Tin nông nghiệp Lộc trời ở vùng cao Ngọc Chiến

Lộc trời ở vùng cao Ngọc Chiến

Tác giả Kiều Thiện (Trang Trại Việt), ngày đăng 26/11/2016

Lộc trời ở vùng cao Ngọc Chiến

Hàng chục năm về trước, khi Ngọc Chiến còn đắm chìm trong gian khó, ông cán bộ nông nghiệp Lù Văn Pháng đã mang về cho bà con người Thái, người Mông nơi đây giống lúa nếp năng suất cao mà chất lượng tốt, giúp cho hàng nghìn hộ dân có thóc để bán và xóa đói cho toàn xã. Người Ngọc Chiến vẫn luôn tự hào cho rằng: “Đó là của trời ban tặng”.

Trong ảnh: Từ vườn ươm giống của anh Pháng, hàng trăm ha cây ăn quả đã được bà con nông dân phát triển và cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ha/năm. ảnh: Kiều Thiện

Xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) nổi tiếng với con đèo Sam Síp với 30 khúc cua tay áo, thách thức mọi phương tiện giao thông trong cả 4 mùa. Bây giờ, đường về Ngọc Chiến đã thuận lợi hơn nhờ được nhựa hóa và bê tông hóa. Nhưng ở Ngọc Chiến lại đang sôi động câu chuyện về lúa nếp Pháng Xiên, được gọi theo tên của Chủ tịch UBND xã và con trai đầu.

Người dân Ngọc Chiến kể rằng, hàng chục năm trước, khi Ngọc Chiến còn đắm chìm trong gian khó thì ông cán bộ nông nghiệp Lù Văn Pháng đã tìm đường cho bà con đến với ấm no. “Từ cuối thập kỷ 80, khi ấy tỷ lệ đói nghèo ở Ngọc Chiến cao lắm. Bởi Ngọc Chiến là vùng đất vừa xa xôi, vừa lạnh giá lại nghèo nàn về hệ thống cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí hạn chế nên những tiến bộ khoa học kỹ thuật khó vào được với bà con. Khi ấy, giống nếp 87 vừa mới ra đời, nhiều vùng thấp trong tỉnh còn chưa mạnh dạn đưa vào gieo trồng thì anh Pháng đã đưa về quê hương Ngọc Chiến của mình thử nghiệm và thành công rồi nhân rộng ra. Thế là bà con Thái, Mông ở đây có một giống lúa mới năng xuất cao mà chất lượng tốt, góp phần cứu đói nghèo. Người dân lấy luôn tên anh Pháng và người con trai cả (Lù Văn Xiên) đặt tên cho giống lúa, thành lúa Pháng Xiên” – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến – Lò Văn Say, kể vậy.

Trăn trở với những đói nghèo của quê hương và tình yêu đất, yêu cây cỏ đã thúc đẩy anh Pháng theo học trung cấp nông - lâm nghiệp để trở về quê hương cống hiến thêm những kiến thức, hướng đầu tư, sáng tạo của mình. Anh trở thành một trong những người tiên phong với các mô hình kinh tế hộ hiệu quả: Phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê; làm mô hình VAC, trồng rừng, trồng cây ăn quả, làm vườn ươm cây giống, làm kinh tế dịch vụ nông nghiệp, giúp bà con tiêu thụ nông sản…

Hiện gia đình anh Pháng vẫn duy trì được nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ có 5 ha rừng thông đã đến kỳ cho khai thác nhựa và gỗ; 1 vườn ươm giống cây cung cấp 300.000 cây giống/năm. Đó là chưa kể nguồn thu từ ao cá, vườn rau, dịch vụ thu mua nông sản. Nhờ thế, kinh tế gia đình anh nhanh chóng trở nên khá giả. Đặc biệt, đầu năm 2016, gia đình anh đã mạnh dạn hợp tác cùng bạn bè thành lập Hợp tác xã Rau – hoa - củ - quả tươi Thành Công ngay tại Ngọc Chiến với diện tích lên tới 14 ha, đạt mức thu nhập bình quân ngót 1 tỷ đồng/ha/năm.

“Cũng nhờ có tâm huyết, lại nhiệt tình giúp đỡ nhiều người nên anh Pháng được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ hội nông dân. Vừa qua, anh còn được bầu làm chủ tịch UBND xã. Đó là con người của công việc và đổi mới. Trong đợt ảnh hưởng cơn bão số 3 ngày 20.8 vừa qua tại địa phương, anh Pháng đã bị thương, gãy 2 xương sườn trong khi đi cứu hộ người dân ngập lụt, nhưng anh ấy vẫn vừa điều trị vừa làm việc chứ không chịu nghỉ dưỡng thương đâu”, ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường La, tự hào cho biết.


“Cuộc chiến” ong nội - ong ngoại: Lập “hàng rào mới” cho nuôi ong “Cuộc chiến” ong nội - ong ngoại: Lập… Phát huy sức mạnh tập thể, xây dựng HTX kiểu mới Phát huy sức mạnh tập thể, xây dựng…