Tin nông nghiệp Liên kết chuỗi giá trị nông sản cơ hội ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu

Liên kết chuỗi giá trị nông sản cơ hội ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu

Tác giả Lại Hùng, ngày đăng 21/10/2022

Liên kết chuỗi giá trị nông sản cơ hội ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu

Trong đó, nổi bật có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Từ việc thực hiện những hiệp định này, nông sản Việt đã và đang ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu.

FTA mang lại cơ hội cho nông sản Việt

Tại “Diễn đàn thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - tận dụng lợi thế và cơ hội từ các FTA” do Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức, Phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam - TS. Nguyễn Duy Lượng cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản.

Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP… đã tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá, nông sản.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Lượng, đây là cơ hội rất lớn nhưng để tận dụng được các cơ hội thương mại và đầu tư đó, nông trại doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Mặt khác, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa nông sản trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp với nông sản nước ngoài nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa.

Do đó, để nâng cao chất lượng nông sản và vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu cũng như giữ được thị phần trong nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản phải đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao.

Đồng quan điểm, theo luật sư Trần Văn An, các FTA có hiệu lực đem lại những cơ hội cho ngành nông sản thực phẩm Việt Nam bởi các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, vị trí thuận lợi cho giao thương. Những lợi thế đó giúp nông sản Việt Nam có giá cả cạnh tranh cao, sản xuất được nhiều rau quả nhiệt đới, cho năng suất cao, chất lượng tốt, khẳng định được thương hiệu của các doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Cùng với đó, những ưu đãi về thuế, trong đó xoá bỏ hoặc cắt giảm thế quan theo một lộ trình cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần hàng hoá xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, ĐBSCL mỗi năm có 24 triệu tấn lúa, xấp xỉ 10 triệu tấn các loại cây màu ngắn ngày khác, khoảng 10 triệu tấn trái cây.

Những số liệu trên cho thấy, chỉ riêng khu vực phía Nam đã có khối lượng nông sản cực kỳ lớn. Trong khi đó, khối lượng và giá trị nông sản xuất khẩu chiếm tỉ trọng không nhiều, dù có tăng theo từng năm.

Cả nước thực hiện các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 4 tác nhân tham gia liên kết, gồm: 271 tổ chức khoa học; gần 590.000 hộ nông dân; hơn 4.000 HTX nông nghiệp; gần 1.900 doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các hình thức liên kết rất đa dạng như: Liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng; Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín; Liên kết dọc giữa doanh nghiệp và HTX, nông hộ; liên kết ngang giữa doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có nhiều loại hình liên kết khác. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, chưa có liên kết nào tạo nên thương hiệu.

Liên kết chuỗi giá trị nông sản, cơ hội đan xen thách thức

Các hiệp định thương mại FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt, tuy nhiên, đan xen nhiều thách thức. Theo luật sư Trần Văn An, các hiệp định FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội cho ngành nông sản Việt Nam nhưng cũng mang lại nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp phải đau đầu. Cụ thể, hiện nay với các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu, công nghệ chế biến sâu chưa đạt được hiệu quả, chưa ứng dụng nhiều về công nghệ cao dẫn đến hàng hoá nông sản khi xuất khẩu bị hư hỏng, chất lượng thấp, chứa nhiều rủi ro.

Các sản phẩm nông sản tại Việt Nam chủ yếu được sản xuất bởi hộ gia đình và trang trại nhỏ nên việc canh tác, cũng như quy trình thu hoạch, bảo quản còn mang tính truyền thống. Còn hạn chế về mẫu mã, hình thức, chủng loại và chưa chú trọng đến tính “thẩm mỹ” của sản phẩm nên khó đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu bổ sung của các khách hàng EU như quy trình trồng trọt và sản xuất an toàn GlobalGAP, HACCP, ISO 22000, ORGANIC -EU. Thị trường EU cũng rất khắt khe về chế tài an toàn thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng chất gây ô nhiễm, nếu không đáp ứng được, hàng hoá có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu huỷ tại chỗ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả không chú trọng đến xây dựng thương hiệu, chưa chuyên nghiệp trong bán hàng, chào hàng nên dễ bị “lãng quên” hoặc không tạo được mối quan hệ làm ăn lâu dài.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc đa dạng các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ này đòi hỏi nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cần phải cải tiến công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất bổ sung thêm việc cải thiện các yếu tố trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để gia tăng chất lượng và lợi nhuận. Đánh giá giá thành sản xuất, giá cả thu mua và những hao hụt về chất lượng nông sản trong sản xuất của địa phương. Từ đó xác định nguyên nhân và cách khắc phục.

Đồng thời, cải thiện mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng nông sản. Thực tế sản xuất cho thấy, giữa doanh nghiệp và người nông dân thường xảy ra “bội tín lẫn nhau”. Ngoài ra, liên kết vùng phải được thực hiện bền vững cho người nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thay đổi nhận thức của người dân về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Người dân phải tự nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong vấn đề liên kết. “Nhiều người thắc mắc, nếu nông dân tham gia liên kết thì được gì? Câu trả lời đơn giản là để bán được hàng”, ông Tùng chia sẻ.

Cùng vấn đề này, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó tổng giám đốc Tổ chức chứng nhận NHO-QSCert, cho rằng, trong sản xuất, kinh doanh nông sản hay bất kỳ sản phẩm nào, việc đầu tiên cần xác định là bán cái gì, bán cho ai và bán như thế nào mới đưa ra được kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trong đó, bán cái gì phải dựa vào nhu cầu người mua chứ không phải ở chỉ bán thứ mình có. Khi xác định được nhu cầu thị trường thì phải có phương án để đáp ứng nhu cầu đó. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm là giữ ổn định, bền vững về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết sản xuất-tiêu thụ, tham gia chuỗi logictics.

Cụ thể, nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp phải liên kết từ đầu vào gồm giống, phân bón, máy móc cơ giới; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu; liên kết tiêu thụ qua thu gom tập trung; liên kết chế biến từ sơ chế, bảo quản, đóng gói, chế biến tinh và chế biến sâu; cuối cùng là liên kết tiêu dùng ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

“Muốn kiểm soát chất lượng trong suốt các chuỗi liên kết nối tiếp nhau đó, các đơn vị tham gia chuỗi phải đổi mới quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ như mã vạch, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý... để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc một cách chi tiết nhất, tạo uy tín củng cố thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường”, ông Hiệp khuyến nghị giải pháp.


Duy trì nuôi bò sữa tạo bước phát triển kinh tế Duy trì nuôi bò sữa tạo bước phát… Lâm Đồng siết chặt quản lý nguồn gốc nông sản VietGAP Lâm Đồng siết chặt quản lý nguồn gốc…