Làng Nổi Cá Mú Lao Đao…
Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…
Buổi chiều nóng hanh giữa tháng 4/2014, gặp anh Trần Hữu Đại ở thôn Phú Long, xã Long Hải thẩn thờ từ dưới khu vực lồng bè đi lên, chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm, anh trầm tư một lát rồi mới mở lời: “Tôi cũng đang khổ sở với cá mú đây, bao nhiêu vốn đổ ra, bây giờ xem như đi hết”.
Chúng tôi được anh dùng chiếc ca nô chở ra bè để thấy vài chiếc lồng… chỉ lưa thưa cá bớp, Đại nói: “Nhiều năm nay, tiểu thương mua tại chỗ giá cá mú cọp loại I (mỗi con nặng 600 gam đến dưới 1 kg) thường ở mức cao 350 ngàn - 400 ngàn đồng/kg; nhưng từ trước Tết Giáp Ngọ đến giờ rớt giá thê thảm, chỉ còn lại 240 ngàn đồng/kg; cá loại II (1 kg- dưới 2 kg) giá 170 ngàn- 190 ngàn đồng/kg; mà họ cũng không muốn mua nữa. Chủ lồng bè cầm cự nuôi thêm chờ giá tăng thì chỉ có lỗ nặng, tốn tiền thức ăn.
Lần lữa mãi hơn ba tháng nay, tôi đã xuất bán gần hai tấn cá mú cọp loại II, mỗi con nặng trên 1 kg, chỉ ở mức giá ấy, chịu lỗ gần 200 triệu đồng. Bây giờ thâm thụt vốn lớn rồi, tôi đã tháo lồng một nửa, còn lại đang nuôi thay thế một, hai loại khác”… Trong câu chuyện Đại san sẻ, chúng tôi biết thêm trước đó, quá trình nuôi cá mú cọp từ con nhỏ thành thương phẩm của người thanh niên này vô cùng gian truân.
Anh mua hơn 2.000 con giống cá mú cọp từ những ngư dân đánh bắt trong vùng đem về nuôi trong nhiều lồng bè; hàng ngày đều đặn vào buổi xế trưa cho ăn một lần bằng các loại cá mòi, nục tươi chặt thành lát nhỏ. Khoản chi phí thức ăn cho cá trong vòng hơn một năm đến khi thành phẩm cũng lên tới 100 ngàn đồng/con. Quá trình nuôi thời gian dài, cá cũng bị hao hụt số lượng một ít.
Tính chung, các khoản (giống, thức ăn), vốn mới đầu tư mua vật liệu từ đất liền ra làm 20 lồng bè trên biển 200 triệu đồng, tổng cộng kinh phí khoảng 600 triệu đồng cho thời gian nuôi đợt này kéo dài đến 16 tháng. Trong khi tiền bán cá mú ở dưới xa mức ấy, chưa tính công chăm sóc nuôi dưỡng cá gần một năm rưỡi. Không riêng gì Đại, làng bè thôn Phú Long chừng 50 hộ nuôi cá mú cọp, thì nay khoảng một nửa tháo bè lên bờ, tìm việc khác làm.
Trong vùng biển Lạch Dù này, liền đó làng bè nổi ngư dân xã Tam Thanh cũng hơn 50 hộ nuôi (cả hai xã trên có 108 hộ nuôi/1.837 lồng). Cùng cảnh tương tự, lồng bè nổi tiếng một thời này, giờ không còn đông đúc như trước. Ở đây cũng đã có vài chục hộ tháo bè giãi bản, số đông còn lại với kinh nghiệm nuôi cá gần 20 năm qua, nay chuyển sang một vài loài hải sản đang có giá nhỉnh hơn.
Đứng trên bè cá khá rộng, anh Phạm Quang Phong cho hay: “Trong tháng trước tôi xuất bán một tấn mú cọp loại II chỉ được 190 triệu đồng, xem như lỗ đứt 100 triệu đồng tiền giống, thức ăn hơn năm qua. Tôi đang nuôi thử một vài giống khác, mong vớt vát chút đỉnh”.
Dưới cái nắng hanh hao xế trưa, chúng tôi thấy dưới làn nước biển xanh là những lồng cá bớp, cá chim, chình biển mà anh mua lại của những người đánh bắt, nhốt nuôi. Phong chỉ tay ra mấy bè bên cạnh nói tiếp, những lồng xung quanh cũng vậy, họ đang nuôi hải sản thay thế như tôi; chứ không dám mạo hiểm với giống cá mú cọp như trước.
“Chỉ hơn một năm nay, làng bè Tam Thanh, Ngũ Phụng ở vịnh Lạch Dù thua lỗ không dưới 10 tỷ đồng từ nuôi cá mú cọp. Nghề này phát triển làm ăn được lâu nay, không có năm nào như thời gian này, giá cá mú xuất khẩu này lại rớt thê thảm như vậy”, Phong cho hay.
Theo vài tiểu thương múa cá mú ở Phú Quý cho biết, cá mú cọp ở đây chở ra Nha Trang (Khánh Hòa) xuất đi Trung Quốc bằng đường biển lâu nay; nhưng gần sáu tháng qua, phía nước bạn không cho cập tàu nữa, chỉ còn tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn, giá từ đó cá tuột dốc… Được biết, vùng biển vịnh Lạch Dù nước khá sâu, lưu thông với nhau, giàu nguồn phù du, sóng gợn nhẹ, rất thích hợp cho nuôi cá mú lồng bè.
Làng nổi này hình thành phát triển hàng chục năm nay là vậy; mỗi năm cho ra vài trăm tấn cá mú các loại, cung cấp thị trường trong, ngoài nước (phần lớn xuất sang Trung Quốc); hơn 100 hộ nuôi và kinh doanh đặc sản này thu về không dưới 100 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu lớn trong nuôi trồng hải sản trên biển - lợi thế của đảo Phú Quý.
“Bởi thế, ngành chức năng của tỉnh như Sở Công Thương… cần tăng cường hỗ trợ, xúc tiến thương mại với nhiều đối tác, tìm thêm đầu ra cho nguồn hải sản giá trị thương phẩm cao (ngoài thị trường Trung Quốc), mở hướng ra thị trường đặc sản này”, ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý đề xuất.
Song song đó, ban ngành, chính quyền địa phương sớm giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trước mắt nuôi cá mú đỏ đạt tiêu chuẩn loại I xuất khẩu đang có giá 300 ngàn - 400 ngàn đồng/kg; từng bước khôi phục lại nghề truyền thống nuôi các loại cá mú đã đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người dân huyện đảo trong một thời gian dài, Chủ tịch UBND huyện san sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ