Lối Đi Nào Cho Ngành Cá Tra?
Sau gần 20 năm phát triển, ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã và đang đứng trước bối cảnh khó khăn mặc dù đã từng lập được nhiều “kỷ lục” đáng nể. Tìm lối đi cho ngành sản xuất cá tra là vấn đề cấp bách hiện nay.
Thời hoàng kim…
Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.
Cũng ngần ấy thời gian, ngành công nghiệp cá da trơn Việt Nam đã xác lập được nhiều kỷ lục. Từ sản lượng vài trăm ngàn tấn/năm, ngành này đã nhanh chóng đạt được 1,2 triệu tấn/năm (2007); xuất khẩu đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD (2013). Việt Nam gần như độc chiếm thị trường cá tra trên thế giới.
“Khi ngành công nghiệp cá tra lập được kỷ lục, lẽ ra “4 nhà” đều phải vui thì đằng này, tất cả đều buồn. Ngư dân nghỉ nuôi do thua lỗ, doanh nghiệp thì phá sản hàng loạt, nhà khoa học chán nản, còn Nhà nước thất thu thuế. Điều này xem ra hết sức nghịch lý” – ông Lý Công Tâm, nông dân nuôi cá xã Hòa Lạc (Phú Tân), giãi bày. Nguyên nhân của vấn đề trên là do tình trạng “mất kiểm soát” trên nhiều phương diện, trong đó có việc phát triển diện tích nuôi và giá xuất sản phẩm chưa hợp lý.
Tìm lối đi
Trước bối cảnh khó khăn của toàn ngành, đầu năm 2014, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An) đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh An Giang và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một giải pháp mang tính bền vững mà ở đó, tất cả các bên tham gia đều đạt hiệu quả sau một vụ sản xuất; mức độ rủi ro thấp, tính ổn định và bền vững cao. Đó là chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra. Trước lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của giải pháp này, Công ty Thuận An đã được UBND tỉnh chấp nhận và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo giải ngân vốn để thực hiện.
Đầu tháng 8-2014, chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra đi vào vận hành. Có 8 nông dân trong tỉnh, 3 công ty chuyên chế biến thức ăn thủy sản (Proconco, Greenfeed, Việt Thắng) và một số đơn vị chuyên cung cấp thuốc thú y thủy sản tham gia. Diện tích nuôi là 43,9 héc-ta. Sau hơn 4 tháng vận hành, những ao cá đầu tiên của nông dân tham gia chuỗi đã tiến hành thu hoạch. Nông dân bán được cá cho nhà máy với giá 24.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 2.000 – 2.200 đồng/kg. Đây là mức lãi tốt nhất trong vài năm trở lại đây.
Về phương thức vận hành của chuỗi, có sự liên kết giữa các bên tham gia mà ở đó, ngân hàng đóng vai trò trung tâm điều vốn phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp lo vấn đề thị trường để tiêu thụ hết số cá mà nông dân nuôi. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn thì tham gia cung cấp sản phẩm và được ngân hàng thanh toán tiền ngay khi đưa sản phẩm cho nông dân.
Nông dân được hưởng lợi rất nhiều từ chuỗi sản xuất này, bởi không còn chạy vạy lo toan, đi vay vốn với lãi suất cao ở bên ngoài mà đầu ra lại ổn định. “Ngoài việc không lo vốn, đầu ra, nông dân tham gia chuỗi còn được các kỹ sư đến tận ao nuôi để tư vấn kỹ thuật, phương pháp điều trị bệnh cho cá và nhiều vấn đề khác.
Qua hơn 4 tháng vận hành chuỗi, đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy có phát sinh nào gây bất lợi cho các bên tham gia. Về phía khách hàng mua cá, họ vẫn thích đàm phán, làm ăn với những công ty có nguồn nguyên liệu và giá cả ổn định” – ông Nguyễn Thái sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Giám đốc Điều hành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra (Công ty Thuận An), chia sẻ.
Trong bối cảnh khủng hoảng của ngành cá tra thì mô hình thí điểm của Công ty Thuận An có thể xem như hướng đi mới. “Nhìn thấy chuỗi vận hành và bước đầu mang lại hiệu quả rất thiết thực cho nông dân, chúng tôi là những người nuôi cá tra ngoài chuỗi (chưa được chọn tham gia) luôn mơ ước. Vào được chuỗi liên kết, mình không còn phải lo đầu ra, vốn và nhiều thứ khác. Tôi cho rằng, đây là mô hình tốt, Nhà nước cần nhân rộng” – ông Trần Hữu Dũng, nông dân nuôi cá xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới), bộc bạch.
“Nếu so sánh giữa nuôi cá tự do với nuôi cá theo mô hình liên kết chuỗi thì tôi xin khẳng định, mô hình liên kết là một mô hình rất bền vững. Đây chính là con đường mà chúng ta phải đi để nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu phát triển ổn định. Bởi thực tế gần 20 năm qua cho thấy, với lối làm ăn riêng lẻ thì chỉ có thua thiệt mà thôi. Còn đi vào con đường hợp tác, liên kết thì có lợi cho tất cả các bên” – ông Nguyễn Văn Tấn, nông dân tham gia chuỗi liên kết ở huyện Châu Phú, khẳng định.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Thoi-su/Loi-i-nao-cho-nganh-ca-tra.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ