Mô hình kinh tế Loại Trừ Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Để Cứu Ngành Tôm

Loại Trừ Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Để Cứu Ngành Tôm

Ngày đăng 22/02/2012

Loại Trừ Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Để Cứu Ngành Tôm
Hậu quả khó lường

Thời gian qua, việc sử dụng 3 loại hóa chất, kháng sinh Cypermethrin, Deltamethrin và Enrofloxacin cũng như các sản phẩm có nguồn từ các chất này trong quá trình xử lý nước, diệt giáp xác, trị bệnh trong nuôi tôm đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm và xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích nuôi tôm bị thiệt hại năm 2011 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 97.691ha, nghiêm trọng nhất là Sóc Trăng có hơn 25.000 ha tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh bị mất trắng. Riêng Tiền Giang, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2011 lên đến 951,04ha, tăng 309% so với 307,73 ha của năm 2010.
Đến nay, một trong các tác nhân khiến tôm chết hàng loạt được xác định là do hội chứng ngộ độc bắt nguồn từ thuốc bảo vệ thực vật. Phần lớn các hộ bị thiệt hại thường dùng các sản phẩm có thành phần nông dược là Cypermethrin, Deltamerthrin để diệt tạp trong vùng nuôi tôm và cải tạo ao nuôi, thậm chí một số hộ còn sử dụng trực tiếp các loại thuốc bảo vệ thực vật như Padan, Dexit, Visher…
Đối với thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến ngày 16/1/2012, Nhật Bản đã cảnh báo 4 lô tôm Việt Nam tồn dư Enrofloxacin vượt mức cho phép. Đây là một sự khởi đầu không tốt và sẽ gây bất lợi cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện một số thị trường khác cũng đã bắt đầu chú ý đến tình trạng các lô tôm Việt Nam bị cảnh báo tại thị trường Nhật Bản, và sẽ tăng cường kiểm tra, trước tiên là thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Trong năm 2011, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đã cảnh báo 56 lượt tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh Enrofloxacin quá mức cho phép với mức phát hiện phổ biến khoảng 20 ppb, và hàng bị buộc tái nhập về Việt Nam. Điều này đã khiến cho hình ảnh con tôm Việt Nam bị ảnh hưởng xấu trên thị trường thế giới, nghiêm trọng hơn nhiều thị trường (trong đó có Nhật Bản) có thể ngừng nhập khẩu tôm từ Việt Nam nếu tình trạng này không được cải thiện.
Tập trung khắc phục
Trước tình hình trên, ngày 16/01/2012, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám đã ký ban hành Thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT về việc đưa các chất Cypermethrim, Deltamethrin và Enrofloxacin ra khỏi Danh mục hoá chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản; Bổ sung các chất Cypermethrin, Deltamethrin và Enrofloxacin vào Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám cũng đã ký Thông tư số 04/2012/TT-BNNPTNT đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản; thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, các thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất Cypermethrin, Deltamethrin thuộc nhóm Pyrethroid rất độc với cá, tôm và các loài thủy sinh vật khác. Nhiều vùng nuôi tôm xảy ra dịch bệnh do phát hiện có dư lượng Cypermethrin trong bùn ao dao động từ 31- 603 ppb (một phần tỷ). Khi đó Cypermethrin gây hội chứng hoại tử gan tụy làm tôm chết ngay ở nồng độ 0,0001ppb. Cypermethrin rất ít tan trong nước, thường lắng và bị giữ lại trong lớp bèn đáy ao, tương đối bền trong môi trường trung tính và acid nhẹ, phân hủy nhanh trong môi trường kiềm (pH ≥ 9).
Đối với Enrofloxacin, thời gian qua nhiều nông dân nuôi tôm đã sử dụng kháng sinh này để trị bệnh teo gan trên con tôm. Tuy nhiên, theo kết luận mới đây của Tổng cục Thủy sản, bệnh hoại tử gan ở tôm gây thiệt hại nặng nề trong thời gian qua ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân dùng trong xử lý môi trường nước nuôi tôm chứ không phải do tác nhân vi khuẩn, cho nên việc sử dụng kháng sinh này để điều trị là không có hiệu quả.
Do đó, để cải tạo môi trường ao nuôi tôm nhằm hạn chế những ảnh hưởng của Cypermethrin, Deltamethrin trong vụ tôm năm 2012, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo: Người nuôi tôm nên sử dụng vôi, saponin để diệt tạp, giáp xác; Các cơ sở nuôi cần phải có ao lắng lọc trước khi cấp vào nước vào ao nuôi để xử lý các chất lơ lửng trong nước nhằm hạn chế các chất lo lửng có chứa Cypermethrin và cá tạp, giáp xác vào ao nuôi; Tạo điều kiện tối đa cho quá trình phân hủy Cypermethrin trong nước và bùn đáy ao bằng cách cung cấp đủ oxy, tạo dòng chảy trong ao để nước và bùn đáy ao dễ dàng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.Đối với các vùng nuôi tôm đã bị bệnh hoại tử gan tụy, người nuôi cần sử dụng vôi (CaO) nâng pH tương đương 9 tạo điều kiện phân hủy nhanh dư lượng Cypermethrin trong các ao nuôi tôm, với lượng vôi sử dụng căn cứ theo pH thực tế tại từng ao. Cụ thể, pH > 8 bón 500 - 1.000kg/ha; pH: 6-7 bón 1.500 -2.000kg/ha; pH: 5 - 6 bón 2.500 - 4.500kg/ha; pH: 4 - 5 bón 4.500 - 6.000kg/ha.


Bất Công Đến Thế Là Cùng Bất Công Đến Thế Là Cùng Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại