Liên kết sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo
Thực hiện Quyết định 62 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn (CĐL)”, những doanh nghiệp có quá trình tham gia xuất khẩu gạo hiện đang tiến hành củng cố về quy mô vùng nguyên liệu truyền thống lên đến hàng chục ngàn héc-ta, vốn đã bao tiêu ổn định từ vụ lúa Đông xuân 2014-2015 và nhiều vụ trước.
Thông qua mô hình cánh đồng lớn
Trong vụ Đông xuân năm 2014-2015 vừa qua, tỉnh Hậu Giang có hơn 5.100ha lúa sản xuất theo mô hình CĐL. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, điểm nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện là tất cả các CĐL đều có sự tham gia của doanh nghiệp thông qua công tác chuyển giao mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, nhất là ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúc cuối vụ đối với người dân tương đối chặt chẽ hơn so với các vụ trước đây.
Điển hình là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã tham gia liên kết và bao tiêu theo “Mô hình quản lý dịch hại trên lúa hiệu quả bền vững” với diện tích khoảng 2.500ha ở các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và Long Mỹ. Cụ thể, công ty đã khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ và canh tác những bộ giống đáp ứng theo nhu cầu của thị trường như OM 4900, OM 5451. Quan trọng là triển khai đầu tư khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác cho nhà nông.
Vì thế, tại buổi tiếp xúc với một số doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo trong và ngoài tỉnh diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, yêu cầu các đơn vị liên quan của ngành, cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng tham gia liên kết sản xuất, gắn với công tác tiêu thụ lúa trong CĐL cho người dân trên cơ sở Quyết định 62 của Chính phủ, trước mắt là ngay ở vụ lúa Hè thu và Thu đông năm nay.
Thông tin từ cục trồng trọt, thời gian qua, diện tích các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất lúa gạo với nông dân ngày càng tăng. Theo đó, tỷ lệ thành công các hợp đồng cũng đã tăng lên đáng kể, từ 30% năm 2013 lên 55% vào năm 2014. Năm 2015 diện tích CĐL của vùng trên 196.000ha, tăng lên hơn 57.110ha so với năm 2014. Điều quan trọng là mô hình đã từng bước khẳng định được vị trí của một phương thức tổ chức sản xuất lúa tiên tiến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương trong vùng và phát triển thương hiệu gạo Việt.
Nâng cao năng lực hợp tác xã
Trong hội nghị CĐL vừa diễn ra ở thành phố Cần Thơ, TS. Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: Một trong những nguyên nhân làm cho mô hình CĐL thành công là nhờ sự đóng góp của các hợp tác xã (HTX). Vì các HTX đã thay mặt nông dân ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và cung cấp, hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác lúa. Cho nên, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX đứng chân trong CĐL.
Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất biệt phái 15 viên chức đang làm việc tại các trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản về làm phó giám đốc các HTX trên địa bàn tỉnh. Trước đó, địa phương này cũng đã chỉ đạo thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng tại các HTX Tân Tiến, Tân Cường, Phú Bình và có 28 hộ tham gia với diện tích hơn 126ha, đồng thời thí điểm phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ cho HTX Tân Cường…
Đến nay, Hậu Giang cũng đã tích cực triển khai Đề án về nâng cao chất lượng của HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các HTX nằm ở xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đồng nghĩa với việc một số HTX nông nghiệp đứng chân trong CĐL điểm của tỉnh nằm trên địa bàn các xã nông thôn mới Vị Thanh (huyện Vị Thủy), hay Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) sẽ được thụ hưởng thêm các chính sách ưu đãi nhằm đảm nhận tốt vai trò đại diện nhà nông liên kết với doanh nghiệp.
Như vậy, cùng với sự hỗ trợ HTX phát huy hiệu quả hoạt động từ phía cơ quan nhà nước và nhu cầu, ý thức chủ động xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất của hơn 120 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ không khó để tạo ra “luồng gió mới” giúp cho tiến trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo tại “vựa lúa” ĐBSCL (1,6 triệu ha) tiếp tục có bước chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Theo nhận định lạc quan của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang: “Nếu chúng ta kiên định tiếp tục đi theo chuỗi liên kết và khắc phục những khó khăn, nhược điểm tồn tại thì hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu lúa gạo, để giá bán ít ra không cao hơn thì cũng bằng với những quốc gia tiên tiến”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ