độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Đặc biệt, ống nhựa HDPE có tính kinh tế cao do giá thành rẻ hơn các loại khác. Từ đó có thể giảm thiểu được các chi phí thi công. Ngoài ra ống nhựa HDPE có trọng lượng nhẹ có thể cắt giảm được chi phí nhân công và chi phí vận chuyển.

Ông Bình ứng dụng ống nhựa HDPE vào nuôi hàu. 

Theo thiết kế của ông Bình, hệ thống nuôi cá lồng bè bằng ống nhựa HDPE gồm 3 bộ phận chính: Khung lồng, túi lưới, neo. Khung lồng là 1 vòng phao nổi làm bằng nhựa HDPE theo hình vuông. Các ống nhựa kết nối với nhau bằng dây cước hoặc dây nhựa HDPE thay cho kết nối bằng Inox có giá thành cao, độ bền kém.

Với kết cấu đơn giản nên việc lắp đặt, thi công và sử dụng lồng rất dễ mà giá thành lại rẻ. Theo ông Bình so sánh thì bè nuôi cá bằng ống nhựa HDPE cao hơn bè bằng gỗ khoảng 20%. Tuy nhiên, độ bền của lồng bè bằng HDPE lại cao, dễ mua trên thị trường. Trong khi đó, gỗ ngày càng khan hiếm, giá thành cao, độ bền thấp.

Hiện tại, gia đình ông Bình đã mở rộng hệ thống bè nuôi cá bằng ống nhựa HDPE là 30 ô lồng với diện tích 270m2. Ngoài ứng dụng ống nhựa HDPE trong làm bè nuôi cá, ông Bình đã cải tiến ứng dụng trong nuôi hàu, với 10 bè, diện tích 640m2.  Ông Nguyễn Sỹ Bình cho biết: Ngoài làm cho gia đình, tôi cũng đang hỗ trợ bà con trong HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch Phất Cờ làm lồng bè nuôi cá bằng ống nhựa HDPE. Đồng thời, tôi sáng chế thêm thuyền di chuyển trong gia đình bằng ống nhựa HDPE.

Ngoài vật liệu ống nhựa HDPE thì Dự án còn mở rộng thêm các vật liệu thân thiện với môi trường khác để nuôi trồng thủy sản, như: Thùng phi nhựa HDPE, ống thép mạ kẽm nhúng, Inox…

Ứng dụng ống thép mạ kẽm nhúng và thùng phi nhựa để làm bè nuôi cá của hộ ông Nguyễn Huy Mạnh, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. 

Ông Nguyễn Huy Mạnh, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn là một trong những hộ tiên phong sử dụng ống thép mạ kẽm nhúng và thùng phi nhựa để làm bè nuôi cá. Hiện nay, ông Mạnh đã đóng được bè nuôi cá 60m2, với 4 ô lồng. Ông Nguyễn Huy Mạnh cho biết: Theo tìm hiểu, tôi được biết ống thép mạ kẽm nhúng có rất nhiều ưu điểm, nổi bật là khả năng chịu lực rất tốt và có thể sử dụng ở môi trường nước biển nên tôi đã mạnh dạn sử dụng để đóng bè nuôi cá. Ống thép còn có lớp phủ mạ kẽm bên ngoài tạo nên một lớp bảo vệ, ngăn chặn sự hình thành của gỉ sét, chống ăn mòn, chống oxi hóa giúp gia tăng tuổi thọ cho lớp ống thép bên trong.

Đây là vật liệu khá mới do đó, ông Mạnh đã tự nghiên cứu và thuê người gia công theo ý tưởng của mình. Theo tính toán, bè nuôi cá bằng ống thép mạ kẽm có diện tích 60m2 cần chi phí là 40 triệu đồng. Theo ông Mạnh, giá trị của bè ống thép mạ kẽm chỉ đắt hơn 10-20% so với bè gỗ. Trong thời gian tới, gia đình ông Mạnh tiếp tục thay thế dần dần các bè nuôi cá bằng gỗ sang các vật liệu thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất và chủ trương của nhà nước.

Ông Trần Duy Chinh, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh, Tổ trưởng Tổ Dự án, cho biết: Các loại vật liệu mới này đều có ưu điểm là độ bền cao, dễ áp dụng, nguyên vật liệu có sẵn. Mặc dù giá thành cao hơn lồng truyền thống nhưng đổi lại độ bền cao, chịu được sóng gió ở môi trường biển. Hơn nữa, vật liệu mới còn góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng rằng đây sẽ là cơ sở để người nuôi trồng thủy sản nắm bắt ứng dụng nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.


Bảo quản cá nục bằng chế phẩm sinh học: Cần nhân rộng Bảo quản cá nục bằng chế phẩm sinh… Nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP Nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP