Lâm Thao Thử Nghiệm Mô Hình Nuôi Ếch Thái Lan Thương Phẩm Công Nghệ Mới
Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, năm 2014, Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm bằng lồng hở tại một số xã, thị trấn trong huyện. Bước đầu mô hình này cho kết quả khả quan.
Qua tham quan học tập thực tế tại Hà Nam, gia đình anh Triệu Văn Hòa - thị trấn Lâm Thao đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo ao, khu vực nuôi, làm lồng và bắt 2 vạn ếch giống về nuôi.
Quá trình nuôi, anh và nhiều hộ gia đình được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật, cung ứng nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời thường xuyên được giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, nhờ đó đàn ếch phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả từ việc nuôi ếch, anh còn kết hợp thả cá, vừa tận dụng thức ăn dư thừa và phân của ếch làm thức ăn cho cá, vừa có tác dụng làm sạch nước và môi trường ao nuôi.
Theo các hộ chăn nuôi, ếch Thái Lan dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp, thời gian nuôi ngắn, khoảng 70 - 75 ngày là cho thu hoạch. Trung bình 1 lồng có 7.000 con, sau hơn 2 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng 200 - 250 g/con, một lồng có thể đạt 1 tấn ếch thương phẩm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu lãi 50%.
Những năm trước đây huyện Lâm Thao đã triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm bằng lán trại và cũng đạt kết quả khá tốt, song mô hình không được duy trì và nhân rộng do khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Năm nay Trạm khuyến nông huyện đã liên kết tìm thị trường ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi, bởi vậy bà con khá yên tâm. Tuy nhiên để nghề nuôi ếch phát triển bền vững, huyện chủ trương chỉ phát triển theo quy hoạch, đúng số lượng theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu.
Anh Hà Ngọc Giang - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao cho biết: Để nghề nuôi ếch phát triển bền vững, huyện chỉ đạo bà con chỉ phát triển tổng đàn theo cam kết, theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết, đảm bảo nghề nuôi ếch đem lại lợi ích kép, vừa tận dụng phế thải trong chăn nuôi, vừa tăng hiệu quả kinh tế.
Nếu phát triển theo đúng định hướng, nghề nuôi ếch sẽ là hướng đi thích hợp cho bà con trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình, nhất là ở những trang trại nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ