Mô hình kinh tế Lập Lại Trật Tự Ngành Hàng Cá Tra

Lập Lại Trật Tự Ngành Hàng Cá Tra

Ngày đăng 23/07/2014

Lập Lại Trật Tự Ngành Hàng Cá Tra

Ngày 22/7, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức tọa đàm triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Nuôi – chế biến và XK sản phẩm cá tra.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các DN XK cá tra hàng đầu, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh nuôi cá tra chủ lực và các hiệp hội có liên quan.

“DN Việt Nam đừng đưa nước đá sang Nga”

Tại buổi tọa đàm này, các DN cá tra vẫn tiếp tục bày tỏ những băn khoăn về những quy định đáng chú ý nhất: phải đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội Cá tra; tỷ lệ mạ băng không quá 10%, hàm lượng nước không quá 83% so với khối lượng tịnh, giá sàn…

Ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Cty Hùng Vương, cho rằng, hiện nay để XK một lô hàng cá tra, DN đã phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp như phải có xác nhận của NAFIQAD về chất lượng, rồi phải đăng ký tàu, đăng ký Hải quan… Vì thế, nếu phải đăng ký thêm với Hiệp hội Cá tra sẽ thêm thủ tục. Mà việc DN phải đăng ký hợp đồng để Hiệp hội Cá tra tổng hợp số lượng XK là không cần thiết, bởi hàng tháng Hải quan đã làm việc này.

Cũng theo ông Minh việc đưa ra quy định hàm lượng nước không quá 83% cần phải có một nghiên cứu cụ thể, vì cá tra nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau sẽ có hàm lượng nước tự nhiên khác nhau, dùng những loại thức ăn khác nhau thì hàm lượng nước cũng khác nhau…

Cũng về hàm lượng nước, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty Vĩnh Hoàn, cho hay, người tiêu dùng thường không mấy quan tâm tới hàm lượng nước trong sản phẩm, mà chỉ quan tâm tới các yếu tố màu sắc, mùi vị… Mặt khác, hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra có thể bị tăng đột biến trong khâu chế biến.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, TGĐ Cty Cafatex, có những nhà nhập khẩu vẫn yêu cầu DN Việt Nam cung cấp sản phẩm cá tra có hàm lượng nước tới 86% hay tỷ lệ mạ băng tới 30-40%.

Về vấn đề giá sàn, bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 36 là kiểm soát giá sàn mua nguyên liệu. Nhưng giá cả là tùy thuộc vào quy luật cung – cầu của thị trường. Do đó, nếu chúng ta làm tốt được khâu quy hoạch, quản lý diện tích, sản lượng thì đương nhiên giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng lên. Còn nếu cứ để xảy ra tình trạng sản lượng dư thừa, khi ấy, nếu đặt ra giá sàn 23.000 hay 24.000 đ/kg, chưa chắc các DN đã chịu thu mua cá.

Đại diện Cty Gò Đàng cũng cho rằng khi nguyên liệu cá tra quá nhiều, giá XK sẽ giảm. Nếu vẫn bắt DN phải mua theo giá sàn, chắc chắn các DN sẽ từ chối mua cá vì sợ bị lỗ.

Giải đáp những thắc mắc nói trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, Nghị định 36 ra đời là nhằm lập lại trật tự cho cả ngành hàng theo hướng quản lý theo chuỗi, từ sản phẩm đầu vào tới khâu chế biến, XK. Tất cả các khâu đều phải sản xuất có điều kiện, có sự tham gia của quản lý nhà nước.

Do đó, việc phải đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội Cá tra không phải là để thống kê sản lượng như các DN vẫn đang hiểu, mà nhằm để kiểm tra lại xem từng khâu trong chuỗi tạo nên sản phẩm XK có được đảm bảo đúng theo quy định hay không, việc mua cá nguyên liệu của DN có thấp hơn giá sàn hay không?

Nếu không đáp ứng được cả hai yêu cầu đó, nhất thiết không được XK. Bắt buộc các DN XK cá tra phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra cũng là để tính được dung lượng, nhu cầu thị trường là bao nhiêu, qua đó tổ chức sản xuất như thế nào là vừa.

Về quy định hàm lượng nước không quá 83%, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, Bộ NN-PTNT không tự nhiên trình lên Chính phủ con số ấy, mà trước đó đã có kết quả nghiên cứu của NAFIQAD, đồng thời Bộ cũng đã tham khảo các nghiên cứu của nước ngoài.

Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), cho biết, từ năm 2008, cơ quan chức năng ở các nước như Anh, Đức… đã có những cảnh báo về hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra Việt Nam là quá nhiều. Các cơ quan khoa học ở những nước này cũng đã nghiên cứu và công bố rộng rãi rằng cá tra Việt Nam là một trong những sản phẩm có nhiều nước nhất.

Chính vì thế, NAFIQAD đã nghiên cứu về hàm lượng nước với sự tham gia của 3 DN là Cty Hùng Vương, Cty Agifish và Cty Hải sản 401, lấy mẫu cá từ thượng nguồn tới hạ nguồn sông Cửu Long. Kết quả cho thấy hàm lượng nước không có nhiều khác biệt giữa cá tra nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau, và hàm lượng nước tự nhiên bình quân trong cá tra nuôi là 79,73%. Vì thế, quy định hàm lượng nước không quá 83% là hợp lý. Nếu hàm lượng nước quá 83% là chỉ vì mục đích thương mại.

Về ý kiến của DN cho rằng giá cả nên theo quy luật cung – cầu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thẳng thắn: “Đúng là giá cả phải theo quy luật cung – cầu. Nhưng đây là sản phẩm trời cho của Việt Nam, chúng ta đang một mình một chợ với sản phẩm cá tra. Vì thế, không thể để nông dân nuôi cá tra cứ bị thua lỗ. Nên phải có giá sàn”.

Hàm lượng mạ băng không quá 10% cũng là đã đủ để bảo quản sản phẩm cá tra rồi. Nếu hàm lượng nước trong cá tra quá cao theo như phản ánh của các DN, có thể là do trong thức ăn cá tra có những chất tăng trọng làm giữ nước, tích nước. Do đó, càng cần phải kiểm soát sản phẩm cá tra theo chuỗi để loại bỏ tình trạng này.

Trao đổi thêm về chuyện gian lận tỷ lệ mạ băng ở sản phẩm cá tra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhắc lại lời than phiền đầy ẩn ý của người mua cá tra của Nga: “Đất nước chúng tôi đã quá nhiều băng rồi. Các DN Việt Nam đừng đưa thêm nhiều nước đá sang đây nữa”.

Theo Thứ trưởng, sản phẩm chúng ta bán ra là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng chứ không phải của nhà NK. Nếu DN lo ngại những quy định về hàm lượng, mạ băng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm thì DN cần đàm phán lại hợp đồng với các nhà NK.

Địa phương đã sẵn sàng

Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh nuôi cá tra đều bày tỏ sự đồng tình với việc giữ đúng lộ trình thực hiện Nghị định 36.

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp:

Khi chúng ta quản lý tốt quy hoạch, diện tích, sản lượng…, giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng lên. Nhưng khi ấy, có thể sẽ nảy sinh trở lại một vấn đề cũ: nông dân lại ồ ạt nuôi và phá vỡ quy hoạch nuôi cá tra. Vì thế, khi thực hiện Nghị định 36, chúng ta cần phải lường trước những vấn đề như thế để sớm có những quy định quản lý chặt chẽ hơn.

Đại diện Sở NN-PTNT Cần Thơ cho rằng Nghị định này đã được thai nghén từ khá lâu rồi. Từ năm 2011 đến đầu 2014, đã có rất nhiều hội thảo, cuộc họp bàn về Dự thảo Nghị định này. Điều đó cho thấy Nghị định đã được xây dựng một cách nghiêm túc và việc ra đời Nghị định là rất cần thiết, đúng lúc, đúng thời điểm.

Hiện tại, các địa phương nuôi cá tra chủ lực ở ĐBSCL đã sẵn sàng thực hiện Nghị định 36. Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, cho biết, tỉnh này đã tổ chức Hội nghị và xây dựng kế hoạch triển khai rộng rãi Nghị định 36.

Bà Hồng nêu sáng kiến, khi tổ chức cấp mã số vùng nuôi, không nên bắt nông dân phải lên tận Sở NN-PTNT, mà các tỉnh nên xuống cấp mã số ở từng huyện, có thông báo ngày giờ cụ thể, để người nuôi cá tra trong huyện tới nhận mã số dễ dàng.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, khi xây dựng Nghị định 36, Bộ NN-PTNT đã chú trọng lắng nghe, chia sẻ cùng nỗi khó khăn của các DN, nhất là khi nhiều DN cá tra đã không còn đứng vững trong cơn sóng gió vừa qua. Vì thế, trong tháng 7 này, NAFIQAD phải tổ chức thống kê nguồn cá tra thành phẩm còn tồn trong kho của các DN.

Từ nay đến hết năm 2014, các DN vẫn được XK cá tra thành phẩm tồn kho một cách bình thường. Đến tháng 12, NAFIQAD thống kê lại lượng hàng tồn kho một lần nữa. Nếu những lô hàng nào còn kéo dài thời gian giao hàng sang năm 2014, thì sẽ bàn bạc hướng giải quyết.

Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương rà soát lại quy hoạch chi tiết cá tra trên địa bàn để trình UBND tỉnh, TP phê duyệt trong quý 4. Thứ trưởng cũng đồng tình với sáng kiến của bà Phạm Thị Thu Hồng và khuyến khích các địa phương tổ chức cấp mã số vùng nuôi ngay tại cơ sở, nhất là ở những nơi có nhiều hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ.


Bò Tơ Có Giá Bò Tơ Có Giá Hà Tĩnh Trở Thành Điểm Sáng Về Phát Triển Nông Nghiệp - Nông Thôn Hà Tĩnh Trở Thành Điểm Sáng Về Phát…