Liên Kết Sản Xuất Tiêu Thụ Sản Phẩm Gia Cầm
Chăn nuôi gia cầm là một ngành quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà, nhưng nhiều năm qua luôn phải chịu rủi ro về giá cả, dịch bệnh, thị trường. Tái cơ cấu sản xuất, xây dựng mối liên kết khép kín, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang là yêu cầu cấp bách để tạo ra thế đứng vững chắc cho ngành này.
Trại nuôi gà gần 10 nghìn con của gia đình ông Trần Văn Chiến ở xã Cổ Ðông (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) là một trong 40 trang trại nuôi gà của HTX Cổ Ðông tham gia vào chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất cho tới tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Cộng đồng Green Foot.
Nói về hướng làm ăn mới này, ông Trần Văn Chiến chia sẻ: Mấy năm trước, nhiều hộ nuôi gà cung cấp cho các công ty nước ngoài nhưng do giá cả và các yếu tố hỗ trợ sản xuất như điện, nước, xăng, nhân công luôn biến động, tỷ lệ hao hụt thức ăn cao, chi phí xây dựng chuồng trại lớn nên sau nhiều năm "làm thuê" trên đất của mình, lợi nhuận thu về cũng chẳng được là bao. Người nông dân lại quay ra tự túc làm ăn, tự đầu tư vốn để chăn nuôi nhưng cũng không ăn thua vì đến lúc xuất bán, lại bị tư thương ép giá.
Từ đầu năm 2014 đến nay, khi tham gia vào chuỗi liên kết giữa HTX Cổ Ðông và Công ty cổ phần Cộng đồng Green Foot, chúng tôi được bao tiêu sản phẩm từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào cho tới khi thành phẩm xuất bán. Sau mấy lứa gà, những hộ nuôi số lượng lớn có mức lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện, mối liên kết với Công ty cổ phần cộng đồng Green Foot đang mở ra một cách thức làm ăn mới cho các hộ chăn nuôi. Khi tham gia vào chuỗi sản xuất, các hộ sẽ được công ty cung cấp nguồn thức ăn đầu vào với chất lượng bảo đảm và giá thấp hơn thị trường từ 3 đến 5%.
Giá thu mua sản phẩm đầu ra cao hơn thị trường từ 1% đến 3%. Vì thế thu nhập của người chăn nuôi sẽ cao hơn từ 20% đến 30% so với cách làm truyền thống.
Dự kiến đến năm 2015, HTX Cổ Ðông sẽ chuyển từ 50% đến 70% số trang trại còn lại vào chuỗi liên kết chăn nuôi theo hướng khép kín, doanh nghiệp và người chăn nuôi cùng chia sẻ rủi ro, lợi nhuận.
Với hiệu quả đạt được, có thể thấy, mô hình chăn nuôi khép kín như ở HTX Cổ Ðông là một hướng đi phù hợp cho ngành chăn nuôi nước ta.
Tuy nhiên, hiện trên cả nước, các mô hình như vậy vẫn còn rất ít. Ða số các hộ chăn nuôi đều phải "tự bơi", lỗ lãi tùy thuộc vào thị trường và vấn đề dịch bệnh. Trao đổi ý kiến về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam Trần Công Xuân cho biết: Ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay chủ yếu vẫn theo hướng tự phát và dựa trên kinh nghiệm, ít được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và cách phòng, chống dịch bệnh.
Trong chăn nuôi gia cầm, con giống giữ vai trò quyết định nhưng thực tế hiện nay, việc quản lý và kiểm soát chất lượng con giống vẫn thả nổi. Ða phần người dân tự nhân giống, mua giống ở chợ, từ thương lái nên chất lượng không bảo đảm. Bên cạnh đó, giá thành thức ăn chăn nuôi ở trong nước lại cao hơn các nước trong khu vực tới hơn 10% nên cũng tác động lớn đến sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ðặc biệt, điểm thiếu hụt lớn nhất của ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay chính là sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chính điều này đã khiến giá thành sản phẩm gia cầm luôn bấp bênh, gây ảnh hưởng lớn đối với người chăn nuôi.
Trước thực tế này, mới đây Hiệp hội gia cầm Việt Nam đã đề ra bốn giải pháp về việc xây dựng liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ là: Liên kết giữa cơ sở sản xuất con giống và cơ sở nuôi thương phẩm; liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn và cơ sở sản xuất thuốc thú y với cơ sở sản xuất con giống và thương phẩm.
Liên kết này bảo đảm được số lượng và chất lượng thức ăn, không qua trung gian nên giá thành thức ăn thấp hơn, góp phần hạ giá thành sản phẩm;
Liên kết giữa cơ sở chăn nuôi thương phẩm với cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nuôi chủ động được thị trường, tránh tình trạng bị thương lái ép giá; Liên kết hoàn chỉnh nhất sẽ bao gồm cả ba liên kết nêu trên, đây là liên kết tạo ra sản phẩm có giá thấp, kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng mối liên kết khép kín không phải là việc đơn giản khi bài toán lợi ích của các bên tham gia chưa có lời giải thỏa đáng.
Chủ nhiệm HTX Cổ Ðông Trần Văn Chiến nói về những vất vả của ngày đầu: Khi mới nghe phổ biến, bà con ai cũng "giãy nảy" tính toán thiệt hơn và cho rằng, HTX là một khâu trung gian kiểu mới. Chúng tôi phải lấy uy tín của mình để cam kết và đứng ra bảo lãnh mua con giống, thức ăn chăn nuôi cho từng hộ.
Muốn bà con tin tưởng, HTX phải đáp ứng được năng lực quản lý, xây dựng hợp đồng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân bằng một "khế ước" chặt chẽ. Hiện nay, HTX Cổ Ðông đang liên kết với năm doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ. Tuy số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn nhưng đây là bước đi cần thiết, bền vững để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Nhất là trong thời gian tới, khi Hiệp định TPP (Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, với dự kiến thuế của nhiều mặt hàng chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bằng 0%, thì tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi về cả chất lượng và giá cả sẽ càng trở nên quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ