Mô hình kinh tế Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore

Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore

Ngày đăng 21/09/2013

Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình được triển khai tại HTX Nông nghiệp Hòa Trị 2 (Phú Hòa) trên diện tích 1,1ha, với giống lúa ML213, mật độ gieo sạ 6 kg/sào (120 kg/ha), còn ruộng đối chứng cũng sử dụng giống xác nhận ML213 được trồng phổ biến tại địa phương, sạ lan 10 kg/sào (200 kg/ha). Ruộng đối chứng bón phân theo tập quán của nông dân, ruộng mô hình áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Trước khi gieo sạ, ruộng mô hình xử lý hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5FS nên cây lúa phát triển tốt ngay từ giai đoạn đầu 14 ngày sau sạ, do đó chiều cao và chiều dài rễ ở giai đoạn mạ trên ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng không xử lý thuốc. Đến khi cây lúa giai đoạn 63 ngày tuổi trở đi, chiều cao cây của ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng từ 2 đến 3,1cm.

Còn đối với mật độ số cây trong ruộng, do lượng giống sạ 6 kg/sào đối với ruộng mô hình nên giai đoạn cuối vụ (lúa 84 ngày tuổi) số bông trên ruộng mô hình từ 708 đến 716 bông/m2, trong khi ruộng đối chứng chỉ có 744 bông/m2. Tuy nhiên, trên ruộng mô hình được phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và lượng giống gieo sạ chất lượng nên trên mỗi bông lúa có đến 68 hạt chắc, trong khi đó ruộng đối chứng chỉ 62 hạt chắc/bông.

Thêm vào đó, trên ruộng đối chứng do bị bọ trĩ gây hại, nông dân tiến hành phun thuốc trừ bọ trĩ nên tỉ lệ hại giảm 3% ở giai đoạn 28 ngày sau sạ, trong khi đó lúa của mô hình không phun thuốc nhưng tỉ lệ hại chỉ từ 0,2 đến 0,4%. Cũng do trên ruộng đối chứng có phun thuốc trừ sâu sớm (trừ bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ) nên ảnh hưởng đến lực lượng thiên địch, làm cho sâu đục thân phát triển nhanh hơn so với ruộng của mô hình.

Ông Nguyễn Tâm Hồng ở xã Hòa Trị cho hay: Lúa của mô hình trong thời gian sinh trưởng, các loại sâu bệnh gây hại xuất hiện ít nên hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Còn ruộng đối chứng lâu nay phun thuốc theo thói quen nên hiệu quả phòng trừ thấp, dẫn đến chi phí cao”.

Khi triển khai mô hình GroMore, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật AZ Top, Tilt Super, Cruiser theo từng giai đoạn đúng thời điểm để phòng trừ bọ trĩ, khô vằn, lem lép hạt, đồng thời áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, như vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống xác nhận, bón phân đơn… Kết quả là năng suất ruộng mô hình đạt 83 tạ/ha, cao hơn lúa đối chứng 4 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng 2,2 triệu đồng/ha.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Nguyên lý của mô hình GroMore là hướng dẫn cho nông dân tìm ra các biện pháp tích hợp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Qua 1 vụ sản xuất, nông dân tham gia mô hình áp dụng các biện pháp chống chịu sâu bệnh hại, năng suất cao hơn. Lâu nay bà con nông dân phun thuốc đầu vụ quá sớm, tiêu diệt thiên địch nên về sau bệnh hại diễn biến phức tạp. Với việc triển khai mô hình này sẽ giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.


Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó Mô Hình “Cánh Đồng Mẫu Lớn” Trồng Mía Cho Kết Quả Tốt Mô Hình “Cánh Đồng Mẫu Lớn” Trồng Mía…