Mô hình kinh tế Lasuco vững bước

Lasuco vững bước

Ngày đăng 30/07/2015

Lasuco vững bước

Chủ tịch HĐQT Lasuco Lê Văn Tam đã tuổi bát thập. Nhìn ông làm việc say sưa, tâm huyết thì nhiều người nói rằng ông mới ở tuổi đôi mươi.

Ông bảo: “Mía đường của chúng ta những năm qua hết sức khó khăn, tới đây ra nhập TPP, thuế nhập khẩu đường bằng 0 còn khó khăn gấp bội. Vì vậy chúng tôi đã đi những bước vững chắc trên con đường hội nhập, đảm bảo cho Cty phát triển bền vững vì cộng đồng”.

Nói xong, ông giao cho ông Lê Bá Chiều, Phó TGĐ dẫn chúng tôi đi thực tế để chứng minh.

Cánh đồng mía lớn

Mấy năm trước, ông Lê Văn Tam hạ quyết tâm đưa mía xuống đồng, xây dựng cánh đồng mía lớn ở đồng bằng. Và ông chọn xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), một địa phương còn nhiều khó khăn, với thu nhập chính từ cây lúa vụ xuân.

“SX lúa bảo có lãi, không thì hạch toán đầy đủ chả có lãi, lấy công làm lãi thôi. Ngày càng có nhiều người dân chán ruộng. Ấy thế mà bảo cho Lasuco thuê lại để chuyển đổi sang trồng mía, bà con lại nói không. Thế là Cty và chúng tôi phải làm một cuộc cách mạng… xây dựng cánh đồng mía lớn thay thế cánh đồng lúa manh mún”, ông Lê Kim Minh, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn nhớ lại.

Chính sách của Lasuco đưa ra lúc đó là thuê lại đất của nông dân trong vòng 20 năm, mỗi năm Cty trả người dân 300 kg thóc/sào để đảm bảo lương thực, trả trước cho họ 10 triệu đồng nếu muốn lấy tiền ngay. Ưu tiên tiếp nhận con em của các hộ dân cho Cty thuê đất, đồng thời thuê bóc lá mía…

“Thực tế đến tận bây giờ, người dân cũng chỉ thu được trên 300 kg thóc/sào/năm mà phải chi phí đủ mọi thứ như tiền cày bừa, giống, phân bón, thuốc BVTV, thủy nông… Vậy nhưng ông Tam cùng chúng tôi phải mất hơn 1 năm trời mới thuyết phục được bà con cho thuê đất. Đúng là chỉ có vì Cty, vì nông dân như ông Tam mới làm được điều đó”.

Hơn 50 cuộc họp lớn và hàng trăm cuộc thương thảo, làm việc nhỏ mới thuyết phục được 499 hộ dân cho Lasuco thuê trên 70 ha đất. Sau khi người dân giao mặt bằng, Cty quy hoạch lại từ gần 500 mảnh ruộng thành một cánh đồng lớn để đưa máy móc vào, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX. Năng suất mía lên tới 120 tấn/ha.

“Với cách đồng mía lớn như thế này, chúng tôi đã sử dụng máy móc thay sức người khoảng 90% và đưa giống mới vào SX, từ đó giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận tăng vọt. Cty lợi và nông dân cũng có lợi.

Chiến lược phát triển mà Chủ tịch HĐQT Cty đề ra đã dần đạt được là đưa Cty phát triển bền vững vì cộng đồng. Từ mô hình cánh đồng mía lớn này, đến nay đã lan tỏa rộng rãi, làm cho người dân thấm nhuần. Vì thế, rất nhiều địa phương muốn cho Cty thuê đất để làm cánh đồng mía lớn”, ông Lê Bá Chiều cho biết.

Nhờ cánh đồng mía lớn này, 499 hộ dân của chúng tôi đã có thu nhập ổn định từ tiền thuê đất và tiền công làm thuê cho Lasuco, góp phần giúp Vân Sơn đảm bảo tiêu chí thu nhập ổn định, để từ một xã còn nhiều khó khăn sớm về đích nông thôn mới.
Khi đã là xã nông thôn mới rồi, từ yêu cầu và đòi hỏi của người dân, chúng tôi sẽ tích cực cùng Cty xây dựng thêm các cánh đồng mía lớn trên diện tích lúa còn lại” – ông Lê Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn.

Rời Triệu Sơn, chúng tôi đến xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Một cánh đồng mía lớn với gần 40 ha đất đồi nhấp nhô hiện ra trước mắt ngút ngàn màu xanh được tạo nên bởi những cây mía "lực lưỡng".

Ông Chiều khoe: “Đây là sản phẩm mới nhất do Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao của Lasuco tạo ra. Với giống mía mới này cùng với việc áp dụng quy trình trồng, chăm sóc tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, được tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, năng suất mía của cánh đồng này phải đạt 150 tấn/ha. Tuy là vùng đồi nhưng chúng tôi đưa được máy móc vào, từ trồng, bón phân, phun thuốc BVTV, làm cỏ, thu hoạch… đều bằng máy”.

Còn rất nhiều cánh đồng mía lớn như thế trong vùng nguyên liệu mía của Lasuco mà chúng tôi không thể đi hết.

Chủ tịch HĐQT Lê Văn Tam bộc bạch: “Vùng nguyên liệu mía của Cty ở trên 110 xã thuộc 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Mấy chục năm qua cây mía đã góp phần giúp bà con thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhưng hiện nay diện tích mía ngày càng bị thu hẹp khi một số tập đoàn kinh tế lớn về đây thuê đất làm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch nhiều diện tích trồng mía vào xây dựng Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, khu đô thị Ngọc Lặc và nhiều con em nông dân có tâm lý không thích trồng mía... Trong khi đó yêu cầu khắt khe của cạnh tranh và hội nhập buộc chúng tôi phải xây dựng những cánh đồng mía lớn.

“SX rau hoa quả trong khu công nghệ cao của Lasuco cho doanh thu từ 1,2 - 1,5 tỷ đ/ha/năm. Nhưng khu công nghệ cao còn có trách nhiệm chuyển giao cho nông dân với chi phí đầu tư ban đầu thấp nhất.
Và, quan trọng hơn cả là khu công nghệ cao phải gánh vác một sứ mệnh lịch sử, là mũi đột phá để mang về lợi thế cho Cty trong cuộc đối đầu khốc liệt với mía đường thế giới khi Việt Nam gia nhập TPP”, ông Lê Văn Tam.

Chúng tôi chủ động thuê lại đất của nông dân xây dựng cánh đồng mía lớn như các anh thấy. Và tiếp tục có những chính sách khuyến khích các địa phương làm. Đến nay nhiều địa phương có cánh đồng mía lớn, nhiều nông dân có cách đồng mía lớn. Những người nông dân có những cánh đồng mía lớn đã liên kết lại với nhau thành CLB cánh đồng mía lớn để tạo ra năng suất, chất lượng, lợi nhuận cao nhất.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân, tôi đã hứa là năm 2016 sẽ tập trung làm cánh đồng mía lớn ở 1 xã, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Nếu không đạt, tôi sẽ đền”.    

500 triệu đ/ha trong tầm tay

Chủ tịch HĐQT Lê Văn Tam quả quyết như vậy. Tôi nhẩm mãi mà không ra được 500 triệu đ/ha mía/năm, dù sản lượng mía có đạt 300 tấn/ha. Nhưng khi ông Tam dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, NM SX cồn, NM SX điện, NM SX phân bón, mô hình nuôi gà trong vườn mía thì mới nhận ra điều ông Tam nói là hoàn toàn có thể.

Ông Tam tính: “Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao sẽ cung cấp cho vùng nguyên liệu giống mía tốt nhất, năng suất nhất trên thế giới dưới sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Mía đường Ấn Độ. Các loại máy móc, thiết bị tốt nhất cũng sẽ được đưa vào trồng, chăm sóc, thu hoạch. Cty sẽ có doanh thu từ bán đường, bán điện, bán cồn, bán 3 lứa gà trong vườn mía/năm, bán phân bón…

Hiện Cty đã làm khép kín 4 sản phẩm là SX đường + cồn + điện + phân bón và đang liên kết với Viện Chăn nuôi để nuôi gà trong ruộng mía, sau đó giết mổ và đưa ra thị trường. Như vậy, 1 ha diện tích trồng mía hoàn toàn có thể mang lại doanh thu 500 triệu đ/năm”.

Chiến lược của Lasuco đặt ra là đến năm 2020 đạt doanh thu trên 5.000 tỷ đồng. 50% tổng diện tích vùng nguyên liệu là những cánh đồng mía lớn. Từ 30.000 hộ trồng mía hiện nay sẽ giảm xuống còn 20.000 hộ và tiến tới chỉ còn 2.000 hộ, mỗi hộ phải có 5 ha mía để có thể cơ giới hóa SX. Tăng năng suất lên 50%, chất lượng lên 20% so với hiện nay.

Với những bước đi vững chắc, tin rằng Lasuco sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Và, một lần nữa lại mang dấu ấn của người chèo lái Lasuco - Anh hùng Lao động Lê Văn Tam. Người mà người dân miền Tây xứ Thanh vẫn gọi ông với cái tên thân mật “ông Tam hai lần Anh hùng”.


150 tổ chức, cá nhân sản xuất rau đạt chuẩn 150 tổ chức, cá nhân sản xuất rau… Tăng cường hoạt động quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản Tăng cường hoạt động quan trắc môi trường…