Mô hình kinh tế Lộc Phát Với Xà Lách Xoong Và Nấm Bào Ngư

Lộc Phát Với Xà Lách Xoong Và Nấm Bào Ngư

Ngày đăng 03/12/2014

Lộc Phát Với Xà Lách Xoong Và Nấm Bào Ngư

Cùng đồng lòng xây dựng HTX Lộc Phát ở xã Phú Hội, Đức Trọng,  hơn chục hộ nông dân đã tạo nên một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ 2 sản phẩm chủ lực là nấm bào ngư và xà lách xoong. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Lộc Phát đang trên đường cải thiện thu nhập cho từng hộ gia đình thành viên.

Vào đầu mùa khô năm nay, cánh đồng 15ha xà lách xoong ở thôn Phú Lộc, xã Phú Hội, Đức Trọng bước vào thu hoạch đạt sản lượng hơn 3 tấn/ngày (mùa mưa vừa qua chỉ thu trên dưới 2,5 tấn/ngày). Thu hoạch xà lách xoong từ dưới ruộng gánh lên bờ chưa quá 100m là đến khu vực thu mua, đóng gói của HTX Lộc Phát.

Anh Trần Văn Dũng, phụ trách “khâu đầu ra” của HTX cho biết, giá thu mua xà lách xoong bình quân trong một tháng vừa qua từ 4.000 đồng/kg trở lên. Ngay trong ngày, cứ giao nhận hàng xà lách xoong số lượng bao nhiêu đều thanh toán đủ số tiền tương ứng bấy nhiêu.

Trong “dây chuyền thu mua” có nhiều lao động người nhà của thành viên HTX, được hưởng thu nhập với “mức tương đối” hàng tháng gồm các phần việc sắp xếp, đóng gói rau xà lách xoong (hoặc các loại rau xanh khác) một cách cẩn thận, giữ được độ tươi xanh trên đường vận chuyển đến các tỉnh, thành phương Nam tiêu thụ.

Trên tổng nguồn vốn khoảng gần 1 tỷ đồng (do một thành viên HTX đầu tư), khu vực thu mua rau đã xây dựng các hạng mục đưa vào hoạt động gồm nhà xưởng diện tích 500 mét vuông, trong đó, có thiết kế hầm trữ đá làm lạnh bảo quản rau khi vừa thu hoạch, trang bị mới 1 chiếc xe vận chuyển trung tải, mua về cả trăm thùng carton dùng làm bao bì…

Hàng ngày, xà lách xoong thu mua về đây không chỉ gồm 100% sản lượng thu hoạch của thành viên HTX, mà còn chiếm số lượng không nhỏ của những nông dân khác sản xuất bên cánh đồng liền kề. Tất cả thị trường “đầu ra” của sản phẩm xà lách xoong đều do HTX chủ động khai thác và từng bước mở rộng.  

“Hai năm vừa qua, kể từ khi hình thành cơ sở thu mua rau của HTX Lộc Phát, lợi nhuận trong mỗi thành viên trồng xà lách xoong đã tăng lên khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Trong khi trên diện tích này, trước đây trồng lúa 2 vụ mỗi năm đạt lợi nhuận không cao, có vụ chỉ huề vốn…” - ông Vương Tâm, Giám đốc HTX Lộc Phát hạch toán.

Có được kết quả như vậy, trước hết nhờ HTX đã tích cực vận động mọi thành viên “cắp sách” lên Trung tâm Nông nghiệp huyện tham gia học nghề sản xuất rau VietGAP khoảng thời gian 4 ngày tập trung.

Sau đó đem kiến thức trở về thực hành sát hợp với điều kiện sản xuất trên từng thửa ruộng xà lách xoong của mình, dần dần nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng “kết nối” làm bạn hàng lâu dài. Đến nay, quy trình sản xuất xà lách xoong an toàn của HTX Lộc Phát đã ổn định với hệ thống tưới tiêu tự động bơm lên từ nước giếng khoan ngầm, việc bón phân, bơm thuốc luôn tuân thủ đúng quy trình, đúng lịch thời vụ…

Bên cạnh khu vực thu mua rau là khu vực sản xuất phôi nấm giống bào ngư của HTX Lộc Phát “khai trương” hơn một năm qua, do 4 thành viên góp vốn xây dựng khoảng 50 triệu đồng. Các công đoạn từ phối trộn phôi nấm “đong” vào bịch ni lông, đưa qua lò hấp (bằng lửa củi bụi tạp tận dụng) rồi treo sắp lớp trong nhà lợp kín lá dừa… đều được tiến hành đồng bộ, khép kín trong từng lứa nấm trồng mới.

Gần cuối tháng 11/2014, đã có 2 trại nấm bào ngư (diện tích 150 mét vuông/trại) của HTX thu hoạch đạt tổng sản lượng khoảng 9 tấn, doanh thu bán ra 180 triệu đồng. Trừ chi phí tiền giống và công lao động, mỗi lứa nấm bào ngư chăm sóc và thu hái trong vòng 6 tháng đã thu về số lãi trên dưới 40 triệu đồng/trại. Trong năm 2014, HTX Lộc Phát phát triển lên 15 trại nấm bào ngư, trung bình mỗi trại xây dựng mới gần 80 triệu đồng vốn đầu tư.

Sản xuất ổn định phôi nấm tại chỗ, HTX Lộc Phát đã liên kết với một đối tác trong nước cung cấp nguồn meo giống năng suất cao, khắc phục tình trạng mua phải meo giống ngoài thị trường trôi nổi kém chất lượng, nấm không nẩy mầm khiến phần lớn số trại của thành viên đều gần như bị “mất trắng” lứa sản xuất “đầu tay” vào cuối năm 2013.

HTX xem đây là một bài học đắt giá, nên đã thường xuyên rút kinh nghiệm trong những giờ lao động sản xuất hoặc trong các cuộc họp toàn thể thành viên, nhằm không ngừng nâng cao giá trị thu nhập trên từng sản phẩm làm ra của mình.

Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/loc-phat-voi-xa-lach-xoong-va-nam-bao-ngu-2377585/


Cho Thầu Nuôi Thủy Sản Được Cá, Thiệt Lúa Cho Thầu Nuôi Thủy Sản Được Cá, Thiệt… Nam Hà Thắm Sắc Cẩm Tú Cầu Nam Hà Thắm Sắc Cẩm Tú Cầu