Mô hình kinh tế Lao Đao Vì Ngao

Lao Đao Vì Ngao

Ngày đăng 10/04/2013

Lao Đao Vì Ngao

Vụ thu hoạch ngao sắp kết thúc để chuẩn bị xuống giống cho vụ mới, nhưng hàng chục nghìn tấn ngao trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Thanh Hóa vẫn "ngâm" dưới biển khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.

Ngao ngán vì ngao

Tại vùng triều xã Hải Lộc, một địa phương có truyền thống nuôi ngao của huyện Hậu Lộc, hàng chục người ngồi buồn so. Một ông chủ nuôi ngao cho biết: Cách đây hơn 1 năm, ngao bán được giá. Nếu thuận lợi người nuôi sẽ lợi nhuận 50%. Vì vậy, mỗi ha ngao đầu tư khoảng 300 - 400 triệu tùy theo bãi cao, thấp. Khi thu hoạch được 800 triệu đồng, thu về 300 - 400 triệu.

Năm 2012, ông vận động anh em, bạn bè lo vốn để thầu hơn 10 ha. Vốn bỏ vào cải tạo bãi triều, mua cọc, lưới, con giống, công chăm sóc lên đến gần chục tỷ đồng. Thời điểm này, thị trường XK sang Trung Quốc và một số nước bị thu hẹp, ngao chỉ bán lẻ tiêu dùng nội địa, giá rớt thê thảm. Vô tình, ông trở thành kẻ gieo họa cho những người đã hùn vốn nuôi.

Ông Nguyễn Văn An, chủ đại lý ngao xã Hải Lộc thở dài: Có hàng chục ông chủ ở vùng này, hàng trăm ông chủ ở vùng lân cận như Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc… vỡ nợ vì ngao. Bởi muốn nuôi nhiều phải đầu tư vốn lớn, huy động anh em, bạn bè, cắm sổ đỏ thế chấp ngân hàng, thậm chí liều lĩnh vay nóng bên ngoài. Tiền đã đổ hết vào ngao, ngao ngâm dưới biển, lãi vay vẫn phải trả… Nhiều hộ trở nên cùng quẫn, tán gia bại sản.

Những năm trước, giá ngao cùng thời điểm lên đến 25.000 đ/kg, gia đình ông An mỗi tháng xuất bán hàng chục tấn. Giờ tụt xuống còn 12.000 đ/kg tại bãi, mỗi tháng cũng chỉ bán được 1 - 2 tấn.

Tại huyện Nga Sơn, huyện đứng thứ 2 về diện tích nuôi ngao của tỉnh, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Nam, chủ nuôi ngao xã Nga Liên. Ông Nam cho biết, trước kia gia đình chỉ thầu vài ha. Năm 2012, ông huy động người thân hùn vốn và nhận thầu lên tới 30 ha. Số tiền đổ vào ngao hơn 10 tỷ đồng, hiện mới thu về được vài trăm triệu.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, do thay đổi và ô nhiễm nguồn nước, cộng với lượng bùn nhiều, khoảng 30% số ngao bị chết. Cùng với thời tiết nắng lên, mưa nhiều, nước ở các sông đổ về, nguy cơ ngao chết sẽ còn nhiều. Ông Nam không khỏi lo lắng với khoảng 1.000 tấn ngao của gia đình còn nằm dưới biển chưa có đầu ra.

Nguy cơ trăm tỷ đổ biển

Ông Mai Xuân Tạc, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Nga Sơn cho hay, toàn huyện có 700 ha nuôi ngao trong quy hoạch. Năm 2012 đã đưa vào nuôi trên 400 ha. Thực trạng bãi triều của huyện không đẹp, bãi sâu, dốc, lầy bùn… nên người nuôi phải đầu tư nhiều hơn vùng khác để cải tạo bãi.

Hơn nữa, tỷ lệ phơi bãi thấp, dinh dưỡng thức ăn không đầy đủ nên thời gian nuôi ngao kéo dài, lên đến 16 - 17 tháng (bình thường khoảng 14 - 15 tháng). Ngao nhỏ, mầu sắc kém, vỏ xỉn mầu…, người tiêu dùng không thích nên ngao Nga Sơn bao giờ giá cũng thấp hơn ngao nuôi ở các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc.

Mặt khác, thị trường của ngao chủ yếu XK, tiêu thụ trong nước rất hạn chế. Bởi vậy, đầu ra hoàn toàn bấp bênh. Những yếu tố trên khiến ngao rớt giá và ế ẩm là điều không tránh khỏi. Hiện Nga Sơn mới xuất bán được 300 tấn, còn khoảng 3.000 tấn chưa thu hoạch.

Cùng chung cảnh ngộ, huyện Hậu Lộc có diện tích nuôi ngao lớn nhất toàn tỉnh, trên 700 ha. Đặc điểm bãi triều của Hậu Lộc đẹp, bằng phẳng, kín gió, phù hợp nuôi ngao. Vì vậy, ngao nuôi phát triển tốt, màu đẹp, chất lượng đảm bảo, đáp ứng chất lượng để xuất khẩu. Tuy nhiên, đầu ra vẫn lâm vào bế tắc, cả huyện mới chỉ xuất bán được 1/5 sản lượng. Ông Tạc tỏ ra lo lắng: “Đã chuẩn bị đến mùa mưa bão, huyện Nga Sơn có hai cửa lạch gồm lạch Sung và lạch Càn, mưa lũ lớn, nước đổ từ hai cửa lạch này ra bãi triều, cuốn theo lượng lớn phù sa có khả năng phủ kín diện tích nuôi ngao của huyện. Nguy cơ mất trắng ngao là điều khó tránh khỏi”.

Ông Tạc còn cho biết thêm hệ lụy từ việc nuôi ngao. Đó là vùng nuôi được mở rộng, đồng nghĩa với diện tích nuôi don, dắt làm thức ăn nuôi cua bị thu hẹp. Vì vậy, năm 2012 sản lượng nuôi cua của huyện cũng sụt giảm đáng kể.

Lao động tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc, nuôi trồng, thu hoạch ngao cũng đang chịu cảnh thất nghiệp. Hầu hết các hộ nuôi không bán được ngao thịt nên không tha thiết, mặn mà với việc cải tạo bãi triều để xuống giống vụ mới. Nguy cơ hàng trăm tỷ đồng sẽ trôi ra biển lúc nào không biết.

Chính quyền địa phương, ngành thủy sản Thanh Hóa cũng bế tắc sau khi đã cố gắng tìm mọi giải pháp để “giải phóng” con ngao nhưng bất thành. Hệ lụy lớn nhất của việc đầu tư nuôi ngao ồ ạt, theo phong trào mà không lường hết được thiệt hại khi bị động về đầu ra, người dân phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề.


Phát Triển Bò Lai Bằng Phương Pháp Thụ Tinh Nhân Tạo Ở Bình Thuận Phát Triển Bò Lai Bằng Phương Pháp Thụ… Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Thương Phẩm Cá Bớp Ở Cam Ranh (Khánh Hòa) Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Thương Phẩm Cá…