Lợi ích cơ giới hóa trên cây rau
Những năm qua, cơ giới hóa là một trong những giải pháp được TPHCM vận động nông dân ứng dụng trong nông nghiệp, nhằm giải quyết khâu lao động nặng nhọc, đáp ứng tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông TPHCM lượng giá mô hình cơ giới hóa máy xới đất tại xã Tân Phú Trung (Củ Chi)
Trong đó, tăng cường cơ giới hóa trên cây rau là một trong những đề án được ngành nông nghiệp TP đẩy mạnh và được nông dân hưởng ứng, sử dụng với các thiết bị máy móc (máy xới đất mini, máy phun thuốc, hệ thống tưới phun…), qua đó góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chia sẻ về những ưu điểm trên, những hộ trồng rau (ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…) đều đánh giá việc sử dụng máy xới đất mini giúp đất tơi xốp, ít tiêu hao nhiên liệu, rút ngắn thời gian xuống 4 lần so với làm thủ công.
Anh Lê Văn Lớn, khuyến nông viên Trạm Khuyến nông Bình Chánh - Bình Tân, cho biết: “So sánh tiền công lao động bằng chân tay và làm đất bằng máy cho thấy, nếu thuê người cuốc đất 1.000m2 để trồng rau phải tốn khoảng 1 triệu đồng; còn cũng trên diện tích đó mà sử dụng máy xới đất chỉ tốn khoảng 350.000 đồng (tiền xăng và tiền công). Nhờ có máy xới đất, nông dân có thể sản xuất từ 6 - 7 vụ rau/năm, sản phẩm làm ra đạt năng suất cao”.
Với máy phun thuốc, ưu điểm là hoạt động bền, ít tiêu hao nhiên liệu, áp suất phun đảm bảo đều khắp ruộng rau, tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động và thời gian sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Út (ngụ ấp 4, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) phân tích: “Cơ giới hóa giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về thời gian, công lao động. Với máy phun thuốc bằng điện, chỉ cần sạc điện cho đầy là có thể sử dụng. Ngoài ra còn có điểm tiện lợi là máy gọn nhẹ, nên phụ nữ sử dụng cũng rất ổn”.
Còn anh Bùi Minh Châu (ngụ ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) chia sẻ: “Trước đây phải sử dụng bình xịt bơm tay rất nặng nề vất vả và tốn nhiều thời gian, nay sử dụng máy phun thuốc vừa đảm bảo nhanh, hiệu quả, vừa giảm vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.
Còn hệ thống tưới phun là một trong những biện pháp thâm canh quan trọng của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc trồng rau. Bởi, hệ thống tưới phun giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, nguồn nước cho người trồng.
Cô Hoàng Thị Hiền (ngụ ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) cho biết: “Khi sử dụng hệ thống tưới phun cho 1.000m2 rau ăn lá của gia đình, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, nhờ đó tôi có thể làm thêm nhiều công việc có ích khác cho gia đình”.
Từ những chia sẻ trên cho thấy, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là trong việc trồng rau, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động, tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm giống, phân bón, nước, cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng kịp thời mùa vụ và có thể tăng mùa vụ cho từng loại rau, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa và là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ