Làm sao để cam quít không bị ngài chích?
Hằng năm, khi gió bấc đã thổi già và bông so đũa trổ trắng cành thì mùa quít cũng bắt đầu chín rộ ở miệt đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hai loại quít đường và quít tiều. Tuy vậy nhiều nhà nông vẫn chưa thu hoạch vội mà thường treo chờ đến cuối năm để bán tết mới có giá.
Nhưng treo trái ở trong vườn là một điều khó vì phải chống chỏi cho cành đừng gãy, đêm đêm phải canh ăn trộm và đặc biệt là phải phòng trừ bướm đêm (ngài) chích trái...
Năm nay được mùa quít đường nên bướm cũng xuất hiện sớm và nhiều hơn. Trái quít lúc này chín vàng và thơm mùi ngọt lịm đã quyến rũ nhiều loại bướm tấn công. Luận án thạc sĩ của anh Trần Vũ Phến (Đại học Cần Thơ) cho biết có trên 10 loài, trong đó hai loài có mật số cao và gây hại lớn nhất là Eudocima salaminia và Othreis fullonia thuộc họ ngài đêm Noctuidae, bộ bướm Lepidoptera. Đây là các loài bướm đêm có hình dạng và tập quán sinh sống rất đặc biệt.
Bướm E. salaminia có sải cánh rộng 85-90 mm, cánh trước có màu nâu như lá khô để ngụy trang khi đậu trốn ban ngày, cánh sau lại có màu vàng rực với đốm đen hình mắt rắn để xòe ra hù dọa thiên địch khi chúng đang chích hút trái ban đêm.
Bướm O. fullonia hơi lớn hơn, sải cánh 95-98mm, cũng có cấu trúc màu sắc để vừa ngụy trang vừa hù dọa theo cách tương tự. Các loài bướm đều bay khỏe, xuất hiện vào lúc chiều tối cho đến giữa đêm, miệng là vòi hút đặc biệt với nhiều gai nhọn ở cuối để có thể xoi thủng vỏ trái chín, hút nước ngọt bên trong. Vết chích của bướm sẽ tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn gây thối trái, vàng rồi rụng hàng loạt trong mùa thu hoạch.
Bướm không sinh sản trong vườn cam quít mà bay xa đến các khu hoang dại rậm rạp để đẻ trứng trên lá non của nhiều loại dây leo như dây lá mối (Stephania japonica), dây thần thông (Tinospora tomentosa), hay cây trâm bầu...
Sâu của chúng có hình dạng kỳ dị nhằm ngụy trang để tránh né kẻ thù. Khi bị động thì sâu cong mình lại, nằm bất động như chiếc lá hay cành khô, đầu giấu xuống dưới mà đuôi vươn cao để nếu có bị tấn công thì còn đầu để tự vệ. Thời gian phát triển của sâu độ 3-4 tuần.
Khi đủ lớn thì sâu làm nhộng trong lá khô hay trong đất (gần hai tuần) và khi trưởng thành thì bướm bay xa để kiếm ăn. Bướm cái có thể ăn nhiều, sống đến ba tuần và đẻ 300-400 trứng. Chúng có thể tấn công nhiều loại trái chín khác như nhãn, chôm chôm, xoài, vú sữa, chuối...
Để bảo vệ trái từ nay cho đến tết và có chiến lược phòng trừ lâu dài, cần áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Nên dọn dẹp các nơi có cây hoang dại quanh vườn, nhất là các loại dây leo nói trên để tránh làm nơi sinh sản của ngài chích trái. Điều này thật sự quan trọng và khó ở những nơi đang khai phá rừng hoặc đất hoang để trồng cây ăn trái, như kinh nghiệm ở Phú Quốc, nông trường ở Bình Phước.
2. Nên dùng đèn pin để kiểm tra ban đêm bằng cách rọi lên các chùm trái đã bắt đầu chín để phát hiện sớm khi mật số bướm còn ít, dễ cho công tác phòng trừ. Có thể dùng vợt để bắt bướm ban đêm và ban ngày thì dọn dẹp các chùm lá chuối khô trong vườn để loại trừ nơi trú ẩn của bướm.
3. Có thể dùng trái cây đã chín ngọt và thơm để nhử bướm vào ban đêm như chuối, ổi, khóm... Kinh nghiệm của nhà vườn ở Cần Thơ cho thấy tốt nhất là dùng trái chuối xiêm thật chín, lột vỏ và xâm đều trên trái rồi tẩm trong dung dịch thuốc trừ sâu như Basudin, Sumithion, Vertimec..., đem treo rải rác trong vườn có trái chín vào ban đêm để quyến rũ bướm đến ăn và chết.
4. Có thể phun thuốc trừ sâu bảo vệ trái chín theo nguyên tắc “4 đúng” của IPM và bảo đảm thời gian cách ly cần thiết trước khi thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ