Lao đao vì chè Oolong nghẽn hàng
Tình trạng này đã khiến cả người trồng lẫn các công ty chế biến, xuất khẩu chè Oolong đều lâm vào cảnh lao đao.
Do các công ty ngừng thu mua nên nhiều vườn chè Oolong tại xã Lộc Tân phải cắt đọt dài để bán theo giá chè “sô”
Kỳ I: Người trồng chè Oolong “chết dở”
Tại “thủ phủ” chè của tỉnh Lâm Đồng là TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nhiều hộ nông dân và các công ty trồng chè Oolong cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đều đang “sống dở, chết dở”.
Chè đến lứa không thu hoạch cũng không xong, còn nếu thu hoạch rồi lại không biết bán cho ai hoặc phải bán giá rẻ bèo, lỗ công đầu tư chăm sóc.
Trồng ít, lỗ nhiều
Đến vùng chè Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) hoặc xã Đam Bri (TP Bảo Lộc) những ngày này, đâu đâu cũng nghe người dân than vãn về tình trạng thua lỗ do trồng chè Oolong.
Đối với những gia đình trồng với quy mô nhỏ lẻ, việc bán chè gặp khó khăn hơn nhiều.
Hiện tại, do sản lượng ít nên họ đành phải chấp nhận bán trôi nổi với giá rẻ bèo, lỗ cả chi phí chăm sóc, vì các công ty thu mua trước đây đều đã ngưng thu mua cách đây vài tháng.
Bà Đinh Thị Sáu, người trồng chè Oolong tại thôn 12 (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc), cho biết gia đình bà có trồng 2 sào chè Oolong.
Sau một năm rưỡi bỏ công chăm sóc với chi phí lên hơn 50 triệu đồng thì vườn chè đã cho thu hoạch.
Tuy nhiên, 3 lứa trở lại đây chè hái rồi không biết bán cho ai vì những công ty thu mua trước đây đều từ chối, buộc lòng bà phải tìm mối khác để bán thì bị ép giá chỉ còn 15.000/kg chè tươi (thấp gần một nửa so với trước đây). “Hiện tại, cứ 45 ngày, tôi hái được 1 lứa chè với khoảng 110kg chè tươi.
Với giá bán như hiện tại thì mỗi lứa lỗ khoảng 2 triệu đồng.
Giống chè Oolong rất khó tính, đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc với chi phí rất cao.
Nếu cứ với cái đà này thì chắc tôi cũng sẽ bỏ mặc diện tích chè Oolong này, đến lứa cứ hái đọt bán theo dạng chè cành cho đỡ chi phí đầu tư” - bà Sáu nói.
Cạnh nhà bà Sáu, gia đình ông Đỗ Văn Bảy đã từng “ăn nên, làm ra” với 9 sào chè Oolong.
Tuy nhiên, đến hiện tại, công ty thường xuyên thu mua sản phẩm chè của ông đã thông báo ngưng thu mua.
Khoảng 5 tháng trở lại đây, ông Bảy cũng phải vất vả tìm nơi khác bán chè tươi với giá rẻ bèo.
Hiện, ông Bảy đã trồng xen cà phê vào diện tích chè này, nếu tình hình tiêu thụ vẫn gặp khó khăn thì ông sẽ nhổ bỏ chè Oolong để cho cà phê phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đam Bri (TP Bảo Lộc), cho biết: Toàn xã hiện có gần 160ha chè Oolong.
Trong đó, diện tích nhỏ lẻ trong dân khoảng 15ha.
Hiện, việc tiêu thụ sản phẩm chè Oolong đối với người dân gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả xuống thấp, nơi tiêu thụ không ổn định, thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty chế biến.
Ông Trần Văn Phi, một hộ dân trồng chè Oolong tại xã Lộc Tân, chia sẻ: “Hiện nay, không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu hết người trồng chè Oolong tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đang gặp phải khó khăn khi bán chè búp tươi.
Ngoài việc phá hợp đồng, không tiếp tục thu mua, các công ty cũng hạ giá chè Oolong búp tươi xuống thấp khiến người dân lỗ nặng.
Nhờ có diện tích nhiều và chăm sóc đúng quy trình và tiêu chuẩn, nên gia đình tôi vẫn bán được chè cho doanh nghiệp khác.
Song, giá chè Oolong hiện đã giảm xuống chỉ còn từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Riêng đối với những hộ chỉ trồng từ vài sào thì càng gặp khó khăn hơn.
Họ đành ngậm ngùi nhìn đọt chè ngày càng dài ra mà không biết hái bán cho ai, nên phải cắt bán cho các vựa thu mua chè đen với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Chúng tôi rất cần chính quyền và các ngành chức năng tìm cách để tháo gỡ khó khăn này cho người dân”.
Nhiều doanh nghiệp ngừng thu mua
Không chỉ những hộ trồng chè Oolong manh mún, nhỏ lẻ bị ảnh hưởng, ngay cả những công ty trồng với quy mô lớn và có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến cũng chịu chung số phận.
Theo ông Nguyễn Long Vương, Công ty TNHH Chè Vương Tâm (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc), đến hiện tại, công ty thu mua chè Oolong tươi đã nợ ông số tiền 350 triệu đồng.
Sắp tới lứa thu hoạch chè tiếp theo nhưng ông chưa biết sẽ bán đi đâu.
Bởi lẽ, nếu bán cho công ty có ký kết hợp đồng thu mua thì vẫn giữ được giá là 30.000 đồng/kg nhưng lại phải bán thiếu; còn nếu bán cho công ty khác, thì bị ép giá chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg.
Hiện tại, để duy trì việc chăm sóc 5ha chè Oolong, mỗi ngày ông phải bỏ ra số tiền 6 triệu đồng.
“Vườn chè là cả gia sản mình đã đầu tư vào đó nên không thể bỏ.
Còn nếu tiếp tục chăm sóc mà tình hình như hiện tại thì không biết “trụ” được đến bao giờ.
Tuy có hợp đồng tiêu thụ nhưng giờ công ty thu mua lâm vào cảnh khó khăn thì mình cũng không thể bắt ép họ.
Hiện, phía công ty cam kết trong thời gian 90 ngày sẽ thanh toán nợ đọng nên tôi vẫn tiếp tục chờ.
Công ty cũng đưa ra gợi ý nếu ai có thể tìm nguồn tiêu thụ thì công ty sẽ trả nợ bằng chè thành phẩm, chỉ lấy tiền gia công”
- ông Vương cho biết. Bà Đặng Lệ Chinh, chủ doanh nghiệp sản xuất chè Oolong Phú Toàn (xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), cho biết: “Từ năm 2014 trở về trước, ngoài hơn 10ha chè Oolong mà Công ty tự sản xuất để cung cấp nguyên liệu, mỗi năm chúng tôi còn phải thu mua thêm của người dân từ 500 - 700 tấn chè Oolong búp tươi mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến.
Nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, do việc xuất khẩu gặp khó khăn nên chúng tôi đã ngừng việc thu mua nguyên liệu.
Trong thời gian này, nhiều người trồng chè Oolong tại xã Đam B’ri và xã Lộc Tân có tìm đến Công ty để bán chè, nhưng chúng tôi không thể thu mua.
Trước đây, Công ty luôn có từ 45 - 50 lao động làm việc thường xuyên.
Nhưng năm nay, do không xuất khẩu được nên Công ty chỉ hoạt động “cầm chừng” buộc chúng tôi phải cho công nhân nghỉ dần”.
Theo ông Trần Quang Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Trí Việt (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), trước đây, Công ty có hợp đồng tiêu thụ chè nguyên liệu với 12 nhà vườn với sản lượng thu mua khoảng 40 tấn chè Oolong tươi/tháng.
Đến hiện tại, Công ty đã từ chối thu mua chè nguyên liệu đối với tất cả các đối tác vì nợ cũ chưa thanh toán được, trong khi chè thành phẩm tồn kho rất nhiều.
Tất cả số vốn của công ty đều bị ứ đọng nên nếu tiếp tục thu mua thì sẽ gây khó khăn hơn cho nhà vườn.
Công ty cũng đã chia sẻ những khó khăn này để các nhà vườn thông cảm mà tìm chỗ tiêu thụ mới.
Các đối tác cũng đã chia sẻ vì đây là khó khăn chung và khách quan mà phía công ty không mong muốn.
Cũng theo ông Đăng, hiện số nợ đọng mà Công ty còn thiếu các đối tác cung cấp chè nguyên liệu đã lên đến vài tỷ đồng.
Chỉ cần Công ty xuất đi được 1 container (tương đương 10 tấn) thì sẽ giải quyết được số nợ này.
Hiện, phía Công ty Trí Việt cũng như đối tác của Công ty đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ