Tin nông nghiệp Làm nông trên cát

Làm nông trên cát

Tác giả Châu Tấn, ngày đăng 12/10/2018

Làm nông trên cát

Lâu nay chúng ta thường cho rằng vùng đất cát khó sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã không còn, khi mà nhiều người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thâm canh, chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Phương Trung (xã Bình Trung, Thăng Bình) chăm sóc giống bí đỏ Kuriyama - Nhật trồng trên cát. Ảnh: Châu Tấn

Những nông dân tiên phong

Trong 3 năm gần đây, nhiều nông dân các địa phương vùng cát thị xã Điện Bàn mạnh dạn đưa cây măng tây xanh trồng trên đất cát. Ngành nông nghiệp cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc nên năng suất, chất lượng cây măng tây xanh khá cao, vì thế diện tích loại cây này không ngừng tăng lên. Ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn Hà My Tây, phường Điện Dương nói, lâu nay bà con nông dân chưa biết cách phát huy hiệu quả của vùng đất cát, nhiều diện tích bỏ hoang, khô cằn. Từ khi ngành chức năng hướng dẫn cách thức sản xuất, tư vấn đưa cây măng tây xanh vào trồng, bà con nhận thấy sản xuất nông nghiệp trên cát rất thuận lợi khi chọn được loại cây phù hợp, cho hiệu quả kinh tế khá cao. “Bây giờ có điện đến tận ruộng nên khâu nước tưới khỏi phải lo, việc còn lại làm sao để măng tây xanh cho năng suất, chất lượng cao nhất. Cũng nhờ cán bộ trạm khuyến nông hướng dẫn bà con cách bón phân sao cho hiệu quả và tiết kiệm, cây trồng hấp thu hết dinh dưỡng, không để tồn dư ảnh hưởng đến môi trường đất” - ông Hoàng chia sẻ.

“Để giúp bà con nông dân hướng đến bước cao hơn, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào trồng trọt trên vùng cát, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức cho bà con tham quan, học tập nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hướng dẫn cách sử dụng nước tiết kiệm, phương thức bón phân, chăm sóc các loại cây cao cấp, giá trị kinh tế cao… Một số nông dân đã khá thành công từ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên vùng cát, mở hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ”. (Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)

Thị xã Điện Bàn là một trong những địa phương có diện tích cây măng tây xanh trồng trên cát nhiều nhất Quảng Nam, với 22 hộ nông dân (ở 3 phường Điện Dương, Điện Nam Trung và Điện Ngọc) sản xuất măng tây xanh trên diện tích hơn 3ha theo hướng hữu cơ. Sản phẩm làm ra đều đảm bảo tiêu thụ hết, do nhu cầu thị trường ưa chuộng loại thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng này hiện nay khá ổn định. Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, hiện nay mỗi hộ trồng măng tây xanh ở vùng cát Điện Bàn thu hoạch 2 - 3kg sản phẩm mỗi ngày, tư thương thu mua tại ruộng giá 75.000 - 80.000/kg. Như thế, người trồng măng tây xanh có thể thu được hơn 80 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cho lãi hơn 40 triệu đồng.

Tại huyện Thăng Bình, anh Nguyễn Phương Trung (xã Bình Trung) là một trong những người tiên phong đưa nhiều loại giống mới như bí đỏ Kuriyama, đậu bắp Okura, khoai lang Beng Larula… vào trồng trên 10ha diện tích vùng cát. Anh áp dụng tưới tự động theo mùa, tùy thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm điện, nước tưới, hạn chế một số bệnh cho cây trồng. “Đất cát rất thuận lợi trong việc bón phân, can thiệp sinh học, hầu như ít bị ảnh hưởng trực tiếp từ các mối nguy hại khác cho cây trồng. Đất cát giống như loại đất sạch, vì thế phải tìm hiểu thật kỹ đối tượng cây trồng, nhu cầu dinh dưỡng và sản phẩm phải quy hoạch theo từng vụ, từng mùa… Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, các giống cây tôi đưa trồng trên vùng cát này lên xanh tốt và cho năng suất cao” - anh Trung nói.

Phù hợp sản xuất nông nghiệp hiện đại

Quan niệm vùng đất cát bạc màu, năng suất cây trồng bấp bênh không còn đúng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại. Các nhà khoa học cho rằng, đất cát rất dễ trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và những loại rau cao cấp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Khi bà con nông dân hoàn toàn chủ động về nước tưới, việc tiếp cận phương thức chăm sóc và bón phân thông qua internet dễ dàng thì việc sản xuất cây gì trên vùng cát không còn là thách thức. TS. Nguyễn Thanh Phương - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho biết: “Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đất cát có nhiều yếu tố thuận lợi. Đất cát dùng làm giá thể để ươm trồng nhiều loại cây khó tính, giống rau củ quả cao cấp. Người nông dân có thể điều khiển được dinh dưỡng cho cây trồng và như thế chi phí sản xuất thấp nhất, chất lượng, năng suất cây trồng sẽ cao hơn, có thể sản xuất nhiều loại cây trồng hơn so với các vùng đất khác”.

Theo PGS-TS. Trần Thị Thu Hòa (Trường Đại học Nông lâm Huế), nhiều nước đang tập trung vào xu hướng sản xuất hữu cơ, chính vì thế Quảng Nam nên hỗ trợ nông dân phát triển rau màu theo hướng này trên vùng cát, sẽ rất hiệu quả. Để làm được điều này, địa phương phải tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức của nông dân, để họ hiểu những thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp trên đất cát. Đặc biệt, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh để phát triển cây rau đáp ứng yêu cầu nông nghiệp chất lượng cao. Như thế nông dân có thể làm giàu, phát huy tối đa hiệu quả của đất cát…

Sản xuất nông nghiệp trên cát được xem là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng là hướng mở có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để người dân áp dụng khoa học và yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập trên vùng cát vốn còn nhiều khó khăn.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói, lâu nay bà con nông dân vùng cát canh tác theo phương thức truyền thống, trong khi đó đất cát thường khô cằn, nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống điện thủy lợi đưa ra tận ruộng, nông dân lấy nước ngầm bơm tưới cho cây trồng, nên sản xuất trên cát rất thuận lợi.


Cần Thơ: Nuôi gà sao “khỏe” hơn gà ta Cần Thơ: Nuôi gà sao “khỏe” hơn gà… Vườn cây trái trên đất lúa Vườn cây trái trên đất lúa