Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản ai bồi thường cho nông dân?
Vô lý: Thanh tra phải… báo trước cho đại lý
Hằng tuần đều có cán bộ tiếp thị của các DN mang sản phẩm tới quảng cáo. Thế nhưng, lâu rồi tôi không thấy cán bộ ngành nông nghiệp nào đến khảo sát vùng nuôi, tình hình thực tế gì thêm để tư vấn, giúp đỡ bà con hết”.
Anh Nguyễn Văn Tiền chia sẻ
Ông Nguyễn Tiến Diệt - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản Tiền Giang chia sẻ, Chi cục Thủy sản Tiền Giang đã ra văn bản thông báo đề nghị công ty này tái chế hoặc tiêu hủy đối với HERO Dine 99. Với Phèn xanh 99 (CuSO4), nếu công ty muốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì phải thực hiện đăng ký lưu hành đối với sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Chia sẻ về công tác thanh tra các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương, ông Diệt cho biết cũng có một số khó khăn nhất định. Vì lực lượng mỏng nên Chi cục Thủy sản phải tổ chức lực lượng kiêm nhiệm.
Theo đó, từ năm 2014, Sở NNPTNT Tiền Giang đã tổ chức thực hiện công tác thanh tra liên ngành. Mỗi năm tiến hành 5 cuộc, thanh tra tính hợp pháp của các sản phẩm có trong danh mục lẫn kiểm tra chất lượng các sản phẩm nằm ngoài danh mục. “Mỗi đợt thanh tra đều phải thông báo trước cho đại lý biết trước. Thế nên, việc quản lý đôi khi không theo kịp diễn biến phức tạp của thị trường” - ông Diệt nhấn mạnh.
Trong khi đó, TP.HCM là địa bàn có số lượng đơn vị “dính đòn” lớn nhất trong danh sách của Tổng cục Thủy sản vừa công bố. Riêng Công ty TNHH BZT USA là một doanh nghiệp (DN) có tới 112 sản phẩm được kiểm nghiệm khống. Trong đó có 109 sản phẩm đã nhập khẩu vào Việt Nam. Tất cả đều là sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Không có tên trong danh sách bị thu hồi sản phẩm, ông Huỳnh Công Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Mebiphar cho rằng đây là dịp để Tổng cục Thủy sản tổ chức lại công tác kiểm nghiệm và cấp phép thủ tục lưu hành để tránh là ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính.
Ông Tuấn cũng cho rằng, đối với DN đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nên tạo điều kiện cho quy trình đăng ký, làm thủ tục được thông thoáng hơn. Cũng nên có quy định cho DN thực hiện tiêu chuẩn GMP để tiện lợi kiểm tra xử lý theo quy trình. Vì thuốc thú y đã có tiêu chuẩn này, nhưng bên nuôi trồng thủy sản thì chưa.
Tiền thật mua sản phẩm lỗi
Ông Trần Ngọc Anh- kỹ sư thủy sản ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cho rằng, thông tin các sản phẩm bị thu hồi vừa qua chỉ giống như giọt nước làm tràn ly. Vì thị trường thức ăn nuôi trồng thủy sản vốn dĩ đã bát nháo lâu nay.
Ông Anh khẳng định ngay trên địa bạn Bến Tre, hết phân nửa là DN “dỏm”. Các sản phẩm ngoài danh mục vẫn khơi khơi lưu hành đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất. Thông tin ngành thủy sản vẫn luôn mập mờ so với ngành thuốc thú y.
“Việc sớm công bố danh sách là điều tốt, nhưng liệu Tổng cục Thủy sản dám nói thẳng nói thật tới đâu? Còn bao nhiêu công văn bị làm giả, bao nhiêu sản phẩm bị cấm chưa được công bố hay chỉ chừng đó thôi?”- ông Anh đặt câu hỏi.
Ông Anh cũng nói thêm: “Trong khi chất lượng sản phẩm lâu nay vốn là thứ mơ hồ, khó đoán định. Chính quyền lại cấp giấy phép khống cho những sản phẩm dỏm trong một thời gian dài. Như thế có phải mà muốn phá hoại ngành và trút thêm gánh nặng lên đầu nông dân hay không?”.
Người nuôi trồng muốn hướng tới sản phẩm có chất lượng, thân thiện môi trường để bảo vệ tài sản của chính mình. DN bán sản phẩm lỗi, nhưng nông dân vẫn phải mua bằng tiền thật. “Những cá nhân vi phạm bị xử phạt như thế nào chúng tôi chưa biết, nhưng điều tôi quan tâm là những hậu quả do các sản phẩm này gây ra thì ai sẽ chia sẻ với nông dân?” - ông Anh bức xúc.
Theo ông Anh, thực tế hiện nay, cách đánh giá sản phẩm của người dân còn nhiều khiếm khuyết về mặt khoa học. Nông dân vẫn sử dụng sản phẩm theo tâm lý đám đông hoặc bằng niềm tin cảm tính. Thấy ai làm trúng thì họ tin theo. Chưa kể có người còn thêu dệt thêm thông tin cho có bài bản, hệ thống để phục vụ ý đồ riêng.
Anh Nguyễn Văn Tiền (ngụ thị xã Gò Công, Tiền Giang) thì cho rằng cần chấn chỉnh công tác quản lý từ cấp đầu ngành đến cấp cơ sở. Không phải nông dân nào cũng có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng. Mà sự tư vấn của chính quyền thì chưa sâu sát.
Như “chuyện thường ngày huyện”!
Nông dân Đỗ Thành Tám (ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho rằng, chuyện phải đối mặt với thuốc dỏm, thuốc giả, “ma trận” các sản phẩm bổ sung sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như chuyện thường ngày ở huyện.
Dù nông dân trong vùng đã có nhiều năm nuôi trồng thủy sản nhưng bệnh trên tôm, cá thì khá mới mẻ với nhiều người. Nguyên nhân là do nước và môi trường vùng Cần Giờ chỉ mới ô nhiễm vài năm trở lại đây, khiến tỷ lệ tôm, cá bị bệnh nhiều hơn.
Hằng ngày, rất nhiều DN đến tư vấn sử dụng thuốc nhưng đâu biết thuốc nào tốt hơn thuốc nào. Cũng không phải ai cũng biết thông tin về các kháng sinh cấm hay các sản phẩm lưu hành trái phép bị thu hồi.
Ông Tám cho rằng, cứ thả con giống xuống là hồi hộp từng ngày nên khi có dấu hiệu bệnh là trông chờ hết vào cán bộ tư vấn của DN. Hiện nay, nông dân chỉ nuôi thả bằng nguồn nước tự nhiên, mật độ tôm thưa hơn nhưng tôm vẫn bị bệnh. Việc xử lý ao nuôi, trị bệnh càng tốn kém hơn nữa.
Bán hàng cũng “thấp thỏm lo âu”
Bà Nguyễn Ngọc Cơ- chủ đại lý phân phối thuốc thú y và các sản phẩm bổ sung dùng trong nuôi trồng thủy sản tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) cũng cho rằng, công việc kinh doanh của bà ngày càng khó khăn khi chất lượng các sản phẩm đưa về đại lý không được đảm bảo.
Dù một số sản phẩm có mức chiết khấu cao nhưng giá trị ao nuôi tôm của bà con nông dân là rất lớn, do đó, có lần, bán phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng khiến tình trạng bệnh tôm nặng hơn. Chủ ao đã đến “mắng vốn” và đòi kiện ra tòa khiến gia đình “một phen hú vía”.
Bà Cơ cho rằng, lâu nay cứ nghĩ sản phẩm có trong danh mục lưu hành nghĩa là đã được cơ quan chức năng thông qua, được kiểm định về chất lượng. Chuyện đến nước này, chúng tôi tạm thời phải hạn chế nhập một số sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng.
Cần tăng mức xử phạt!
Ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân Long An cho rằng, việc quản lý lỏng lẻo các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hiện nay đã làm ngành này vốn bát nháo càng thêm lộn xộn.
Theo ông Hùng, cần tăng mức xử phạt các DN làm ăn không đàng hoàng, các DN có tên trong danh sách có sản phẩm lưu hành không đúng quy định vừa được Tổng cục Thủy sản công bố. Đồng thời, phải sắp xếp lại việc quản lý các sản phẩm này cho hợp lý, chặt chẽ hơn.
“Cũng cần tăng cường thông tin cho nông dân biết đâu là sản phẩm mới đạt chất lượng, có thể sử dụng cho ao nuôi và bêu tên những đơn vị làm ăn không đàng hoàng. Vì ở mảng thuốc thú y, có nhiều sản phẩm này còn rất mới với nông dân, họ không xác định được”-ông Hùng cho biết.
Khải Huyền – Nguyên Vỹ (ghi)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ