Tin nông nghiệp Lão nông biến ruộng trũng thành giàn hoa kiểng 2.000 m2

Lão nông biến ruộng trũng thành giàn hoa kiểng 2.000 m2

Tác giả Thủy Dư, ngày đăng 06/03/2018

Lão nông biến ruộng trũng thành giàn hoa kiểng 2.000 m2

Ông Trần Thanh Khang (Đồng Tháp) dùng ống nhựa, trụ gạch, ống sắt làm giàn trồng hoa kiểng nơi chiêm trũng, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Khang gắn bó với nghề trồng hoa kiểng hơn 20 năm.  

Ông Khang (phường Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp) đã gắn bó với nghề hoa kiểng hơn 20 năm. Sau nhiều năm trồng lúa và thử qua nhiều loại cây ăn trái không hiệu quả, năm 1997, lão nông bắt đầu chuyển sang trồng hoa kiểng trên giàn.

Tại Đồng Tháp, đất ruộng chiêm trũng thường ngập nước, không thể trồng trực tiếp. Để trồng hoa, ông Khang phải sử dụng ống nhựa, trụ gạch, ống sắt làm giàn trên cao, cách mặt đất khoảng 1m. 

"Chi phí đầu tư gồm giống, giàn, phân bón, lưới che, tốn khoảng 140 triệu đồng, trong đó 2.000 cây giống tiêu tốn 24 triệu đồng", ông Khang cho biết.

Thấy cây sinh trưởng tốt, hợp khí hậu, ít sâu bệnh, nhu cầu thị trường cao, giá bán ổn định 80.000-100.000 đồng mỗi chậu, ông quyết định mở rộng 500 m2 trồng hoa kiểng trên giàn lên 2.000 m2. 

Để trồng hoa đẹp, ông tham gia các lớp tập huấn về quy trình và kỹ thuật trồng hoa kiểng, bonsai tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, ông còn tự tìm hiểu thêm qua sách vở.

Từ cây con đến chậu hoa đẹp phải trải qua 4 tháng chăm sóc. Ông Khang thuê thêm hai nhân công chăm bón cho 2.000 m2 hoa kiểng từ khâu chuẩn bị chậu, làm cỏ, đến tưới nước… Để hạn chế tối đa thời tiết xấu, nắng kéo dài hoặc mưa thất thường vào thời điểm cây ra nụ, ông còn làm lưới chắn để bảo vệ chậu cây. Từ khi trồng đến nay, nhờ tuân thủ kỹ thuật, vườn hoa kiểng của ông ít sâu bệnh.

Các chậu hồng được trồng trên giàn cao.  

Vườn nhà ông Khang hiện trồng 40.000 chậu với khoảng 40 loại hoa kiểng như hồng, đồng tiền, cẩm chướng, cúc mâm xôi, cúc tiger… Trong đó, hút khách nhất là các loại hồng, giá bán từ 80.000 đến 120.000 đồng mỗi chậu. Nhờ nghề trồng hoa kiểng, ông Khang có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ. 

“Nếu con cái học hành tốt, lên cao đẳng, đại học thì tôi sẽ tạo điều kiện. Nếu không có khả năng thì bố sẽ truyền lại nghề làm hoa”, ông Khang nói.

Ông Khang cũng cho biết, có thời điểm giá hoa xuống thấp 60.000-70.000 đồng mỗi chậu, chi phí chỉ đủ hòa vốn. Song, năm cao bù năm thấp, người trồng vẫn gắn bó với nghề này. Năm 2018, ông dự định sẽ trồng thêm các giống hoa mới và được ưa chuộng nhất để phục vụ thị trường tốt hơn.

Vườn hoa kiểng chuẩn bị phục vụ Tết.

Hiện ông Khang giữ vai trò giám đốc hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông với 40 hộ thành viên trong vùng. Ông cho biết, nghề hoa kiểng đã có lịch sử trăm năm ở phường Tân Quy Đông, khí hậu Đồng Tháp khá phù hợp với đặc điểm phát triển của các giống hoa. Mỗi năm, các hộ sẽ trồng khoảng 3 vụ, chăm sóc tỉ mỉ để đáp ứng nhu cầu thưởng hoa của người tiêu dùng.


Hiệu quả sản xuất giống lúa ở Đồng Tháp Hiệu quả sản xuất giống lúa ở Đồng… Nông dân trồng cacao tăng gấp đôi thu nhập nhờ liên kết với doanh nghiệp Nông dân trồng cacao tăng gấp đôi thu…