Tin nông nghiệp Làm nông hữu cơ kiểu Úc

Làm nông hữu cơ kiểu Úc

Tác giả TS Nguyễn Văn Kiền, viết từ Canberra, Úc (theo TGTT), ngày đăng 24/04/2019

Làm nông hữu cơ kiểu Úc

Ở thành phố Adelaide, thủ phủ của Nam Úc, các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn, họ làm rượu và nhiều sản phẩm khác. Đặc biệt là mô hình giáo dục nuôi trồng thuỷ sản của nông dân.

Vườn rau hữu cơ cộng đồng tại TP Canberra, Úc, được quản lý bởi hội Người trồng rau hữu cơ TP Canberra. Ảnh: NVK.

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm chương trình đào tạo và hội thảo tại hai quốc gia” do quỹ Small Grants Fund của Chính phủ Úc dành cho cựu học sinh Úc, một nhóm nhà nghiên cứu gồm TS Nguyễn Văn Kiền, ThS Lê Ngọc Hiệp, và ThS Nguyễn Văn Thái thuộc ĐH An Giang đã có chuyến thực địa các mô hình hữu cơ tại Úc từ ngày 15 – 29/3/2019. Từ Úc, TS Nguyễn Văn Kiền có bài viết gửi cho TGTT, ghi nhận những trải nghiệm thú vị về chuyến đi này.

Khuyến khích làm hữu cơ cộng đồng

Tại thủ đô Canberra, tới vườn rau Charnwood Garden, hoạt động hơn 30 năm nay và gặp gỡ hội trồng rau hữu cơ (Canberra Organic Growers Society), chúng tôi học được cách vận hành vườn rau hữu cơ cộng đồng của thành phố ngay từ đầu của giai đoạn chuyển đổi.

13 vườn trồng rau hữu cơ tại Canberra được phân bổ đều ở các khu dân cư, mỗi vườn có diện tích vài hecta. Người dân tới vườn rau hữu cơ thuê chừng 30 – 40m2 đất với giá rất ưu đãi (chủ yếu tiền thuê đất để chi trả phí tưới nước), họ trồng rau hầu như để sử dụng trong gia đình hoặc chia sẻ trong nhóm nếu ăn không hết, đôi khi tặng người thu nhập thấp chứ không được bán. Nhiều người nói họ chưa từng làm nông, nhưng tại đây có thể học lẫn nhau những kỹ năng canh tác hữu cơ (ủ phân compost để trồng rau và tuyệt đối không dùng hoá chất).

Ở thành phố Albury, bang New South Wales có trung tâm Môi trường quốc gia (National Environmental Center), có mô hình nuôi trồng thuỷ sản và chương trình đào tạo nghề. Sau khi hoàn thành khoá học được cấp văn bằng nông nghiệp hữu cơ, văn bằng cấp phép và văn bằng bảo tồn.

Chuyên gia quản lý và đào tạo nông nghiệp hữu cơ cho biết, bên cạnh những học viên đến trung tâm học, làm việc cho các trang trại hữu cơ rồi sau đó xin việc làm dài lâu, trung tâm có mô hình đào tạo online. Mỗi năm có gần 100 học viên từ nhiều nơi trên thế giới đăng ký học, hầu hết đều có trang trại sẵn, học từ xa để thực hành hữu cơ trên trang trại của họ.

Hội Nông nghiệp hữu cơ (OAA) có vai trò quan trọng trong việc kết nối những người trồng hữu cơ. Ông Alan Broughton, phó chủ tịch OAA, cho biết cách làm của hội là phát triển mô hình trang trại trồng hữu cơ quy mô lớn, các nông dân nuôi bò sữa, các trang trại quy mô nhỏ và các chợ, cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ. Ở thành phố Adelaide, thủ phủ của Nam Úc, các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn, họ làm rượu và nhiều sản phẩm khác. Đặc biệt là mô hình giáo dục nuôi trồng thuỷ sản của nông dân.

Nông dân trồng lúa hữu cơ Peter Randal, bán gạo 12 đô la Úc/kg. Ảnh: NVK.

Học gì từ mô hình hữu cơ Úc?

Nông dân Úc sử dụng hoá chất từ năm 1945, họ bắt đầu chuyển đổi khoảng 30 năm nay. Một số bài học trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Úc:

1/ Nông dân chuyển từ thâm canh có sử dụng hoá chất sang hữu cơ, là vì hiểu được tác động của thuốc trừ sâu và hoá chất trong việc canh tác, đến sức khoẻ gia đình và cộng đồng, suy thoái môi trường đất, nước, đa dạng sinh học. Hàng năm tỷ lệ nông dân chuyển đổi sang hữu cơ tăng và yếu tố kinh tế phải đứng sau yếu tố sức khoẻ và tính ổn định, bền vững của sản xuất.

2/ Hầu hết nông dân chuyển sang hữu cơ được chứng nhận hữu cơ. Đó là thước đo để tăng lòng tin và giá bán cao hơn hàng không chứng nhận.

3/ Nông dân được hướng dẫn tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng phụ phẩm của sản phẩm hữu cơ của ngành này phục vụ đầu vào cho ngành khác. Ví dụ tận dụng nguồn phế thải của yogurt hữu cơ để làm đầu vào cho chăn nuôi, làm thức ăn cho heo hữu cơ.

4/ Phát triển thị trường tiêu thụ hữu cơ rất đa dạng. Mỗi vùng trồng, nuôi hữu cơ đều có phiên chợ cuối tuần (chợ farm) để cho người trồng hữu cơ mang sản phẩm ra bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người mua và người bán có dịp trao đổi với nhau về sản phẩm mình làm ra, từ đó tăng lòng tin.Nhiều người tiêu dùng đến thăm các trang trại của nông dân làm hữu cơ.Các siêu thị trưng bày riêng một góc hàng hữu cơ và các cửa hàng bán lẻ, các quán cà phê, nhà hàng bán sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ.Chính vì vậy sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ nhiều hơn, giá mặt hàng hữu cơ ít bị biến động, trong khi giá các mặt hàng không chứng nhận luôn dao động.

5/ Tại nước Úc có một số cơ quan chứng nhận hữu cơ như NASAA/NCO, BFA.Mỗi tổ chức đều có tiêu chuẩn chứng nhận riêng, nhưng phải dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, khi chứng nhận sản phẩm hữu cơ phục vụ xuất khẩu, thì các tổ chức này phải theo chuẩn của quốc gia, và chuẩn này được thừa nhận bởi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật…

6/ Quy trình chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ được tuân thủ chặt chẽ. Tổ chức chứng nhận là đơn vị thứ ba, không bị chi phối bởi nông dân hoặc cơ quan chính phủ.

7/ Người nông dân rất cần chứng nhận hữu cơ, thực ra vẫn có người e ngại thủ tục, giấy tờ rất phức tạp,  dễ “mất hứng” chuyển đổi. Do đó, các hiệp hội hữu cơ rất quan trọng, họ thường xuyên đào tạo nông dân để giúp nông dân ghi chép, làm đúng quy trình canh tác, thì việc chứng nhận không có gì khó.


8 bước để nhà nông đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS 8 bước để nhà nông đạt chứng nhận… Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (23 - 29/4) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong…